| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa thờ ơ với các giống mới

Thứ Tư 06/04/2016 , 08:20 (GMT+7)

Hàng năm, cơ quan khuyến nông tỉnh Khánh Hòa đều đưa các giống lúa mới về địa phương trình diễn, khảo nghiệm để nông dân nắm bắt. Song bà con vẫn không thiết tha. Vậy đâu là nguyên nhân?

Chậm cập nhật

Đến thăm cánh đồng lúa thuộc xã Diên Lạc (huyện Diên Khánh) vụ ĐX 2015 - 2016, thấy nông dân nơi đây vẫn trung thành với các giống lúa "xưa như trái đất" như TH41,TH6, ML 48…

Đây là những giống lúa đã được xã hội hóa hàng chục năm có chất lượng gạo thấp lại hay nhiễm sâu bệnh, song các giống lúa này vẫn giữ vị trí “quán quân” trong cơ cấu giống lúa và diện tích canh tác lúa của tỉnh Khánh Hòa.

Hỏi nguyên nhân vì sao, ông Nguyễn Trường Sanh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Diên Lạc cho biết, tất cả do thói quen, sức ỳ của nông dân mà ra. Họ ngán ngại giống mới, cứ “chung thủy” với những giống cũ dù đã thoái hóa. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khác là họ sợ gieo cấy các giống lúa mới chi phí đầu tư cao.

“Thời gian qua trên địa bàn có rất nhiều giống lúa mới như OM 4900, RVT, OM 7347, OM 4218… được đưa về địa phương SX trình diễn nhiều vụ liền, trong đó giống lúa OM 4900 được đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng, cho năng suất và chất lượng gạo cao.

Thấy vậy vụ ĐX 2013 - 2014 chúng tôi mạnh dạn đưa vào SX trên cánh đồng mẫu 15ha, thế nhưng chỉ được 2 vụ, thì nông dân lắc đầu quầy quậy và đề nghị HTX không đưa giống lúa này vào cánh đồng mẫu. Họ lấy lý do giống dài ngày và tiêu thụ khó hơn so với giống lúa lâu nay vẫn SX”, ông Sanh chia sẻ.

Tương tự, tại xã Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang) hiện nông dân vẫn canh tác các giống lúa cũ TH41, TH6... mặc dù trên địa bàn có rất nhiều cơ quan nông nghiệp như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục BVTV thường xuyên ưu ái đưa về các giống lúa mới có chất lượng để khảo nghiệm, trình diễn cho bà con tham quan.

08-44-55_2
Các cánh đồng lúa ở Khánh Hòa giống lúa chủ lực vẫn là TH6, TH41...

"Ngay cả giống lúa chịu hạn như A17, A35 và LCH37 được Viện BVTV phối hợp với Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hòa trình diễn mô hình đầu năm 2015, được đánh giá là hiệu quả cao, cũng chỉ thu hút nông dân SX được vài ha, không đáng kể”, ông Nguyễn Đình Lộc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh.

Ông Nguyễn Đình Lộc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh cho biết, sở dĩ nông dân chọn các giống cũ vì họ làm theo kiểu ăn chắc, coi trọng năng suất hơn chất lượng. Dù giống lúa cũ cơm không ngon, không dẻo, không thơm nhưng năng suất ổn định và canh tác dễ hơn các giống lúa mới.

Hơn nữa đầu ra các giống lúa cũ phục vụ nhu cầu làm bánh, bún được thương lái thu mua theo kiểu “có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu” nên nông dân rất yên tâm. Vì vậy các giống lúa mới khó mà "bén mảng" được vào địa phương nếu không có giá bán cao hơn.

Theo ông Lộc các cơ quan ngành nông nghiệp của tỉnh rất quan tâm, mấy năm nay đều đưa giống lúa mới về HTX cho đơn vị trình diễn để nông dân nắm bắt, thế nhưng họ chẳng để mắt đến. Họ chỉ làm 1 - 2 vụ rồi bỏ, quay về SX giống lúa truyền thống.

Làm sao để nông dân thay đổi?

Ai cũng biết trước tiên nông dân làm ra hạt gạo là phục vụ cho chính mình. Tuy nhiên, việc SX lúa hàng hóa hiện nay không chỉ để ăn mà còn để bán. Nghĩa là SX phải có lời.

08-44-55_3
Hàng năm huyện Diên Khánh đều đưa về các địa phương 2 - 3 giống lúa mới để khảo nghiệm, trình diễn nhưng nông dân cập nhập chậm

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và ngành chức năng, bà con nông dân không thể không tính toán, chọn giống lúa nào để đạt được cùng lúc cả năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Ông Lê Tài, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh thừa nhận mặc dù hàng năm huyện đều bố trí kinh phí khuyến nông để khảo nghiệm, trình diễn 2 - 3 giống lúa mới cho bà con đánh giá, "mắt thấy tay sờ" nếu hiệu quả sẽ đưa vào cơ cấu giống bổ sung.

Tuy nhiên với tổng diện tích đất SX lúa toàn huyện khoảng 4.000ha, nhưng nông dân dùng các giống lúa mới, có chất lượng chỉ chiếm từ 10 - 15% tổng diện tích; trong khi mục tiêu của huyện là 30% diện tích.

Còn ông Nguyễn Tấn Cường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, hiện nay tại địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết SX lúa giống lúa mang lại hiệu quả cao cho nông dân, song các mô hình SX lúa có chất lượng thì chưa được hình hành.

“Vấn đề này huyện rất quan tâm. Tuy nhiên để làm được điều này không dễ dàng. Bên cạnh đẩy mạnh khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới có chất lượng để nông dân nắm bắt cũng cần các DN chung tay, góp sức. Nhưng để DN nhảy vào, tỉnh cần có chính sách cụ thể để thu hút”, ông Cường bộc bạch.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, sở dĩ các giống như ML 48, TH 6, TH 41… phẩm chất thấp, nhưng nông dân Khánh Hòa đua nhau gieo sạ vì ngắn ngày và dễ bán. Tuy nhiên, những giống này giá thấp và thoái hóa nặng, rất cần được thay thế.

“Để giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo, chúng tôi chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa phối hợp với Đại học Cần Thơ chọn 2 bộ giống mới theo hướng chất lượng cao và năng suất cao phù hợp với thổ nhưỡng địa phương để thay thế dần các giống lúa hiện nay”, ông Bản chia sẻ.

 

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.