| Hotline: 0983.970.780

'Chẩn bệnh' ngành hồ tiêu: Hậu quả khôn lường

Thứ Ba 20/10/2015 , 06:35 (GMT+7)

Năm 2015, tính đến thời điểm này, cả nước mới chỉ có khoảng 7.000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh, so với năm 2014 là khoảng 12.000 ha. Đây là cố gắng lớn của các nhà khoa học, nhà quản lý và người trồng tiêu./ Diện tích tăng phi mã

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là mối lo thường trực của các nhà vườn, và còn rất nhiều mối lo khác nữa xung quanh việc "vỡ" diện tích hồ tiêu.

Lo nhất dịch bệnh

Trước sự bùng phát diện tích hồ tiêu một cách khó kiểm soát thì hệ lụy lớn nhất và trước mắt mà người trồng tiêu phải gánh chịu, đó là dịch bệnh diễn ra trên các vườn tiêu.

Tại vựa tiêu huyện Chư Pưh (Gia Lai), chúng tôi đến thăm vườn tiêu 4 sào (800 trụ) của nông dân Rơ Lan Ke (dân tộc J'rai ở thôn Be Tel, xã Ia Roòng). Vườn tiêu của ông có 150 trụ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm. Ông cho biết: Khi phát hiện vườn tiêu bị bệnh, ông báo lên xã, xã báo lên huyện. Huyện cử đoàn kiểm tra xuống vườn nhà ông và nhiều vườn tiêu khác trong vùng. Nguyên nhân được xác định là do vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm và bệnh tuyến trùng rễ.

"Gia đình tôi bỏ ra bao nhiêu công sức, tiền của từ hơn mười năm nay, mới chỉ thu hoạch được ba vụ mà cây tiêu đã bị chết, xót quá!". Ông Rơ Lan Ke ngậm ngùi bên vườn tiêu xơ xác của mình.

Không riêng gì vườn tiêu của gia đình ông Rơ Lan Ke, mà rất nhiều vườn hồ tiêu khác trong vùng đều có hiện tượng tương tự: Vàng lá, thối rễ, khô thân và cuối cùng là chết hẳn. Mới hôm nào còn là niềm hy vọng lớn của những chủ vườn hồ tiêu nơi đây, bây giờ vườn tiêu chỉ còn trơ lại trụ khô, trên đó là dây tiêu gầy guộc, héo úa hoặc đã chết hẳn...

Nông dân K'sor Rai - một chủ vườn tiêu có thâm niên ở thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), nói: "Khi vườn tiêu đã bị bệnh  thì xác định là không thể cứu chữa. Nếu cố dùng thuốc một cách thiếu hiểu biết thì vừa tốn tiền, vừa ảnh hưởng lớn đến sự bền vững của vườn cây, đến sức khỏe con người và ảnh hưởng đến đất, đến nguồn nước xung quanh... Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học sớm nghiên cứu tìm ra loại thuốc chữa được bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu".

Một nguyên nhân rất quan trọng được xác định vườn tiêu bị bệnh, đó là khâu chọn giống trong quá trình trồng mới. Nông dân tự phát mở rộng diện tích trồng tiêu, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương không thể kiểm soát nổi, do vậy không có sự hướng dẫn kịp thời trong quá trình tuyển chọn giống. Nông dân tự tuyển chọn giống một cách thiếu hiểu biết, vô tình đã ươm mầm bệnh cho chính vườn cây của mình.

... Và những hậu quả khác

Trước thực trạng dịch bệnh đang lây lan trên các vườn tiêu, có không ít nông dân lo lắng, nóng vội mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi, không nhãn mác nhằm cứu vườn cây. Tuy nhiên kết quả vẫn là "tiền mất tật mang".

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho biết: Với cây hồ tiêu, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ "4 đúng" (gồm đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách). Tuy nhiên phần đông nông dân mới chỉ áp dụng được 2-3 "đúng", đây là mối nguy hại lớn cho vườn cây.

Trong chuyến công tác gần đây đến các địa phương trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Cao Đức Phát, lưu ý: "Cần rà soát lại quy hoạch cho cây hồ tiêu của từng địa phương để có hướng dẫn kịp thời, có sự kiềm chế hiệu quả. Địa phương cần tổ chức thực hiện nghiêm việc quản lý phân bón, giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm".

Tại diễn đàn "Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây tại Gia Lai, bên cạnh vấn đề "nóng" về tốc độ mở rộng diện tích vườn cây quá mức, thì vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm hồ tiêu là thông tin được rất nhiều đại biểu chú ý, bàn bạc nhiều. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã có thông báo, sản phẩm tiêu đen của nước ta đang có xu hướng gia tăng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.

Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu lớn từ châu Âu và Hoa Kỳ cảnh báo: Nếu tình trạng này không được khắc phục, sẽ tạm ngừng thu mua sản phẩm hồ tiêu của nước ta. Và nếu điều này xảy ra thì không những giá hồ tiêu bị ảnh hưởng, mà uy tín hồ tiêu Việt Nam cũng bị sụt giảm theo.

Do đó, điều cần thiết lúc này là chính nông dân - những chủ vườn tiêu phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất, dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): "Nếu chúng ta không đảm bảo được an toàn thực phẩm, nhất là dư lượng thuốc trừ sâu thì khả năng nhiều nước châu Âu sẽ không mua hạt tiêu của Việt Nam. Nếu họ từ chối tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam thì sẽ là thiệt hại rất lớn đối với nông dân, đối với nền kinh tế nông nghiệp của nước ta".

Một hệ lụy khác cũng không kém phần nguy hiểm xuất phát từ việc ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, đó là vấn đề phá rừng lấy đất trồng tiêu. Ở Tây Nguyên, khó có thể thống kê một cách chính xác rằng trong mấy năm gần đây, đã có bao nhiêu diện tích rừng bị phá để nhường đất cho những vườn hồ tiêu mới trồng.

Như ông Đinh Xuân Thu - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Đăk Song, lý giải về quỹ đất mà nông dân huyện Đăk Song (Đăk Nông) phát triển diện tích hồ tiêu: "Lấy đâu ra quỹ đất để trồng? Chỉ có cách duy nhất là phá rừng!".

Còn rất nhiều, rất nhiều những hệ lụy khác nữa xuất phát từ việc "vỡ" quy hoạch diện tích hồ tiêu, như ảnh hưởng đến chất đất, đến tài nguyên nước, đến tập tục canh tác... Có thể người trồng tiêu ở Tây Nguyên biết rất rõ những tác hại này. Tuy nhiên vì mối lợi trước mắt quá lớn mà họ bất chấp tất cả. Rất cần sự nhập cuộc quyết liệt của các nhà chuyên môn, của chính quyền địa phương các cấp.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.