| Hotline: 0983.970.780

Bí ẩn tàu ngầm mang tên 361 khiến nhiều sỹ quan và thủy thủ hy sinh

Thứ Năm 07/12/2017 , 13:10 (GMT+7)

Trung Quốc, cũng như Mỹ và Liên Xô hay Nga sau này, là cường quốc tàu ngầm, tuy các hạm đội của Bắc Kinh không hiện đại bằng hai đối thủ kia.

Và tất nhiên, tai nạn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tin tức về tai nạn tàu ngầm Trung Quốc thường được đề cập rất ít trên báo chí trong nước.

Tàu ngầm số hiệu 361 trong một lần neo đậu ở Đại Liên, Trung Quốc (Ảnh: Taiwan News)

Vụ tai nạn tàu ngầm Trung Quốc đáng kể nhất là vào ngày 16/4/2003. Theo Washington Post, vụ tai nạn xảy ra tại vùng biển phía bắc Trung Quốc, làm thiệt mạng 70 sỹ quan và thủy thủ.
 

Bản tin lạ

Tại thời điểm đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã chỉ đưa một bản tin ngắn nói rằng, một tai nạn “gần đây” đã xảy ra trên biển Hoàng Hải, tại một địa điểm giữa tỉnh Sơn Đông và bán đảo Triều Tiên. Con tàu ngầm lớp Minh mang số hiệu 361 của Hải quân Trung Quốc đang tham gia một cuộc diễn tập thì tai nạn xảy đến.

Theo bản tin của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, “do sự cố kỹ thuật, tai nạn làm 70 người trên tàu thiệt mạng”. Con tàu ngầm chạy bằng diesel-điện, thuộc Hạm đội Hoa Đông, được kéo về cảng. Theo các nhà phân tích của Hải quân Mỹ, rất có thể tàu 361 được đưa về một điểm ở phía nam thành phố cảng Đại Liên.

Khi gặp nạn, tàu đang tham gia một nhiệm vụ bí mật nên không ai hay biết chuyện gì đã xảy ra. Tàu ngầm 361 trôi dạt trong 10 ngày và rồi được ngư dân phát hiện, nhờ nhận ra hệ thống kính tiềm vọng trên nóc tàu.

“Đảng và nhân dân ghi nhớ sự hy sinh cao cả của sỹ quan và thủy thủ tàu 361”, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân nói vậy về tai nạn trong một thông cáo. Lúc đó, ông Giang còn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. “Họ đã hy sinh vì nhiệm vụ, hy sinh cho đất nước và đây là tổn thất lớn đối với Hải quân Nhân dân Trung Quốc”.

Vụ tai nạn này xảy ra 3 năm sau vụ tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga gặp nạn khiến toàn bộ 118 thủy thủ thiệt mạng.

“Đây là chuyện chưa từng có”, Bernard D. "Bud" Cole, chuyên gia về hải quân Trung Quốc của Học viện Quốc phòng Mỹ nói. “Đây là một thảm họa thực sự đối với họ”.

Quân đội Trung Quốc xưa nay có truyền thống giữ kín mọi chuyện đối với công chúng và các nhà báo phương Tây lúc đó đã không hiểu vì sao nước này chủ động thông tin, tuy ngắn gọn, về tai nạn của tàu 361, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thời điểm đó đang phải xử lý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, sự bùng phát dịch SARS và đặc biệt là tình huống các quan chức chính phủ phải thừa nhận họ đã che giấu thông tin về quy mô và mức độ của dịch bệnh, khiến công chúng rất tức giận, mất niềm tin vào chính phủ.

“Điều đáng giật mình về vụ việc này là lần đầu tiên họ ra thông báo công khai”, Evan Medeiros, chuyên gia về Trung Quốc của cơ quan nghiên cứu Rand Corp, Mỹ, nói. “Có lẽ ông Giang Trạch Dân đã quyết định như vậy trong bối cảnh cuộc khủng hoảng niểm tin (từ vụ dịch bệnh) và vụ tai nạn cho họ cơ hội thoát ra”, ông phân tích.

Còn theo học giả David L. Shambaugh, chuyên gia về quân sự Trung Quốc của Đại học George Washington, Mỹ, quân đội Trung Quốc có lẽ đã học được kinh nghiệm (công khai thông tin) từ vụ tai nạn tàu ngầm Kursk năm 2000.
 

Động cơ là nguyên nhân?

Các chuyên gia quân sự nói con tàu gặp nạn thuộc lớp Minh, là một tàu ngầm công ước, được đóng 20 năm trước dựa trên các thiết kế tàu ngầm thời kỳ đầu của Liên Xô. Theo ông Cole, tàu có khả năng mang theo 57 người, bao gồm 10 sỹ quan và nếu trên tàu có tới 70 người thì hẳn phải rất chật chội.

Còn theo Meideros, tàu lớp Minh là tàu ngầm thế hệ thứ hai của Trung Quốc. Các tàu này tốt hơn loại tàu U-boat của của Phát xít Đức, nhưng cũng chỉ khá hơn chút ít. Một trong những tàu lớp Minh, theo Meideros, đã phát hỏa ngay trên boong.

Bản tin của Tân Hoa Xã không nói rõ điều gì đã xảy ra trên tàu 361. Nhưng nếu người ta phải kéo tàu về cảng, điều đó có nghĩa là nó đã không thực sự bị chìm”, Shambaugh nói. “Vì vậy, nguyên nhân thực sự vẫn là điều bí ẩn. Trúng ngư lôi? Do hỏng động cơ? Hóa chất? Ai mà biết được? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra”.

Còn theo các bản tin sau này của Tân Hoa Xã, toàn bộ 70 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng khi động cơ diesel của con tàu đã “ngốn” hết lượng oxy trong tàu khi nó còn lặn sâu dưới biển, do trục trặc kỹ thuật. Cần nhớ rằng khi lặn, tàu ngầm điện -diesel sử dụng năng lượng là các cục pin, thay vì động cơ chạy diesel, chỉ sử dụng khi tàu chạy trên mặt nước. Tàu đã lặn nhưng động cơ diesel không thể tắt đúng cách đã gây ra tai họa.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về tình báo quân sự Mỹ, khả năng cao nhất là tàu 361 đã bị rò rỉ khí chlorine cực độc và đây là tác nhân gây ra cái chết của thủy thủ đoàn. Đây cũng là rủi ro thường thấy trên các tàu ngầm chạy điện, khi vì lý do nào đó nước biển đã được hòa lẫn với acid trong các bình điện của tàu.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.