| Hotline: 0983.970.780

Bình Điền cùng nông dân Tây Nguyên vào mùa

Thứ Sáu 20/03/2015 , 09:01 (GMT+7)

Nằm trong 16 hoạt động chính của Lễ hội Cà phê Buôn Mê Thuột lần thứ V, "Đêm hội vào mùa" do Cty CP Phân bón Bình Điền, Sở NN-PTNT, Đài PT-TH tỉnh Đăk Lăk phối hợp tổ chức.

Chương trình được truyền hình trực tiếp đến các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Quảng Trị, Sơn La…

Đêm hội tri ân

Ngay từ chập tối, khán giả là gần 1.000 nông dân từ 5 tỉnh Tây Nguyên do Cty Bình Điền tổ chức, nhân dân tại TP Buôn Ma Thuột và khách du lịch… đã đổ về chật cứng Quảng trường 10/3 để dự khán.

Lực lượng bảo vệ phải rất vất vả hướng dẫn vị trí ngồi và bảo đảm an ninh giao thông trên các con đường dẫn vào quảng trường.

Đây là lần thứ 3 Cty Bình Điền tổ chức đêm hội. Có lẽ đã thành thương hiệu nên chương trình này được khán giả chờ đợi nhất tại lễ hội cà phê.

Sân khấu được thiết kế 2 tầng, chắn ngang một mặt quảng trường, rộng tới vài trăm m2. Các màn hình cũng lớn kín hết nền phông phía sau sân khấu.

“Điểm nhấn của "Đêm hội vào mùa" là để Cty Bình Điền, các tỉnh Tây Nguyên tri ân các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp và nhất là bà con nông dân đã không quản một nắng hai sương, tạo ra sản phẩm cà phê có hương vị đặc biệt thơm ngon, bay xa không chỉ tới mọi vùng miền đất nước mà ra toàn thế giới”, đó là phát biểu của ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng BCĐ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V.

Ông Khiết nói tiếp: “Tỉnh Đăk Lăk ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp của Cty Bình Điền. Không chỉ là nhà tài trợ Kim cương, mà còn tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, làm phong phú thêm màu sắc của lễ hội. Từ nhiều năm qua, Bình Điền đã gắn bó chặt chẽ, là bạn đồng hành với sự phát triển của cây cà phê Tây Nguyên…”.

55 nông dân SX giỏi, chủ yếu trồng cà phê, góp phần vào sự phát triển của cây cà phê, đưa thương hiệu cà phê Ban Mê Thuột bay xa, được Cty Bình Điền tặng quà và giấy khen. Ai cũng sung sướng, phấn khởi, nhất là những nông dân ở xa tận Gia Lai, Kon Tum.

Ông Rơ Mah Lếch ở xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nói: “Già vui cái bụng lắm, mình chịu cực trồng cây cà phê cho năng suất cao, cho nhà mình có thu nhập tốt, lại được cấp trên và Cty Bình Điền khen thưởng như vầy, mình về sẽ có nhiều chuyện hay kể cho bà con dân bản nghe”.

Đậm hương sắc Tây Nguyên

Màn hát múa “Hội mùa” tái hiện lễ mừng mùa của đồng bào Tây Nguyên phản ánh ước mơ về một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc, xua đi cái nghèo, cái đói…với hàng trăm diễn viên, trong đó có 40 diễn viên nhí, ngay từ phút đầu đã làm bừng lên không khí đêm hội, cuốn hút sự đắm chìm của khán giả trên quảng trường.

Lửa đã được đốt lên từ giữa sân, sân khấu bừng bừng ngọn lửa. Tất cả các ca sĩ, diễn viên, cả đoàn diễn viên nhí tràn ra sân khấu. 
Ca khúc Cao nguyên vào mùa của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt vang lên, vang mãi như không muốn dứt, như mong ước của nông dân A Hinh ở Kon Tum: “Người dân làm ra hạt cà phê tốt nhất; Trúng mùa, được giá và được tham gia nhiều nhiều những lễ hội về vùng đất, con người thân thương của mình như vầy” sẽ sớm thành hiện thực.

Sau khi nghe cuộc giao lưu với Tiến sĩ Rông Tuyết Nhung về tập tục “Mùa ăn năm uống tháng” của người dân Tây Nguyên, ông A Hinh ở thôn Đắk Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum nói: “Những người dân rừng rẫy chúng tôi rất vui, rất sướng khi được diện kiến chương trình văn nghệ hoành tráng thế này”.

Hình như văn hóa Tây Nguyên, tính cách con người Tây Nguyên không chỉ có, chỉ dừng ở vùng đất bazan đại ngàn đầy nắng và gió này, mà từ lâu nó đã lan tỏa ra khắp các vùng miền cả nước. Chẳng thế mà nhóm Mặt Trời Đỏ với 3 cô gái, một cây đàn T’rưng, một cây đàn cò lại thể hiện rất hay, rất Tây Nguyên ca khúc Tango E Đê, của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Khi được hỏi đã tới đây nhiều lần chưa, Mặt Trời Đỏ thành thật: “Rất tiếc chưa được đắm mình vào không gian lễ hội của người Tây Nguyên trên thực tế, mà chỉ qua phim ảnh, văn chương để mường tượng ra mảnh đất, con người Tây Nguyên, để tạo cảm xúc khi thể hiện các ca khúc về họ”.

Khác với Mặt Trời Đỏ, những ca sĩ thật sự của núi rừng Tây Nguyên như H’Zina, Y Ja Lin, Y Asuy, hai anh em con trai nghệ sĩ Y Moan là Yvol và YA Ria… đã say sưa thả hồn vào vùng đất, con người Tây Nguyên của mình trong các ca khúc Mênh mang xôn xao cao nguyên Đăk Lăk, Chim K’Tia, Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Ngọn lửa cao nguyên…

Một nét đặc sắc nữa của đêm hội là màn trình diễn tài năng của hai đội nông dân tỉnh Kon Tum và Đăk Lăk. Hai tiết mục đoạt điểm cao tại Hội thi Nhà nông đua tài, do Cty Bình Điền tổ chức, dành cho thí sinh là người dân tộc thiểu số. Già làng A Thak nói: “Rất run khi lần đầu tiên được hát múa trên sân khấu lớn thế này, nhưng già bảo mấy đứa cứ hát, cứ múa như trước sân nhà rông buôn làng mình vậy”.

Sau khi hát xong bài “Hương đất Bazan”, “ca sĩ nhà” Lê Quốc Phong (TGĐ Cty Bình Điền) chia sẻ: “Bài Hương đất bazan là kỷ niệm lần đầu tôi đến với vùng đất này. Chính vùng đất đỏ quánh, cộng với tình cảm chân chất của những người nông dân đã níu giữ chân tôi. Tôi và Cty Bình Điền đã ở lại, đã đến với nông dân các buôn làng xa xôi của vùng đất đại ngàn huyền thoại chỉ với mong muốn làm được một chút gì đó cho Tây Nguyên ngày một thêm văn minh, giàu đẹp”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm