| Hotline: 0983.970.780

Cán bộ đi trước, dân bước theo sau

Thứ Sáu 08/09/2017 , 08:25 (GMT+7)

Những năm qua, phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở xã Yên Lâm (Yên Định, Thanh Hóa) ngày càng sâu rộng, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đây là tiền đề quan trọng trong quá trình xây dựng NTM.

16-25-55_2
Dứa vẫn là cây trồng thế mạnh của xã Yên Lâm

Ngay từ ban đầu HĐND, UBND xã Yên Lâm đã xác định phải thực hiện nghiêm túc nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng tự kiểm điểm, tự phê bình và phê bình như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã quán triệt.

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Xuân Thái khẳng định, thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp với tuyên truyền, vận động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, chủ trương nhanh chóng lan tỏa thành phong trào sâu rộng, thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Mỗi chi bộ, cấp hội, đoàn thể đều có ý thức cao, góp phần vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Những năm gần đây, xã Yên Lâm được nhìn nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh hiệu quả kinh tế từ cây dứa, địa phương đã hình thành nhiều mô hình cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm, điển hình như trồng ớt xuất khẩu, trồng bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ...

Bằng những việc làm, hành động cụ thể, Yên Lâm đã có bước chuyển mình thần tốc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Chỉ sau 4 năm ngắn ngủi, từ một xã miền núi với xuất phát điểm thấp, Yên Lâm đã cán đích thành công.

“Cán bộ đi trước, dân bước theo sau”, xác định muốn thành công thì trước tiên lãnh đạo phải làm gương, phải bám sát địa bàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó vạch ra phương hướng triển khai phù hợp. Với cách làm trên, Đảng bộ chính quyền và toàn thể nhân dân nhanh chóng tìm được tiếng nói chung, cứ thế hiệu quả đến như một lẽ tất yếu.

16-25-55_5
Anh Đinh Tiến Mạnh đã thu được nhiều thành công từ mô hình trồng cây ăn quả

Trong thành công của xã Yên lâm đạt được hôm nay, vai trò của đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Xuân Thái được thể hiện hết sức rõ nét.

Hành trang ban đầu không có gì ngoài đôi bàn tay trắng, năm 1988 chàng thanh niên Nguyễn Xuân Thái mạnh dạn nhận trên 24ha đất đồi trọc để phát triển kinh tế. Thời điểm đó nhiều người xét nét, hồ nghi, thậm chí không ít người còn quả quyết chẳng chóng thì chày anh cũng sớm bỏ của chạy lấy người.

Để ngoài tai những lời dị nghị, anh Thái vẫn kiên định với mục tiêu của mình. Hoài bão lớn lao nhưng kinh nghiệm thực tế chưa có, cộng với đồng vốn eo hẹp nên thời gian đầu tình hình vô cùng gian nan. Sau nhiều ngày đắn đo, anh Thái nghĩ ra sáng kiến là “vay lợn” của người dân trong xã bán đi lấy tiền trồng cây lâm nghiệp, sau đó trả bằng lúa, cứ 1kg lợn quy ra 6kg lúa.

Từ số tiền này, anh tiến hành thuê máy cày của Nông trường Thống Nhất (Yên Định) để cày đất, cải tạo vườn đồi. Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, anh nhanh chóng bỏ lại sau lưng những vấp váp ban đầu. Anh được biết đến là người đầu tiên ở xã thành công trong việc nhân giống bạch đàn, sản xuất có hiệu quả giúp anh có điều kiện trả nợ và mở rộng dần quy mô sản xuất.

Không dừng lại, sau này anh Thái còn tiến hành trồng keo, trồng mía, bưởi Diễn, cam…, dù dưới hình thức nào cũng đạt được những thành công ngoài mong đợi.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mô hình của anh Thái đến nay đã được nhân rộng lên 22ha, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên dưới 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 - 10 lao động với mức lương 3,5 triệu đồng/ tháng.

Từ những thành tích trên, anh Thái nhận được sự tín nhiệm cao của đông đảo cử tri, bản thân được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 1994 - 1999 khi mới 27 tuổi. Năm 2005 tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Kế đó được tín nhiệm làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trên cương vị mới, với vốn kinh nghiệm quý báu đúc kết được sau nhiều năm lăn lộn, anh Thái đã có những chỉ đạo, định hướng sâu sát phù hợp dựa trên thế mạnh sẵn có. Phong trào thi đua sản xuất nhanh chóng hình thành, nhiều hộ không ngại thử sức mình và thu về thành quả mỹ mãn, không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, trường hợp của anh Đinh Tiến Mạnh ở thôn Hành Chính (Yên Lâm) là ví dụ điển hình.

Không chỉ có bước đột phá về sản xuất nông nghiệp, những năm qua Yên Lâm còn chú trọng, tập trung phát triển lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, hiện trên địa bàn có 44 doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Qua khảo sát, đánh giá, đời sống của bà con không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng/năm.

 

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất