| Hotline: 0983.970.780

Nhạc sĩ Phó Đức Phương:

Cấp phép phổ biến các ca khúc - sai lầm trong tư duy và quản lý

Thứ Tư 24/05/2017 , 07:40 (GMT+7)

Chia sẻ với báo NNVN, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thẳng thắn phân tích việc cấp phép phổ biến các ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) là sai lầm trong tư duy và sai lầm trong phương pháp quản lý.

 

3165344652
Nhạc sỹ Phó Đức Phương (ảnh Thu Thủy)

Thưa ông, ở góc độ pháp lý, ông bình luận ra sao về việc cấp phép phổ biến các ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) vừa qua?

Tôi không phải người làm luật mà chỉ là người hoạt động xã hội nên tôi chỉ phân tích từ góc độ xã hội. Trong những hình thức quy phạm pháp luật mà các quốc gia hướng dẫn cho công dân của mình thì có 3 hình thức chính. Một là những quy phạm gọi là cho phép. Thí dụ như là công dân Việt Nam được phép tự do đi lại, tự do cư trú, rồi tự do học tập và tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do kiếm việc làm…

Hai là bắt buộc. Bắt buộc thì ta phải hiểu là nghĩa vụ. Thí dụ công dân nước Việt Nam phải có nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc; người làm kinh doanh buôn bán thì phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước… Còn quy phạm thứ ba gọi là cấm. Thí dụ cấm buôn lậu, cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm có chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cấm buôn bán ma túy…

Trong 3 quy phạm ấy thì người ta không liệt kê được tất cả những hành vi cụ thể đâu. Thí dụ bây giờ bảo là cấm nhập khẩu lương thực thực phẩm có các chất độc hại gồm có chất A, chất B, chất C… Làm sao thống kê hết được chất độc hại. Chỉ cần đưa ra tiêu chí những chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy thôi.

Như vậy, việc công bố các tác phẩm được phép lưu hành có phải “thừa giấy vẽ voi” như dư luận đang phản ứng?

Tôi cho rằng quyết định của Cục NTBD gây ra 4 điều cần phải xem xét. Một là không cần thiết. Hai, nó còn bất khả thi. Nếu theo cách Cục NTBD đang làm hiện nay, cứ thống kê các bài hát được lưu hành, thì tôi hỏi rằng đến bao giờ Cục có thể thống kê hết nổi những tác phẩm được lưu hành? Việt Nam có hàng chục vạn tác phẩm từ xưa đến giờ.

Chưa kể nếu, Cục NTBD đã có tinh thần trách nhiệm cấp phép lưu hành cho các tác phẩm Việt Nam, vậy các tác phẩm quốc tế sử dụng ở Việt Nam thì cũng phải cấp giấy phép lưu hành chứ. Chả nhẽ tác phẩm nước ngoài ở Việt Nam không cần cấp giấy phép lưu hành à, muốn dùng gì thì dùng à? Vậy thì trong tư duy ấy thì Cục NTBD có thể cấp phép nổi cho hàng chục triệu tác phẩm nước ngoài mà biểu diễn ở Việt Nam không? Cứ ngồi mà thống kê những bài hát được phép thì có đúng là việc không cần thiết không? Ba, tốn kém sức lực, tốn kém thời gian và tiền của của Nhà nước. Thứ tư, gây rối ren, mệt mỏi, nhiễu nhương trong đời sống âm nhạc nói riêng và đời sống xã hội nói chung.

Có thể bằng việc làm này, Cục NTBD muốn thể hiện sự chu đáo của mình?

Không được. Bởi vì bài hát được cấp phép đó còn phải phụ thuộc xem cách trình diễn như thế nào. Họ trình diễn bậy bạ, hát sai lời, bôi bác, ảnh hưởng đến quyền nhân thân trung thực của tác phẩm, rồi bóp méo hình tượng của bài hát đó thì cũng phải cấm chứ có phải cứ được cấp phép rồi thì tha hồ hát đâu.

Đằng nào trước khi biểu diễn cũng phải duyệt cơ mà. Tại sao cứ phải đưa trước ra? Đưa ra những tác phẩm được lưu hành đã là vô lý rồi. Kể cả đưa ra những tác phẩm cấm lưu hành cũng không cần thiết.

Tôi cho rằng đây là quyết định làm mà không nghĩ sâu nghĩ xa. Cách làm như thế là sai lầm trong tư duy và sai lầm trong phương pháp quản lý, sai lầm trong phương pháp thực hiện.

Tôi thấy cũng cần nói thêm. Nghị định và Thông tư hướng dẫn còn lỏng lẻo về đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Lỏng lẻo về đối tượng và phạm vi điều chỉnh đã là tiền đề làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước mà cụ thể ở đây là Cục NTBD đưa ra những quyết định cũng mơ hồ và nhầm lẫn, gây bức xúc trong xã hội.

Yêu cầu rà soát văn bản cấp phép ca khúc

Sáng 23/5/2017, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã ký công văn gửi Cục NTBD nêu rõ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ VH-TT&DL  yêu cầu Cục NTBD khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với Vụ Pháp chế triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, báo cáo lãnh đạo Bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Đối với các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, không xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Bộ cũng yêu cầu Cục NTBD nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại công tác tổ chức, nâng cao năng lực của cán bộ thực thi pháp luật.

Cục trưởng Cục NTBD xin lỗi, tự rút kinh nghiệm

Cùng ngày 23/5, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD đã chính thức lên tiếng trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến việc cấp phép các ca khúc gần đây. Với cương vị là Cục trưởng, ông Chương đã thay mặt lãnh đạo Cục và cá nhân nhận trách nhiệm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo Bộ VH-TT&DL và xin lỗi độc giả vì phương pháp làm việc đã gây nên sự hiểu lầm bức xúc cho bạn đọc.

Trước mắt khắc phục, Cục đã trao đổi với trung tâm công nghệ thông tin trực thuộc Bộ để tháo gỡ 300 bài hát vừa cập nhật lên, vì khi cập nhật chung như thế gây sự hiểu lầm, bức xúc đáng tiếc đã xảy ra.

Thể hiện quyền lực một cách vô lối

Việc Cục NTBD cấp phép “phổ biến rộng rãi” cho hơn 300 ca khúc, trong đó có bài “Tiến quân ca” (Quốc ca) đã khiến nhiều ĐBQH lên tiếng.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng -  Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Ai cho ông (Cục NTBD - PV) quyền cấp phép cái này? Quốc hội, Chính phủ có cho cấp phép không? Đây là tài sản quốc gia được công nhận. Đây là vi phạm pháp luật chứ không còn là lạm quyền nữa", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc thì cho rằng, với những tác phẩm âm nhạc đã đi vào đời sống từ lâu thì "cấp phép" là thủ tục, không cần thiết: "Hãy quan tâm đến những gì bức xúc rồi gỡ ra chứ không phải cứ để như tạo dấu ấn của mình ở tất cả mọi nơi, thể hiện quyền lực của mình một cách vô lối".

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.