| Hotline: 0983.970.780

Chủ động ứng phó với dịch CGC

Thứ Tư 22/02/2017 , 08:49 (GMT+7)

Trước tình hình virus CGC, chủng A/H7N9 đã gây bệnh và làm tử vong hằng trăm người ở Trung Quốc, NNVN đã trao đổi với Cục Thú y về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ xâm nhiễm virus CGC A/H7N9 và các chủng virus CGC khác vào Việt Nam.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong tháng 12/2016, Chương trình quốc gia giám sát virus cúm A/H7N9 đã phát hiện được virus cúm A/H7N9 ở đàn gia cầm nuôi tại An Huy, tỉnh Quảng Đông và tại tỉnh Chiết Giang; tỷ lệ dương tính với cúm A/H7N9 của các mẫu môi trường được lấy tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở tỉnh Quảng Đông là 9,4% và tại tỉnh Giang Tô là 15,8%.

Để chủ động ứng phó khẩn cấp nguy cơ xâm nhiễm loại dịch bệnh nguy hiểm này thông qua con đường buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, ngay từ tháng 3/2013, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT báo cáo Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, do đó đến thời điểm hiện nay (tháng 2/2017) Việt Nam chưa phát hiện có virus cúm A/H7N9 ở trên gia cầm. Kết quả chính như sau:

Một là: Hoàn thiện cơ sở pháp lý và kế hoạch chủ động phòng, chống dịch CGC nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng

Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam về cơ bản đã có đầy đủ các văn bản pháp lý quan trọng, bao gồm: Luật thú y được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2015; Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật thú y; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành 11 Thông tư hướng dẫn Luật thú y, trong đó có Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và trong đó có các nội dung quy định chi tiết về phòng, chống bệnh CGC.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn sự xâm nhiễm của các loại mầm bệnh virus cúm nói chung và virus cúm A/H7N9 nói riêng. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo và được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT thay mặt Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm đã ban hành: Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người (ban hành kèm theo Quyết định số 210/QĐ-BNN-TY ngày 14/02/2014) và trong đó có các nội dung hoạt động rất chi tiết, cụ thể và đã đưa ra 4 tình huống để có các giải pháp ứng phó phù hợp, bao gồm: (1) Tình huống chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người; (2) Tình huống chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường, nhưng có người mắc bệnh; (3) Tình huống phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường, nhưng chưa có người mắc bệnh; và (4) Tình huống phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Hiện nay, Việt Nam vẫn trong tình huống số 1, theo các hoạt động ưu tiên bao gồm: Kiểm soát gia cầm nhập lậu qua biên giới; triển khai lấy mẫu giám sát để phát hiện virus cúm trên đàn gia cầm; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các chợ có buôn bán gia cầm sống,... vẫn được Cục Thú y tổ chức thực hiện thường xuyên từ năm 2013 cho đến nay. Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Kế hoạch Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm, giai đoạn 2014 - 2018 (ban hành kèm Quyết định số 438/QĐ-BNN-TY ngày 13/3/2014) và hàng loạt các Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết; và gần đây nhất là Công điện khẩn số 1475/CĐ-BNN-TY ngày 17/02/2017 về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam, Công văn số 1536/BNN-TY ngày 21/02/20217 về việc triển khai tháng tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017.

Hai là: Chủ động giám sát cảnh báo dịch cúm gia cầm tại Việt Nam

Đối với CGC nói chung, ngay từ khi dịch CGC do virus cúm A/H5N1 gây ra tại Việt Nam vào cuối năm 2003, hằng năm Cục Thú y đã phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế, các nước, các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương xây dựng và bố trí hàng chục tỷ đồng để thực hiện các Chương trình chủ động giám sát dịch CGC. Kết quả giám sát đã được sử dụng để cảnh báo về tình hình dịch bệnh, cũng như làm cơ sở khoa học quan trọng để đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc quyết định lựa chọn từng chủng loại vacxin phù hợp cho từng địa phương trong từng giai đoạn; cung cấp nguồn giống vi sinh vật quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất thành công vacxin phòng bệnh cúm gia cầm của Việt Nam (vacxin Navet Vifluvac).

Đối với cúm A/H7N9, ngay từ khi Trung Quốc thông báo ca nhiễm virus cúm A/H7N9 đầu tiên vào tháng 3/2013, Cục Thú y đã báo cáo Bộ NN-PTNT cho phép Cục phối hợp với các tổ chức quốc tế (FAO và OIE), các nước như Hoa Kỳ (USAID và CDC), Nhật Bản (Đại học Hokkaido) triển khai chương trình giám sát virus cúm A/H7N9 tại tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh trọng điểm về buôn bán, thu gom, tập kết, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm. Tính từ năm 2013 - 12/2016, Cục Thú y đã chỉ đạo lấy mẫu và xét nghiệm tổng số 202.370 mẫu các loại (bao gồm: mẫu swab hầu họng gia cầm, mẫu môi trường và mẫu nước thải) ở trên 200 chợ, điểm buôn bán gia cầm của 20 tỉnh, thành phố. Kết quả chưa có mẫu nào dương tính với virus cúm A/H7N9.

