| Hotline: 0983.970.780

Cao su Vĩnh Linh bị gãy đổ như ngả rạ, người dân điêu đứng

Thứ Năm 27/07/2017 , 14:30 (GMT+7)

Tâm bão số 4 ập vào huyện Vinh Linh của tỉnh Quảng Trị thì trời sập tối và mưa lớn nên đến sáng ngày mai khi chạy lên đồi người trồng cao su mới tóa hỏa trước rừng cao su bị gãy đổ hàng loạt. 

16-52-48_vinh_thuy_1
Nông dân xã Vĩnh Thủy buồn thiu trước vườn cao su bị gãy đổ trong hai lần bão các năm 2013 và 2017

Thống kê chưa đầy đủ huyện Vĩnh Linh có hơn 1 ngàn ha cao su bị thiệt hại, trong đó nặng nhất có đến 300 ha gãy đổ từ 20 đến trên 70% diện tích.
 

Tan hoang Vĩnh Thủy

Từ 5 giờ sáng ngày 26/7, Chủ tịch xã Vĩnh Thủy Phan Ngọc Nghĩa đã đích thân đi kiểm tra rừng cao su. Trở về từ hiện trường, ông Nghĩa tổ chức họp khẩn với các thôn trưởng trong xã, đề nghị họ cùng bà con đi kiểm tra từng vườn cây một để có con số báo cáo thiệt hại chính xác nhất.

Tại vườn cao su của vợ chồng anh Hoàng Văn Dưỡng ở thôn Trại Cá có diện tích 2 ha. Ngần ấy diện tích cao su cho cạo mủ mỗi ngày gia đình anh Dưỡng thu về 2 triệu đồng. Nhưng bão số 4 chỉ thoáng qua thôi cũng đã bẻ gãy của gia đình anh hết 300 cây. Nhìn vườn cây đổ ngổn ngang, anh Dưỡng mặt buồn rượi.

Năm 2013, trận bão lớn cuối tháng mười đã khiến vườn cao su của gia đình anh gãy đổ rất nhiều. Anh phải tốn đến 15 triệu đồng tiền thuê công chống đỡ vườn cây sau bão và mới phục hồi được ba năm thì nay lại gặp bão tiếp. Anh Dưỡng vẫn chưa hết lo âu, mới giữa hè mà mảnh đất Quảng Trị đã “dính” liền hai trận bão số 2 và số 4. “Còn một mùa mưa bão dài sắp đến của năm 2017 không biết ông trời có tha cho người trồng cao su chúng tôi”, anh Dưỡng than thở.

Tại thôn Trại Cá, người có vườn cao su bị thiệt hại nặng nhất là Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Quang Luật. Gần 600 cây cao su (diện tích hơn 1 ha) 10 năm tuổi của anh Luật đã bị bão quật đổ ngổn ngang. Theo thời giá hiện tại tính trung bình mỗi cây cao su cho khai thác mủ có trị giá gần 1 triệu đồng thì thiệt hại riêng về cây cao su của gia đình anh Luật đã đến gần 600 triệu đồng. Đi kiểm tra vườn cao su trở về anh Luật cho biết người trồng cao su vô cùng lo âu với thời tiết thất thường. Biết là cây cao su cho thu nhập cao hơn các loại cây khác trên cùng diện tích đất, nhưng nó rất bấp bênh trước thời tiết, khí hậu của miền Trung. Mỗi lần nghe mưa gió bà con chúng tôi đứng ngồi không yên với vườn cao su, vì đó là gia tài của cả đời người chắt chiu, gầy dựng nên.

Tại thôn Tân Thủy, nơi có diện tích cao su nhiều nhất xã Vĩnh Thủy có đến 100% gia đình có vườn cao su biệt gãy đổ. Ông Nguyễn Quang Hạnh, trưởng thôn cho biết gia đình bị thiệt hại ít nhất 50 cây, nhiều nhất gần 400 cây. Cây cao su bị gãy đổ, không cạo mủ được người nông dân thất thu lớn. Gia đình ông Nguyễn Đức Phụng có 350 cây cao su gần 10 tuổi bị bão quật gãy. Ông Phụng buồn rầu cho biết công sức cả gia đình bấy lâu nay dồn vào vườn cao su, cây lớn lên chưa thu hoạch được bao nhiêu thì bị bão số 4 phá hỏng. Ông Phụng nhẩm tính từng đó cây cao su bị hư hỏng gia đình ông bị thiệt hại đến 350 triệu đồng.
 

Thiệt hại 50% trở lên cưa bỏ trồng mới 

Mưa gió đã ngớt, những nông dân ở Vĩnh Thủy tập trung dọn dẹp vườn. Theo ông Nguyễn Quang Hạnh, trưởng thôn Tân Thủy, rút kinh nghiệm khắc phục vườn cao su sau trận bão năm 2013, bây giờ những cây cao su bị đổ, gãy bà con đều dùng máy cưa ngang gốc, chứ không dựng lên phục hồi nữa, vì làm vậy vừa tốn công, tốn của mà cây lại cho mủ quá ít, chất lượng kém.

16-52-48_vinh_thuy_2
Nông dân xã Vĩnh Thủy buồn thiu trước vườn cao su bị gãy đổ trong hai lần bão các năm 2013 và 2017

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh cho biết, qua thống kê sơ bộ có hơn 1 ngàn ha cao su trên địa bàn toàn huyện bị ảnh hưởng do bão số 4 gây ra, trong đó nặng nhất là 300 ha bị gãy đổ từ 20 đến 70%. Cũng theo ông Hùng thì từ kinh nghiệm của trận bão năm 2013 cho thấy những vườn cao su phục hồi sau bão cho sản lượng mủ chỉ bằng 10 đến 15% trước bão mà công sức phục hồi, chăm sóc rất tốn kém. Do đó một số bà con nông dân đã đề xuất và huyện cũng có chủ trương thống nhất với những vườn cao su thiệt hại dưới 50% thì giữ lại, còn trên 50% thì cưa bỏ luôn để trồng lại cao su hoặc hồ tiêu.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Phó Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh cho biết thiệt hại do bão số 4 đổ bộ vào Quảng Trị vào chiều qua 25/7 khá nghiêm trọng, đặc biệt với cây cao su và lúa. Theo thống kê sơ bộ bão số 4 đã làm 57 nhà dân bị tốc mái, 213 lều quán, cơ sở kinh doanh, cơ sở chế biến thủy sản bị hư hại nặng. Có gần 1.000 ha lúa ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh đang trổ đòng bị ngập úng có nguy cơ mất trắng. Đặc biệt, ở huyện Vĩnh Linh có 300 ha cao su và 600 ha tràm bị gãy đổ. Bên cạnh đó, hơn 230 ha cây trồng hàng năm, cây ăn quả, cây bóng mát bị gãy đổ, hư hại, 31 ha nuôi trồng thủy sản bị thất thoát, ảnh hưởng...

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất