| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình như phim Hollywood của bà Aung San Suu Kyi - lãnh tụ đảng đối lập ở Myanmar

Thứ Năm 23/03/2017 , 09:50 (GMT+7)

Aung San Suu Kyi, chính trị gia nổi tiếng thế giới, lãnh tụ đảng đối lập ở Myanmar, giải Nobel Hòa bình năm 1991, có thể được xem là người phụ nữ quyền lực nhất đất nước của bà. Tuy nhiên, câu chuyện tình cảm động và có những chương buồn giữa bà và người chồng quá cố thì không phải ai cũng biết.

Aung San Suu Kyi, từ một bà nội trợ ở Oxford (Anh) toàn tâm toàn ý với chồng con đã trở thành chiến binh số 1 cho nền dân chủ ở Myanmar (tên cũ là Burma hay Miến Điện). Đằng sau thành quả lẫy lừng ấy là những hy sinh trong đời sống riêng tư.
 

Romeo và Juliet

Rebecca Frayn, nhà văn, nhà làm phim, viết trên tờ Telegraph cuối năm 2011: “Khi tôi bắt đầu nghiên cứu một kịch bản về Aung San Suu Kyi bốn năm trước, tôi không ngờ rằng mình đã tìm thấy một trong những câu chuyện tình hay nhất của thời đại chúng ta”.

11-15-12_
Gia đình hạnh phúc của Aung San Suu Kyi hồi trẻ
 

Đó nổi lên là một câu chuyện đầy lãng mạn và cũng rất xúc động, như lời đạo diễn Frayn là “giống như một bộ phim tình cảm của Hollywood”: một cô gái đẹp, thanh tao nhưng khá khép kín từ châu Á gặp một chàng Tây đẹp trai, nồng nàn.

Chàng trai ấy là Michael Aris và đối với anh, câu chuyện tình của hai người diễn ra giống như sét đánh, yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Michael cầu hôn Suu giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, phủ đầy tuyết trắng ở Bhutan, nơi anh đang làm gia sư cho các thành viên Hoàng tộc của đất nước này.

16 năm sau đó, Suu toàn tâm toàn ý với vai trò một người vợ ngoan, một người mẹ tận tụy của hai đứa con, cho đến khi rất vô tình vướng vào chuyện chính trị trong một chuyến đi ngắn về Miến Điện và không bao giờ trở về nhà ở Anh nữa.

Bi thảm ở chỗ, sau 10 năm tìm đủ mọi cách nhằm giúp vợ mình được an toàn, Michael qua đời vì ung thư, thậm chí không có cơ hội nói lời từ biệt vợ con.

Theo đạo diễn Frayn, lý do ít ai biết câu chuyện này là bởi vì tiến sỹ Michael Aris đã nỗ lực rất lớn để đưa gia đình tránh thoát các con mắt của công chúng, vì vợ ông là người rất nổi tiếng và có nhiều kẻ thù. Chỉ đến khi ông Aris qua đời và các con họ đã trưởng thành, bạn bè và gia đình mới cảm thấy đã đến lúc phải nói ra mọi chuyện với niềm tự hào, về vai trò thầm lặng của ông Aris.
 

Con gái một vị tướng

Vị anh hùng quốc gia của Miến Điện tướng Aung San, bị ám sát khi con gái Aung San Suu Kyi mới lên hai. Lúc đó là năm 1947. Cô bé được nuôi dạy với sự thừa kế mạnh mẽ tinh thần, những mong muốn chưa hoàn thành của người cha. Năm 1964, mẹ cô, một nhà ngoại giao, đã gửi đứa con gái 19 tuổi sang Anh học khoa học chính trị, triết học và kinh tế tại trường Oxford danh tiếng. Tại trường này, người bảo trợ của Suu là ngài Gore-Booth đã giới thiệu Suu với Michael. Anh lúc đó đang học lịch sử tại trường Durham nhưng luôn có đam mê về Bhutan và ở Suu anh tìm thấy hiện thân đầy lãng mạn của tình yêu châu Á nồng nàn trong con người anh.

11-15-12_ung-ris
Bà Aung San Suu Kyi và chồng thời trẻ
 

Nhưng khi cô chấp nhận lời cầu hôn của anh, cô đưa ra một đòi hỏi cam kết: nếu đất nước Miến Điện của cô lúc nào đó cần đến cô, cô sẽ phải trở về. Và Michael đã rất ủng hộ vợ về chuyện này.

Trong suốt 16 năm bên nhau, Suu Kyi đã phải tự kiềm tỏa tính cách cực kỳ mạnh mẽ của cô để làm một người vợ hoàn hảo trong căn bếp gia đình. Khi hai con trai, Alexander và Kim ra đời, Suu rất toàn tâm toàn ý, chu đáo chăm sóc các con từng li từng tí. Sự tỉ mỉ vào khéo léo trong việc chăm con cái của Suu thể hiện ở những món ăn đầy tinh tế, các bữa tiệc cho trẻ con được tổ chức rất tỉ mỉ và chu đáo. Khác với những bạn bè đang theo đuổi chủ nghĩa nữ quyền, Suu vẫn sáng sáng là tất cho chồng, một mình dọn dẹp nhà cửa.

Rồi vào một đêm thanh vắng năm 1988, khi các con trai mới lần lượt 12 và 14 tuổi, khi Suu và Michael đang đọc sách tại khu Oxford, họ bị phá ngang bằng một cú điện thoại nói rằng mẹ Suu bị ốm nặng. Suu ngay lập tức bay về thủ đô Rangoon của Miến Điện với dự định chỉ ở lại vài tuần. Khi đến nơi, cô mới biết thành phố đang hỗn loạn. Một loạt các cuộc đối đầu đầy bạo lực xảy ra và quân đội phong tỏa đất nước. Và khi Suu chạy đến bệnh viện Rangoon để chăm sóc mẹ, cô thấy khắp nơi tràn ngập sinh viên, người bị thương, người đang hấp hối. Máu me vương vãi khắp nơi. Vì các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng bị cấm, bệnh viện Rangoon đã trở thành tâm điểm của một cuộc cách mạng không có thủ lĩnh và những lời của con gái vị tướng anh hùng đã làm thổi bùng lên những “đám cháy lớn”.

Khi một đoàn đại biểu của giới học thuật Miến Điện đề nghị Suu đứng lên lãnh đạo một phong trào đòi dân chủ, Suu đồng ý ngay, nghĩ rằng khi một cuộc bầu cử được tổ chức, cô sẽ thoải mái quay trở về Anh. Chỉ hai tháng trước đó, Suu còn là một bà nội trợ toàn tâm toàn ý, nay cô cảm thấy mình là người đứng mũi chịu sào cho một cuộc nổi dậy quy mô lớn cho lại một chế được xem là dã man, tàn độc.

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.