Ba là: Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

Với phương châm phòng bệnh là chính và phải tổ chức phòng bệnh tận gốc tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm. Do đó, trong nhiều năm qua, Ngành Thú y đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh CGC. Đến thời điểm hiện nay, thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh” của Bộ NN-PTNT (ban hành kèm theo Quyết định số 440/QĐ-BNN-TY ngày 03/2/2015), cũng như các địa phương khác đã chủ động xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, với kết quả tổng số cả nước có 957 cơ sở chăn nuôi gia cầm đã được các cơ quan thú y tổ chức thẩm định và chứng nhận an toàn dịch bệnh CGC. Đây là các cơ sở bảo đảm cung cấp gia cầm sạch bệnh cúm và có chất lượng cao cho người tiêu dùng.

Bốn là: Xử lý triệt để các ổ dịch CGC và vệ sinh phòng bệnh

Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện có virus cúm A/H7N9, nhưng một số loại virus cúm khác như cúm A/H5N1 và A/H5N6 đã được phát hiện và các chủng virus này đã gây ra dịch bệnh tại các địa phương. Cục Thú y đã hướng dẫn các địa phương tổ chức xử lý triệt để các ổ dịch CGC ngay từ khi mới phát hiện và còn ở phạm vi nhỏ hẹp, kết quả đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt dịch CGC.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, nhờ thay đổi cách tiếp cận trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là chủ động phòng bệnh là chính do đó dịch bệnh đã giảm đi rất nhiều, cụ thể: So với năm 2015, dịch CGC A/H5N1 trong năm 2016 đã giảm cả về diện dịch và mức độ dịch, số xã có dịch giảm 2,57 lần, số huyện có dịch giảm 2,83 lần, số tỉnh có dịch giảm 3,67 lần, số gia cầm chết và tiêu huỷ giảm 2,6 lần (chỉ có 6.182 con gia cầm bị mắc bệnh và tiêu hủy); đối với cúm A/H5N6, số xã có dịch giảm 3 lần, số huyện có dịch giảm 2,83 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,2 lần và số gia cầm chết và tiêu huỷ giảm 2,13 lần (chỉ có 13.550 con gia cầm bị mắc bệnh và tiêu hủy), giảm thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và ngân sách nhà nước. Do dịch CGC đã được Ngành Thú y kiểm soát tốt, kinh phí để mua vacxin phòng chống dịch và các chi phí khác là không đáng kể, cụ thể: Từ năm 2013 đến nay, vacxin CGC dự phòng cho chống dịch CGC khẩn cấp có tổng số 70 triệu liều (tương đương khoảng 20 tỷ đồng), nhưng mới chỉ sử dụng để chống dịch có 30 triệu liều.

Hàng năm, Bộ NN-PTNT đều phát động từ 2 - 3 đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc trên toàn quốc, mỗi đợt kéo dài 1 tháng để chủ động tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi, chợ buôn bán gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ...; Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm chủ động định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc để bảo đảm an toàn dịch bệnh. Gần đây nhất, ngày 21/02/2017 Bộ NN-PTNT đã ban hành Công văn số 1536/BNN-TY về việc triển khai tháng tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017.

Năm là: Chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua, Cục Thú y đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với với các cơ quan liên quan tại các cửa khẩu và các Chi cục quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố cường, nhất là các tỉnh biên giới tổ chức công tác kiểm soát, bắt giữ và xử lý các vụ việc nhập khẩu trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn chặn được nhiều vụ vận chuyển bất hợp pháp gia cầm, sản phẩm gia cầm qua tuyến biên giới, góp phần tích cực ngăn chặn chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác xâm nhiễm vào Việt Nam. Theo báo cáo của các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh, từ năm 2016 đến hết ngày 15/02/2017, số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu bị bắt giữ gồm có: 356.072 con gia cầm giống; 2.365 con gia cầm thịt; 62.406kg thịt gia cầm và 212.080 quả trứng gia cầm.

Đối với kiểm soát vận chuyển lưu thông trong nước, các cơ quan thú y địa phương cũng đã thực hiện việc kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm theo quy định của pháp luật về thú y; đã kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm đối với việc vận chuyển, lưu thông gia cầm và sản phẩm gia cầm không theo đúng quy định của pháp luật.

