| Hotline: 0983.970.780

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Thứ Tư 28/02/2024 , 07:48 (GMT+7)

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Ngày chị Lê Thị Thùy Dung (Công ty Thủy Canh Phố, xã Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa) quyết định nghỉ việc tại một doanh nghiệp có tiếng về phân bón tại thành phố Thanh Hóa, ai nấy đều khuyên can. Bố mẹ cũng giận chị một thời gian vì phản đối quyết định có phần liều lĩnh của con cái. “Người ta muốn bỏ nghề nông không được mình còn đâm đầu vào. Nếu có thất bại thì ráng chịu lấy”, chị Dung thuật lại lời người mẹ khuyên can.

Chi Dung chia sẻ, lý do khiến bản thân đi đến quyết định nghỉ việc đơn giản là do đam mê với ngành nông nghiệp. "Những ngày tháng gắn bó với doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp cho tôi nhiều trải nghiệm thực tế ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và thú vị. Quá trình làm việc doanh nghiệp tôi được tiếp cận, học tập các mô hình nông nghiệp hiện đại theo hướng công nghệ cao để chuẩn bị có ý tưởng của mình sau này", chị Dung cho biết.

Sản phẩm rau sạch của Công ty Thủy Canh Phố (xã Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa) khá đa dạng, tập trung vào các dòng rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng cao, như: xà lách, cải kale, rau chân vịt, cải bó xôi. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm rau sạch của Công ty Thủy Canh Phố (xã Đông Tiến, Đông Sơn, Thanh Hóa) khá đa dạng, tập trung vào các dòng rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng cao, như: xà lách, cải kale, rau chân vịt, cải bó xôi. Ảnh: Quốc Toản.

Sau khi nghỉ việc, chỉ Dung dành khá nhiều thời gian đi khắp các tỉnh thành (Đà Lạt, Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) để học hỏi làm nông nghiệp sạch. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, năm 2019, chị bắt tay vào việc gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Ban đầu chị thuê hơn 1.000m2 đất làm nhà màng và các công trình phụ trợ để trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu. Công đoạn xây dựng nhà màng được ông xã chị thiết kế, chỉ đạo thi công, nên việc lắp đặt và vận hành khá thuận lợi. Thời điểm đó tại Thanh Hóa, chị Dung là người đầu tiên trồng rau thủy canh thương mại..

Theo chị Dung rào cản lớn nhất của rau thủy canh chính là thị trường, bởi người dân khi đó chưa hiểu gì về rau được trồng bằng phương pháp mới và chưa có thói quen sử dụng loại rau này. Để rau thủy canh đến với người tiêu dùng, chị Dung mất khá nhiều thời gian để đi tiếp thị, tìm kiếm thị trường.

“Hầu hết các siêu thị lớn đều áp dụng cơ chế nhập tổng chứ không nhập lẻ (nhập về một đầu mối sau đó mới phân bổ cho các siêu thị vệ tinh). Tuy nhiên, rau là thực phẩm không để được lâu, nếu áp dụng theo cách làm trên thì rau sẽ bị hỏng. May mắn thay, tại Thanh Hóa lúc bấy giờ có một số siêu thị tại Thanh Hóa có chính sách ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp và đặc sản địa phương nên tôi đã liên hệ với giám đốc siêu thị để đưa hàng vào kệ. Sau khi kiểm tra kỹ lượng chất lượng, họ còn nhường cho công ty một gian hàng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm rau sạch tại siêu thị”, chị Dung chia sẻ.

Chị Dung là người đầu tiên ở Thanh Hóa áp dụng phương pháp trồng rau theo phương pháp thủy canh. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Dung là người đầu tiên ở Thanh Hóa áp dụng phương pháp trồng rau theo phương pháp thủy canh. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Dung cho biết, rau thủy canh có ưu điểm lớn nhất đó là sạch, do rau được trồng trong môi trường nước nên không tiếp xúc với đất cát, ít bị sâu bệnh hoặc ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài. 

Hiện tại sản phẩm của rau thủy canh đã có mặt tại nhiều siêu thị tại Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Điện Biên… Sản phẩm của Công ty Thủy Canh Phố khá đa dạng, tập trung vào các dòng rau cao cấp có hàm lượng dinh dưỡng cao, như: Xà lách, cải kale, rau chân vịt, cải bó xôi... Ngoài ra, đơn vị trồng thêm một số loại rau trái vụ mùa hè như: cải canh, cải ngọt, cải ngồng…

Đến nay, với diện tích 1.000m2, trang trại của Công ty Thủy Canh Phố cho thu hoạch 2 - 2,5 tấn rau/tháng, xoay vòng có thể đạt 10 - 12 vụ/năm nên tổng sản lượng có thể đạt mức 20 - 25 tấn rau/năm; doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, chị Dung cũng trực tiếp đi chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ dân khác tại huyện Nông Cống, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn và đang chuẩn bị tiếp tục chuyển giao thêm nhiều mô hình mới. Nhiệm vụ trong quá trình chuyển giao của đơn vị là thi công trọn gói hệ thống nhà màng, giàn trồng, chuyển giao quy trình sản xuất, theo hỗ trợ sản xuất và bao tiêu trọn gói sản phẩm đầu ra trong 3 - 6 tháng đầu để các chủ đầu tư yên tâm sản xuất. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.