Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh: Tôi theo dõi rất kỹ loạt bài. Nó đã phản ánh đúng thực trạng, tuy nhiên cũng phải hiểu thêm cho nó rõ.
Miền Trung là nơi giao lưu giống của miền Bắc đưa vào và miền Nam đưa ra. Trong khi các DN giống tại chỗ chưa mạnh, có một số tỉnh chính quyền, Sở và Phòng NN-PTNT chưa quan tâm nhiều đến công tác giống lúa, do đó chậm cập nhật giống mới.
Cũng nói thêm, không người nông dân nào không cần giống chất lượng, năng suất cao để nâng cao hiệu quả canh tác cả. Thế nhưng người nông dân không tự đi tìm được giống tốt, muốn làm được điều này phải có bàn tay nhà nước, cơ quan nghiên cứu giúp đỡ. Nhưng DN giống tại miền Trung còn yếu, vai trò nhà nước lại mờ nhạt.
Có một thực tế, người miền Trung cần cù, chịu khó, siêng năng, xét về kinh tế nghèo hơn nông dân miền Bắc, do đó bà con cần những giống tốt, giá rẻ để nâng cao hiệu quả SX. Do vậy, tôi nghĩ các cơ quan nghiên cứu, cung ứng giống cần vào cuộc mạnh hơn nữa.
Tôi đơn cử, ở miền Bắc cơ cấu giống lúa chất lượng, năng suất cao được đưa vào canh tác nhanh chóng là vì nhà nước rất quan tâm. Như ở Quảng Ninh, Cty tôi có giống mới thì đứng ra làm mô hình, quảng bá sản phẩm. Khi người dân thấy giống đó có tiềm năng năng suất, chất lượng thì tỉnh, huyện hỗ trợ bà con mua về SX.
Ông Đặng Văn Chung, GĐ Cty CP Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên - Huế:
Ở Thừa Thiên - Huế, Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông vẫn đưa các giống tiến bộ vào và thực hiện các mô hình trình diễn. Tuy nhiên nông dân ít sử dụng giống mới, hiện cơ cấu các giống của tỉnh chủ yếu là Khang dân 18, TH1, Ma lâm 48, HN6…
Nói người dân Thừa Thiên - Huế bảo thủ là có, nhưng người dân có cái lý của họ. Bà con ít đưa giống mới vào SX, vì đưa giống mới đưa vào gieo trồng thì sợ thiệt hại xảy ra. Giống từ xa đưa đến bán, lỡ mất mùa không biết hỗ trợ từ đâu.
Giá giống cũng quan trọng, người dân Thừa Thiên - Huế còn nghèo. Nếu bán đắt bà con cũng ngại thay đổi.
Đại diện một DN giống miền Bắc (xin giấu tên):
Tại miền Trung các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế thì DN khó tiếp cận. Như ở Huế, DN đã vào vùng đất này xây dựng mô hình và phát triển vùng lúa tập trung nhưng không triển khai rộng được.
Nói thẳng là chính quyền cũng như Sở NN- PTNT chưa quan tâm đúng mức đến công tác giống lúa, chưa có chính sách thu hút DN giống đầu tư vào địa bàn. Cho nên các tiến bộ về ngành giống người nông dân chưa tiếp cận được. Đó là chưa nói tỉnh còn dựng "hàng rào" để bảo vệ "nồi cơm" của DN giống của tỉnh.
Trước những khó khăn do cơ chế của chính quyền đặt ra, DN chúng tôi phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Chúng tôi buộc phải đổi mới cách hoạt động, DN sẽ xây dựng nhiều mô hình và tạo ra nhu cầu cho nông dân để "ép" cơ quan nhà nước thay đổi cách nhìn.
DN phải làm rất nhiều mô hình, tập huấn, bảo hành, đưa nông dân tham quan… để đánh giá về năng suất, chất lượng giống. Chúng tôi đã cố gắng, tốn nhiều tiền nhưng cũng chưa thay đổi được nhiều lắm.
"Ở miền Trung mặt bằng cơ cấu giống lúa khác nhau, được chia ra hai thái cực. Như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định thì làm rất tốt. Còn Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Khánh Hòa khá “bảo thủ”. Các địa phương này điều kiện tự nhiên có hạn chế, đồng thời các cơ quan giống tại chỗ và ngành NN-PTNT chưa chịu "ra tay". Ngoài ra có một số địa phương ưu ái cho đơn vị giống của tỉnh, thậm chí có tỉnh còn tìm mọi cách hỗ trợ cho "con đẻ" đưa giống địa phương vào cơ cấu, mặc dù đó là giống quá cũ dẫn đến chậm cập nhật giống mới. Nói cách khác, tỉnh "be bờ, rào giậu" cho đơn vị trong tỉnh thì DN ngoài vào sao được. Muốn đẩy mạnh việc đổi mới cơ cấu giống cần có sự phối hợp giữa DN và cơ quan nghiên cứu giống, cùng với việc cơ quan quản lý nhà nước phải có chính sách thông thoáng, tuyên truyền, vận động bà con thay đổi một cách mạnh mẽ". - Đại diện một DN nghiệp giống. |