Sáu là: Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền

Cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan thông tấn như truyền hình (VTV1, VTC16,...), phát thanh, báo chí (Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Tiền phong, Báo Điện tử Infonet, Báo Phụ nữ Việt Nam,…) để cung cấp các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm… Công tác thông tin, tuyên truyền đang ngày càng được tăng cường nhằm chủ động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn các địa phương và người chăn nuôi chủ động kiểm soát dịch bệnh động vật, đặc biệt là cúm gia cầm H5N1, H5N6, H7N9 và các chủng vi rút cúm khác, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng thường xuyên chủ động cập nhật tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm trên trang thông tin điện tử (website) của Cục Thú y để cung cấp thông tin kịp thời cho các ngành, các đơn vị liên quan chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh và các cơ quan thông tin đại chúng chủ động đưa tin.

Bảy là: Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nước và tăng cường hợp tác quốc tế để kiểm soát tốt dịch bệnh

Kết quả đạt được: (1) Kiểm soát được dịch CGC, hỗ trợ thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm phát triển, tổng đàn gia cầm năm 2016 khoảng trên 370 triệu con. Nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm được công nhận an toàn dịch bệnh với CGC, Niu-cát-xơn, đẩy mạnh xuất khẩu; (2) Bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho thị trường tiêu thụ, bảo vệ thị trường trong nước; (3) Từ năm 2015 đến nay, không có người bị nhiễm cúm gia cầm; (4) Chi phí xử lý dịch bệnh giảm rất nhiều, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Vacxin cúm gia cầm dự phòng, hóa chất khử trùng trong dự trữ quốc gia phải sử dụng cho công tác phòng chống dịch CGC rất ít; (5) Giám sát chủ động: chưa phát hiện virus cúm A/H7N9, A/H5N8, A/H5N2, A/H5N3,.. xâm nhập vào trong nước. Tỷ lệ lưu hành virus cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

Kể từ khi dịch cúm A/H5N1 xuất hiện và gây dịch tại Việt Nam, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm ở động vật; Cục Thú y được giao là Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo. Kể từ năm 2004 đến tháng 6/2016, hàng năm, định kỳ và đột xuất, Cục Thú y đã tham mưu cho Ban chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, do đó, kết quả đã kiểm soát tốt dịch CGC trong nhiều năm qua.

Đối với nguy cơ xâm nhiễm virus cúm A/H7N9 qua biên giới, ngay sau khi có thông tin về loại virus này, Cục Thú y đã chủ động, phối hợp với FAO tại Việt Nam và nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ (thông qua USAID và CDC) đã tổ chức Chương trình giám sát virus cúm A/H7N9 từ tháng 6/2013 - 12/2016. Kết quả xét nghiệm tổng số 202.370 mẫu các loại được lấy tại trên 200 chợ, điểm buôn bán gia cầm của 20 tỉnh, thành phố nhưng chưa phát hiện mẫu nào dương tính với cúm A/H7N9.

Bên cạnh đó Cục Thú y còn phối hợp với FAO tổ chức các lớp tập huấn về truyền thông nguy cơ đối với H7N9; xây dựng thông điệp về truyền thông nguy cơ để phát thanh tại các tỉnh biên giới; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm virus H7N9; cung cấp trang bị bảo hộ và hóa chất tiêu độc khử trùng cho 9 tỉnh biên giới phía Bắc để phòng chống cúm A/H7N9; phối hợp với CDC của Hoa Kỳ tổ chức đào tạo tập huấn chuyên sâu về chẩn đoán xét nghiệm, thiết kế giám sát, điều tra ổ dịch và phân tích dịch tễ cho hàng trăm cán bộ của các tỉnh tại biên giới và trọng điểm về buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đội ngũ cán bộ này đã góp phần quan trọng trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay.

Tám là: Những khó khăn, tồn tại, bất cập

Mặc dù, các kết quả đạt được nêu trên là rất quan trọng, bảo đảm an toàn dịch bệnh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch CGC sang người, bảo đảm an toàn thực phẩm, song qua việc tổ chức thanh tra, kiểm tra, cũng như thực tế hiện nay cho thấy còn nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập như: (1) Một số địa phương không xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm hoặc có xây dựng và phê duyệt kế hoạch nhưng không bố trí kinh phí để cơ quan thú y tổ chức thực hiện; (2) Vẫn còn tình trạng nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm ngày càng tinh vi tại vùng biên giới và sau đó đưa sâu vào nội địa, một phần đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, có thể số lượng nhập lậu nêu trên còn rất thấp so với thực tế, do đó nguy cơ các loại virus CGC nói chung và cúm A/H7N9 nói riêng sẽ xâm nhiễm vào Việt Nam qua con đường này; (3) Đề án 2088 năm 2012 của Chính phủ về kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu mặc dù rất có hiệu quả, giúp ngăn chặn gia cầm nhập khẩu trong nhiều năm qua nhưng hiện đã kết thúc và chưa có đề án tương tự để triển khai.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm