| Hotline: 0983.970.780

Chuột phá nát đồng

Thứ Năm 07/03/2013 , 10:27 (GMT+7)

Tại Quảng Bình, do không có lũ lớn trong năm 2012 nên nguy cơ chuột phá hại lúa ĐX 2012 - 2013 là rất lớn.

Trên cánh đồng Tân Lộc (giáp ranh xã Gia Ninh với Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) lúa đã bén xanh nhưng thưa hẳn. Nông dân Mai Văn Ly đứng trên bờ giải thích: “Lúa năm ni thưa vì bị chuột phá. Vào vụ gieo, chuột cứ nhặt hết mầm. Nhiều người gieo tới gieo lui đến ba lần mà lúa vẫn bị phá”...

Thiệt hại lớn

Theo ông Ly thì vào vụ, nhà gieo hơn 2 mẫu (2 mẫu Trung bộ = 1 ha) lúa ngắn ngày. Gieo xong tháo nước thì chuột tràn vào phá. Ba ngày sau hơn nửa diện tích phải gieo lại lần hai vì mạ giống bị chuột “dọn” gần hết. Nhưng gieo lần thứ hai cũng chưa xong, phải gieo lần thứ ba.

Ra Tết, thăm đồng, thấy ruộng trơ đất xém ngoách, màu xanh trên ruộng chỉ lơ thơ vài mảng. Hai vợ chồng ông Ly thúc nhau chạy khắp vùng để tìm mua mạ về cấy dặm cho kịp chứ không thể gieo lại được nữa. “Chúng tôi phải đi mua vét mạ ở các nơi về cấy. Đến nước này thì cũng chẳng cần lựa chọn giống má chi nữa, có mạ cấy là tốt rồi chứ không lẽ bỏ hoang ruộng. Tính ra, tiền mua mạ cũng ngót gần 1,5 triệu đồng. Năm ni thì khó thiệt”, ông Ly than thở.

Tại Quảng Bình, do không có lũ lớn trong năm 2012 nên nguy cơ chuột phá hại lúa ĐX 2012 - 2013 là rất lớn. Cánh đồng Cồn Hoàng (xã Gia Ninh) rộng trên 20 ha gần như bị mất trắng. Bà con đã cố gắng gieo đến lần thứ 3 nhưng cũng không thể giữ được. Theo ông Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Ninh, xã đã hỗ trợ mỗi ha 1 triệu đồng để mua giống nhằm giúp bà con vượt qua khó khăn.

Nông dân Mai Văn Minh (xã Gia Ninh) cho hay, tuyến đê Cồn Hoàng dài gần 2 km trước đây kết cấu mái đê bằng đá hộc. Vài năm sau, tuyến đê này trở thành “thủ phủ” của chuột vì chúng cứ chui về sinh sôi ở dưới. Bắt không thể hết, mà bới đá lên thì vi phạm đến công tác bảo vệ đê điều.

“Chúng tôi đã nhiều lần rải bả sinh học. Được lần đầu, sau đó chuột không ăn nữa nên không mấy hiệu quả. Tuyến đê này chứa vài tấn chuột là cái chắc”, ông Minh cho hay. Được biết, chuột từ tuyến đê Cồn Hoàng còn “hành quân” phá 40 ha lúa ở xã bên. “Không chỉ năm nay mà năm trước, cánh đồng Cồn Hoàng đã bị mất trắng vì chuột. Chúng tôi đã kiến nghị cho xây dựng lại tuyến đê này để ngăn nạn chuột nhưng cũng chưa thấy động tĩnh gì. Nếu cứ như vậy sẽ mất mùa liên tục”.


Nông dân Quảng Bình dùng ni lông che ruộng ngăn chuột

Cánh đồng Ông Đồng năm phía hữu sông Kiến Giang (thuộc huyện Quảng Ninh) rộng đến cả ngàn ha. Dù người dân đã tổ chức săn bắt, đánh bả... nhưng chuột cứ phát triển với tốc độ chóng mặt. Thân lúa dài gần gang tay người lớn bị chuột cắn ngang, cây nổi lên mặt nước bị gió thổi dạt về thành từng tấm rều lớn ở góc bờ ruộng. Trong đám rều có cả ngọn lúa đã khô, ngọn úa vàng và nhiều ngọn còn xanh như vừa bị chuột cắn lúc sẩm tối.

Đi thăm lúa, ông Nguyễn Lanh (xã Gia Ninh) quơ nắm ngọn lúa lên nhìn và lắc đầu: “Chắc là chịu. Bà con đã rải thuốc lần thứ ba rồi mà chuột giảm không đáng kể. Nếu nó cứ phá như vậy cho đến khi lúa trổ đòng thì tỷ lệ bị hư hại chiếm trên phân nửa rồi. Không chừng năm nay mùa thất bát vì chuột thôi”.

Đi các cánh đồng khác ở huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, rồi vùng núi Minh Hóa, Tuyên Hóa... đâu cũng nhiều cảnh lúa bị chuột tàn phá. Ông Nguyễn Thế Cảnh (xã Tân Ninh) lo lắng: “Ra đồng là thấy chuột nhiều lắm. Bà con có đi bắt nhưng không xuể. Trước đây, bắt chuột còn bán được tiền. Ngày đi bắt cũng kiếm được trăm bạc. Bây giờ có đánh bả sinh học nên không ai làm thức ăn nữa khiến chuột càng sinh sôi”.

Đủ cách diệt nhưng không xuể

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Xác đinh vụ ĐX sẽ gặp khó khăn bởi nạn chuột phá nên huyện đã chỉ đạo nhân dân tích cực diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh, đồng thời hỗ trợ 80% kinh phí mua bả sinh học Biorat và thuốc diệt chuột Rat K. Đến nay toàn huyện đã sử dụng 7,3 tấn bả sinh học, 10.000 gói diệt chuột RatK...”.

Sau Tết, huyện Quảng Ninh đã phát động phong trào diệt chuột và chọn thôn Thế Lộc (xã Tân Ninh) làm điểm phát động đầu tiên ra quân diệt chuột. Ông Cảnh cũng cho hay: “Bà con vừa mua thuốc diệt chuột, vừa được thôn nhận từ trên cấp để đánh bả nhưng thấy chúng chết không nhiều. Không biết nên ngăn chặn làm sao cho có hiệu quả?”. Người suốt ngày có mặt ở ruộng lúa và có kinh nghiệm đánh chuột như ông Mai Văn Ly cũng gặp khó vì chuột quá nhiều.

Nông dân Nguyễn Lanh (xã Gia Ninh): “Chưa thấy năm nào chuột phá từ đầu vụ “hỗn” đến như năm nay. Có thể lúa bị chuột phá hại nặng chưa nhiều, nhưng tính tỷ lệ cây thưa thớt trên đồng với tổng diện tích vài trăm ngàn ha thì sẽ thấy diện tích bị thiệt hại là rất lớn”.

“Cứ rải thuốc xuống ruộng nhưng vẫn thấy đàn mẹ, đàn con chạy như đuổi chợ. Ở bờ ruộng hôm trước chỉ thấy một hang chuột thì hôm sau đã có cả chục hang mới đào, không biết thuốc có tác dụng lớn không nữa”. Ngoài cách diệt chuột bằng thuốc vi sinh, ông Ly còn tránh chuột bằng việc cắm từng hàng dài những cành tre, dương, trên đó cột các túi bao bóng, làm hình nộm để đuổi chuột. Tuy nhiên, với nhiều cách thì cuối cùng, ông cũng phải thở dài: “Cứ làm gì cũng được ba hôm là hết tác dụng. Rải bả hay làm thủ công thì cũng chỉ được rất ít, mà chuột thì quá nhiều”.

Nông dân các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... có sáng kiến dùng thuốc diệt cỏ pha liều lượng lớn, phun vào những bụi cỏ rậm rạp để phát quang cỏ chết, chuột không có nơi trú ngụ. Tuy nhiên, cách này cũng không mấy hiệu quả vì không có bụi bờ thì chuột đào hang. Một số nông dân dùng lưới, bạt, ni lông vây lại từng thửa ruộng, thửa mạ để ngăn chuột vượt vào phá. Tuy nhiên, nói theo ông Ly thì phương pháp đó quá tốn kém và khó khả thì vì diện tích ruộng cả mấy mẫu thì làm sao mà bao, quây cho kín hết được.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm