| Hotline: 0983.970.780

“Choáng” với trại bò trăm tỷ của Vinamilk

Thứ Sáu 01/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Một trang trại bò sữa hiện đại của Vinamilk vừa được khánh thành ở Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ở nơi đó, những chú bò sữa được ngủ… giường nệm, với hệ thống làm mát và có sân để “thể dục thể thao”, tắm nắng.

Một trang trại bò sữa hiện đại của Vinamilk vừa được khánh thành trên một triền đất cao như một thảo nguyên xanh thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Ở nơi đó, những chú bò sữa được ngủ… giường nệm, với hệ thống làm mát và có sân để “thể dục thể thao”, tắm nắng. Đặc biệt hơn, mỗi cô bò còn được gắn hai con chíp điện tử để có thể phát hiện khi nào chúng động dục, ốm đau hoặc tự động ngắt van nếu khi vắt sữa nhưng chất lượng không đạt chuẩn vi sinh… 

SƯỚNG… NHƯ BÒ

Những ngày cuối năm, chúng tôi cùng đoàn công tác Hội bảo vệ người tiêu dùng phía Nam đến thăm trang trại bò sữa hiện đại nhất Việt Nam được Cty Vinamilk đầu tư lên tới trên 100 tỷ. Trang trại bò nằm lọt thỏm ở một góc núi xanh tít, bát ngát là những đồng cỏ cao sản mượt mà ngập quá đầu người… Chuyến tham quan đã khiến cho 30 cán bộ của đoàn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Muốn đi thăm trang trại bò tưởng đơn giản, thế nhưng tất cả mọi người đều bắt buộc phải mặc đồng phục áo choàng trắng, bàn chân được bọc kín một lớp ni-lông của trang trại để đảm bảo việc tiêu độc, khử trùng và tránh lây nhiễm mầm bệnh có thể mang từ bên ngoài vào làm ảnh hưởng đến đàn bò. Trang trại cách ly hoàn toàn với khu dân cư, không khí rất trong lành, đang nuôi khoảng 1.000 con bò cho vắt sữa được nuôi trong nhiều khu trại đồng nhất với mái che cao, có hệ thống bể uống tự động và cả những nơi giúp cho bò… gãi ngứa.

Bà Bùi Thị Hương – Giám đốc đối ngoại Cty Vinamilk giải thích cho mọi người: “Khi dự án hoàn tất, ở đây có thể nuôi trên 3.000 con bò sữa trong đó có 1.500 con cho vắt sữa, còn lại là nuôi dự bị, mỗi ngày cung cấp trên 30 tấn sữa tươi cho Nhà máy của Vinamik (ở thị xã Cửa Lò, Nghệ An) chế biến”. “Những chú bò ở đây… sướng lắm, ngoài hệ thống thiết kế làm mát chuồng trại cùng với hệ thống mái che bằng tôn lạnh cách nhiệt thì mỗi ô nằm nghỉ của bò được trải… đệm êm với giá gần 2 triệu đồng/chiếc. Không những vậy, toàn bộ hệ thống từ khâu cho ăn đến việc dọn phân đều tự động. Theo đó, thức ăn của bò ngoài cỏ cao sản được trồng hoàn toàn sạch cùng các thức ăn phụ trợ được nhập khẩu từ Mỹ sẽ được đưa vào hệ thống máy trộn tổng hợp rồi chuyển thẳng vào xe bồn và tự động rải đều cho bò ăn khi đến bữa.  

Hệ thống vắt sữa hoàn toàn tự động, vệ sinh

Phân và nước tiểu của bò cũng được một hệ thống gột sạch tự động và dồn về hệ thống xử lý chất thải. Tại đây, toàn bộ chất thải hữu cơ được tái sử dụng để bón cho đồng cỏ, còn nước thải qua hệ thống xử lý sinh học thông qua hồ lắng cũng được dùng để tưới lại cho đồng cỏ. Nhờ vậy quy trình khép kín này không chỉ bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm, mà đồng cỏ cũng luôn xanh tốt” – Bà Hương khẳng định. Chính vì thế, khi tận mắt chứng kiến, nhiều thành viên Hội bảo vệ người tiêu dùng đã không còn ngạc nhiên việc tại sao cả ngàn con bò ăn và thải mỗi ngày với số lượng khủng khiếp đến thế mà ở đây lại không hề có mùi hôi thối, trong khi việc nuôi ở quy mô cá thể gia đình chỉ dăm ba con nhưng ngược lại.

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SỮA BẰNG CHÍP

“Việc thành lập trang trại bò sữa hiện đại tại Nghĩa Đàn, Nghệ An bắt nguồn từ việc Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên mong muốn được đóng góp một phần vào việc thúc đẩy phát triển ngành sữa tại quê Bác cũng như giải quyết được một lượng lao động làm việc ở nhà máy và các hộ nông dân có nhu cầu ký hợp đồng trồng cỏ cung cấp cho trang trại. Ngoài ra, việc đầu tư trang trại bò sữa hiện đại này sẽ tạo được nguồn nguyên liệu sữa tươi ổn định với chất lượng cao để cung cấp cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm sữa tươi 100% nguyên chất với giá cả hợp lý nhất…” - Bà Bùi Thị Hương

Bà Bùi Thị Hương tiếp tục giới thiệu với mọi người từ những hình ảnh mắt thấy, tai nghe và… tay sờ: “Những chú bò ở đây cũng rất đặc biệt đó là được tuyển chọn từ Úc và được nhập về trang trại bò sữa Phú Lâm ở Tuyên Quang và được áp dụng công nghệ phối giống toàn cái mà ở Việt Nam đến nay chỉ duy nhất nơi đây thực hiện. Sau khi bò thế hệ F1 được lai tạo cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sẽ được chuyển từ Tuyên Quang về đây chăn nuôi. Chính vì thực hiện nghiêm ngặt trong quá trình chọn giống đến việc nhân sinh sản, và cho ăn với chất lượng thức ăn hoàn toàn sạch, đồng đều nên sữa đàn bò cho rất ổn định và đồng nhất…

Ngoài ra, ở trang trại bò này cũng là nơi duy nhất áp dụng việc vắt sữa tự động với công nghệ “siêu sạch” - Đó là mỗi chú bò được gắn hai chíp điện tử, thông qua chiếc chíp này có thể cho biết bò cho được bao nhiêu sữa, và chất lượng như thế nào. Trong quá trình vắt toàn bộ nguồn sữa được chảy qua hệ thống quản lý, nếu phát hiện sữa nhiễm vi sinh lập tức van tự động sẽ tự đóng lại và đẩy vòi sữa ra ngoài. Việc làm này sẽ giúp cho sữa bò tươi nguyên liệu luôn đảm bảo được chất lượng cao – Điều này hiện nay ở Việt Nam dường như vẫn chưa có đơn vị nào áp dụng. Ngoài ra, một chíp điện tử khác có chức năng cho người quản lý trang trại biết được khi nào bò động dục hay bị ốm đau để có thể chữa trị một cách nhanh chóng, kịp thời”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nam Vinh – Chủ tịch Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng phía Nam cho biết, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và “Người Việt ưu tiên dùng sữa Việt” của Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ Người tiêu dùng nên chúng tôi đã tổ chức cho các thành viên các hội phía Nam đi tham quan để hiểu rõ hơn quy trình sản xuất chế biến sữa trong nước hiện nay nói chung và của Vinamilk nói riêng. Được “mục sở thị” từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sữa hoàn toàn tự động đã khiến cho anh em trong đoàn rất ngạc nhiên vì không ngờ việc sản xuất sữa ở Vinamilk lại cầu kỳ và hiện đại đến thế. Có thực sự tận mắt chứng kiến thì các thành viên trong đoàn mới có thể tự tin vận động mọi người tiêu dùng yên tâm dùng sữa nội được, nhất là trong bối cảnh sữa nội và sữa ngoại chất lượng ngang nhau nhưng giá sữa ngoại luôn cao hơn nhiều lần là điều hết sức phi lý…

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm