| Hotline: 0983.970.780

Chậm đăng ký Ramsar

Thứ Năm 14/07/2011 , 10:45 (GMT+7)

Việt Nam tham gia công ước Ramsar đã trên 20 năm, nhưng lại đang “đi” khá chậm so với các quốc gia trong khu vực trong việc đăng ký công nhận các khu Ramsar...

Việt Nam tham gia công ước Ramsar đã trên 20 năm, nhưng lại đang “đi” khá chậm so với các quốc gia trong khu vực trong việc đăng ký công nhận các khu Ramsar, dù tiềm năng về các khu đất ngập nước là không nhỏ.

Công ước Ramsar được tạo ra và phê chuẩn bởi các quốc gia tham gia tại cuộc họp tại thành phố Ramsar (Iran) năm 1971 và có hiệu lực cuối năm 1975, là một công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước. Đây là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và khôn khéo các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Huy Thắng (Viện Điều tra Quy hoạch rừng), Việt Nam là nước đầu tiên ở ĐNA tham gia Công ước Ramsar vào năm 1989. Nếu tính cả các nước cận ĐNA, thì Việt Nam là nước thứ 2 sau Trung Quốc. Thế nhưng cho đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có 3 khu Ramsar (khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế), mà mới nhất là hồ Ba Bể. Hai khu Ramsar được công nhận trước đó là Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) năm 1989 và hệ ngập nước Bàu Sấu (Đồng Nai) năm 2005.

Trong khi đó, dù tham gia Công ước Ramsar sau Việt Nam tới gần 7 năm, nhưng đến nay, Indonesia đã có trên 50 khu Ramsar. Trung Quốc tham gia Ramsar trước Việt Nam không lâu nhưng đến nay đã có trên 200 khu Ramsar. Theo ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Bộ TN-MT), một số quốc gia ở ĐNA tuy vừa mới tham gia Công ước Ramsar, nhưng tốc độ chứng nhận các khu Ramsar ở nước họ đang khá nhanh. Chẳng hạn, Lào mới tham gia Công ước Ramsar năm 2010, nhưng đến nay đã có 2 khu Ramsar.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Thắng, Việt Nam hiện đang có tới 68 khu đất ngập nước có đủ tiềm năng để được công nhận là khu Ramsar. Tiềm năng lớn là thế, nhưng sao tiến độ công nhận khu Ramsar lại quá chậm trễ như vậy? Về việc này, ông Thắng cho biết, sau khi tham gia Công ước Ramsar, các cơ quan chức năng đã gửi văn bản tới các tỉnh, TP trên cả nước, đề nghị các địa phương đăng ký các vùng đất ngập nước để công nhận khu Ramsar. Văn bản gửi đi, chỉ có 2 tỉnh, một ngoài Bắc và 1 trong Nam, phản hồi rằng sẽ đồng ý tham gia. Nhưng sau đó, 2 tỉnh này lại lần lượt rút lui đều bởi một lý do rất tế nhị là do đang ưu tiên phát triển kinh tế ở các vùng đất ngập nước.

May sao, ngay sau đó, tỉnh Nam Định gửi công văn đề nghị đăng ký Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Lúc ấy, do Việt Nam là thành viên mới, nên để động viên, UNESCO đã nhanh chóng công nhận Vườn Quốc gia Xuân Thủy là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam vào năm 1989.

Suốt một thời gian dài sau đó, Việt Nam hầu như không mấy quan tâm tới việc đăng ký để UNESCO công nhận các khu Ramsar. Theo Thạc sỹ Nguyễn Huy Thắng, nguyên nhân chính là do các khu Ramsar không có đầu tư, không có quỹ lương như các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên… Chính vì thế, các địa phương đã không mặn mà với việc này.

Mãi tới năm 2002, vấn đề đăng ký khu Ramsar mới được quan tâm trở lại. Các cơ quan chức năng đã đi khảo sát và nhận thấy 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng của một khu Ramsar. Qua đó, có 4 khu đã được chọn để làm hồ sơ đăng ký ngay là Ba Bể, Tràm Chim, Tiền Hải và Thái Thụy. Tuy nhiên, việc làm hồ sơ diễn ra khá chậm chạp.

Trong khi đó, Hệ ngập nước Bàu Sấu dù chưa được chọn đăng ký, nhưng nhờ một nhà khoa học nghiên cứu về khu này, đã thông qua các mối quen biết, vận động bỏ phiếu, nên vào năm 2005, đã được công nhận là khu Ramsar thứ 2 của Việt Nam. Còn hồ Ba Bể (Bắc Kạn), sau gần 10 năm đưa vào danh sách làm hồ sơ đăng ký, đến năm nay mới được công nhận là khu Ramsar.

Ông Cường cho rằng vấn đề nằm ở chỗ các địa phương đồng tình, ủng hộ hay không. Bởi theo quy định của Công ước Ramsar, nếu đăng ký công nhận khu Ramsar, địa phương phải cam kết bảo vệ nghiêm ngặt về sau này.

Theo ông Phạm Anh Cường, trong năm nay nhiều khả năng, Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) cũng sẽ được công nhận là khu Ramsar. Hiện tại, hồ sơ của Tràm Chim đã hoàn tất và được Chính phủ chấp thuận cho gửi đến cơ quan thẩm quyền Ramsar. Bên cạnh đó, các khu đất ngập nước ở Thái Thụy (Thái Bình), phá Tam Giang (TT- Huế)…, cũng có khả năng được công nhận khu Ramsar trong thời gian tới.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm