| Hotline: 0983.970.780

Bằng chứng phải tiết kiệm Kali

Thứ Sáu 30/09/2016 , 06:55 (GMT+7)

Khi đã biết tác dụng của K là tốt cho cây trồng, nông dân ham bón nhiều K, dẫn đến lạm dụng K. May thay khi lạm dụng bón nhiều kali thì không thấy rõ tác hại gây ra như bón quá liều phân đạm, nên bà con không hề biết.

Kali (K20) được xếp vào loại nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu nhóm đa lượng trong bộ ba NPK. Thế nhưng trong lịch sử ứng dụng K20 vào sản xuất nông nghiệp thì trải qua nhiều công đoạn thăng trầm và không phải ai cũng hiểu hết về công dụng và cách dùng phân bón K20…

Chúng ta còn nhớ, trước khi có phân bón hóa học, bà con nông dân ta thường áp dụng kỹ thuật canh tác theo lối quảng canh. Nghĩa là làm ruộng có chất gì thì bón chất ấy. Thường là bón một ít phân chuồng, phân rác hay phân bùn ao, với số lượng rất hạn chế nên năng suất cây trồng thường rất thấp. Lúc đó khái niệm về phân là chất thải của gia súc, gia cầm, rơm rác ủ đến độ hoai mục rồi bón hay thậm chí không cần ủ mà vùi lấp vào đất là được.

08-41-49_du-tru-30-9-nh-1

Ở các tỉnh miền Bắc, nhiều năm trước đây thì chất thải hầm cầu và nước tiểu cũng được dùng làm phân, phải tốn tiền mua mới có. Vì vậy, nghĩ đến thuật ngữ phân có nghĩa là đồ bẩn, đồ thải, chứ có biết đâu là các hạt phân khô ráo được đựng trong bao bì sạch, đẹp như ngày nay. Ngay từ lúc bắt đầu có phân hóa học thì bà con chỉ biết và ưa thích chất đạm, còn phân lân và kali (K) chưa hề biết.

Nhớ lại những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khi bà con đến mua phân đạm, nhân viên cửa hàng buộc phải mua kèm phân P và K thì mới bán. Sau khi giải phóng miền Nam thì bà con nông dân cũng có cách đối xử như vậy. Họ con không thích sử dụng phân P và K. Cho đến khi các ruộng thí nghiệm, thực nghiệm bón phân P và K được trình diễn, bà con được thấy tận mắt, rồi dần dần tự tay sử dụng cho cây trồng, đặc biệt là cây lấy bột, lấy đường, cũng như các loại cây ăn quả thì sự hiểu biết về tác dụng của phân K ngày càng sáng tỏ hơn.

Nông dân hay có chuyện khi bất cập, khi thái quá. Nghĩa là khi chưa biết, dù có khuyến cáo thì một hạt cũng không dùng. Nhưng khi đã biết tác dụng của K là tốt cho cây trồng thì lại ham bón nhiều K, dẫn đến lạm dụng K. May thay khi lạm dụng bón nhiều kali thì không thấy rõ tác hại gây ra như bón quá liều phân đạm, nên bà con không hề biết.

Bởi vậy, dù giá K đắt hơn phân N bà con vẫn cứ tìm mua để bón. Cho đến nay, trong 16 chất dinh dưỡng thiết yếu thì chất nào nước ta cũng có thể tự sản xuất ra được, nhưng K thì phải nhập khẩu nên bao giờ giá cả cũng đắt hơn nhiều loại phân khác.

Do đó, nhiều bà con đã lãng phí một lượng tiền khá lớn mà vẫn không hay biết. Ví dụ, đối với cây lúa, trên các loại đất phù sa, đất phèn hay thậm chí có bị nhiễm mặn thì chỉ cần bón lượng K trong phạm vi 1 bao hay 1,5 bao (50 -75kg K20), tức là khoảng 30 - 45kg K2O/ha là đủ. Thế nhưng nhiều bà con vừa bón phân đơn lại nghe phân NPK tốt nên lại phối hợp với NPK để bón làm cho tổng lượng chất K có nơi lên đến 90 - 110kg K20/ha/vụ. Với lượng này thì mỗi vụ bà con đã bón thừa đến 100 - 130kg phân K20/ha. Lấy giá K bình quân là 12.000đ/kg thì riêng bón thừa phân K bà con đã lãng phí từ 1,2 - 1,5 triệu đồng tiền phân/ha.

08-41-49_du-tru-30-9-nh-2

 

May thay hiện có khoảng một nửa số bà con đã áp dụng kỹ thuật "1 phải 5 giảm" hay quy trình VietGAP nên số người sử dụng quá thừa K như trên đã giảm xuống. Tuy nhiên dù bón mức 30 - 40kg K20/ha mà mỗi năm bón liên tục, vụ nào cũng bón thì vẫn cần tiết giảm K hơn nữa.

Tại sao như vậy, vì sau 30 năm dùng phân hóa học có chứa K, lượng K hàng vụ được lưu tồn lại trong đất khá nhiều, cộng thêm gốc rạ cũng được lưu lại hàng năm, vùng ĐBSCL năm nào cũng được hưởng một lượng phù sa dồi dào hay ít ra là mưa chuyển K từ các vùng cao trong nội hạt của đất nước tích tụ lại nên đất lúa, đất màu ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đã đủ K, bón thêm K không có hiệu lực rõ rệt.

Bằng chứng nào vậy? TS Phạm Sỹ Tân và cộng sự ở Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long làm thí nghiệm 10 năm liên tục chứng minh như vậy. Mới đây TS Chu Văn Hách và cộng sự đang làm thí nghiệm về hiệu lực trực tiếp và cộng dồn của phân NPK cũng chứng minh như vậy.

Kết quả thí nghiệm chứng minh rằng sau 9 vụ không bón K liên tục trên đất phù sa chua ở tỉnh Hậu Giang thì năng suất lúa vẫn không giảm sút so với nền phân bón đầy đủ NPK theo khuyến cáo.

Ví dụ, tổng kết sau 9 vụ thiếu K liên tục thì năng suất lúa thu được là 6,41 tấn/ha, còn công thức bón đầy đủ NPK là 6,51 tấn/ha được xếp cùng thứ hạng.

Nhận thức được tình trạng này, Cty CP Phân bón Bình Điền đã thiết kế loại phân L1 và L2 dùng cho lúa ở miền Bắc hay phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 sử dụng cho các tỉnh ở miền Nam theo chiều hướng tiết giảm K sử dụng trên diện tích rộng rất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con nông dân ưa chuộng.

Trong thời gian tới khi bổ sung chế phẩm tiết kiệm phân thì lượng K có nguồn gốc sinh học bón cho lúa và rau các vụ còn được tiết giảm hơn. Nghĩa là lượng K sử dụng cho lúa ở ĐBSCL sẽ giảm xuống dưới 30kg K20/ha.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.