Tên tuổi đại gia Hoàng Khải bất ngờ phủ sóng trên khắp các diễn đàn do sự cố bán khăn lụa “made in China” nhưng dán nhãn Khai Silk. Đại gia Hoàng Khải đã “trộm long tráo phụng” bằng chính thương hiệu mà mình đã mất 30 năm để xây dựng. Sự bẽ bàng và tiếc nuối thì ai cũng nhận ra. Thế nhưng, hành trình Khai Silk chinh phục phân khúc cao cấp trên thị trường tiêu dùng lại là một câu chuyện nhiều tình tiết ly kỳ.
Đại gia Hoàng Khải |
Đại gia Hoàng Khải không có vẻ ngoài điển trai, nhưng luôn cố gắng tỏ ra lịch lãm. Qua tuổi tri thiên mệnh từ lâu, nhưng đại gia Hoàng Khải vẫn thích ăn mặc như thanh niên, nhất là những lúc đi cạnh các chàng trai mơn mởn như nam tài tử hoặc nam người mẫu. Phong cách thường gặp nhất của đại gia Hoàng Khải là quần áo đủ thứ màu sặc sỡ và một chiếc mũ fedora điệu đàng. Thoạt nhìn, đại gia Hoàng Khải giống một nhà thiết kế nửa mùa hoặc một bầu show đồng bóng, hơn là một doanh nhân. Vậy mà, đại gia Hoàng Khải không ngần ngại khoe khoang tài sản hàng trăm tỷ đồng một cách ngạo nghễ.
Đại gia Hoàng Khải sinh ra trong một gia đình có nghề thêu truyền thống trên phố Hàng Gai – Hà Nội. Đó là cơ sở để Hoàng Khải khởi nghiệp. Từng học Nhạc viện Hà Nội, nhưng Hoàng Khải không theo nghề biểu diễn mà chuyển sang kinh doanh mặt hàng tơ lụa. Năm 25 tuổi, Hoàng Khải mở cửa hàng Khai Silk đầu tiên tại Hà Nội, với tiêu chí bán sản phẩm cao cấp cho khách du lịch. Gặp đúng không khí mở cửa, thiên hạ náo nức đến Việt Nam nên thương hiệu Khai Silk phát triển rất nhanh. Những quầy trưng bày của Khai Silk xuất hiện tại các khách sạn 5 sao ở thủ đô và nhanh chóng lan rộng ra nhiều khu resort danh giá khác.
Sau tuổi 30, doanh nhân Hoàng Khải chuyển vào Sài Gòn và nổi lên như một hiện tượng kinh doanh. Ngoài các cửa hàng Khai Silk, doanh nhân Hoàng Khải còn mở nhà hàng chuyên phục vụ giới thượng lưu. Và khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng hình thành, thì doanh nhân Hoàng Khải vươn lên hàng đại gia. Trung tâm thương mại Saigon Paragon và khách sạn lâu đài Tajmasago có vốn đầu tư hàng chục triệu USD khiến công chúng mắt tròn mắt dẹt không hiểu đại gia Hoàng Khải lấy tiền ở đâu ra. Đại gia Hoàng Khải kiêu hãnh trả lời: “Người Việt hay mắc bệnh lo xa, cho rằng doanh nghiệp có nhiều tiền là làm bậy, rửa tiền. Nhưng cuộc sống cần những thông tin lá cải như vậy đó, để thấy thú vị. Tuy nhiên, đừng nên nghe tin đồn, hãy xem nó là gia vị của cuộc sống thôi”.
Thực chất, khách sạn lâu đài Tajmasago là một kiểu chơi trội của đại gia Hoàng Khải, chứ giá trị lợi nhuận từ công trình này hầu như không có. Còn Trung tâm thương mại Saigon Paragon nằm cạnh Trung tâm triển lãm quốc tế Sài Gòn, tuy bề thế nguy nga nhưng nhiều năm qua vẫn chưa khai thác hết hiệu quả kinh tế. Hơn nữa, Trung tâm thương mại Saigon Paragon không phải riêng đại gia Hoàng Khải làm chủ. Những đại gia kia kín tiếng hơn, chỉ có đại gia Hoàng Khải oang oang đăng đàn diễn thuyết.
Có lẽ đã từng ngụp lặn trong môi trường Nhạc viện Hà Nội, nên đại gia Hoàng Khải rất thích… diễn. Không những diễn… bề ngoài, mà còn diễn… trí tuệ. Đại gia Hoàng Khải thích lập ngôn và thích triết lý. Ví dụ, đại gia Hoàng Khải tuyên bố: “Cái ngông của tôi trong kinh doanh không hẳn là ngông, mà chỉ là sự nhầm lẫn giữa cách nhìn mà thôi” hoặc: “Quan trọng nhất là làm sao để sản phẩm của mình nổi tiếng hơn những sản phẩm chỉ ăn theo xu hướng thị trường”.
Chưa hết, có câu nói của đại gia Hoàng Khải rất ấn tượng mà khi xảy ra sự cố sản phẩm lụa “made in China” được bán dưới nhãn hiệu Khai Silk, càng khiến đám đông cảm thấy ngậm ngùi: “Tôi kinh doanh với lòng trung thực, theo suy nghĩ của riêng tôi, sự đố kỵ sẽ gục ngã trước lòng trung thực!”.
Việc một thương hiệu nổi tiếng như Khai Silk bán sản phẩm “made in China” dán kèm nhãn “made in Vietnam” đã thực sự tạo nên một làn sóng phẫn nộ trong người tiêu dùng. Doanh nhân Hoàng Khải – ông chủ của Khai Silk đã thú nhận sai lầm và cúi đầu nhận lỗi với khách hàng, nhưng câu chuyện không dừng lại ở một cái khăn lụa, mà là vấn đề đạo đức kinh doanh.
Từ cơ sở bán sản phẩm lụa khiêm tốn trên phố Hàng Gai – Hà Nội, Khai Silk trở thành một tên tuổi được yêu chuộng của những người yêu cái đẹp. Khăn choàng và cravat gắn mác Khai Silk rất đắt hàng và rất đắt đỏ. Người sành điệu chọn Khai Silk chưa hẳn sản phẩm này đã có chất lượng quốc tế, mà chủ yếu muốn ủng hộ hàng Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Đáng tiếc Khai Silk đã đánh tráo nguồn gốc hàng hóa để qua mặt khách hàng một cách hồ đồ. Không ai biết Khai Silk đã lừa gạt người tiêu dùng bao lâu, nhưng khi trò láu cá bị phanh phui thì niềm tin dành cho thương hiệu Khai Silk tổn thương nghiêm trọng.
Khai Silk đã đánh tráo nguồn gốc hàng hóa để qua mặt khách hàng một cách hồ đồ |
Nhờ thành công với sản phẩm lụa, ông chủ Khai Silk lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác và thu được kết quả đáng kể. Hệ thống nhà hàng, bất động sản và chuỗi tiệm phở Ông Khải có thể xem như một sự nghiệp thành đạt của doanh nhân Hoàng Khải. Bẽ bàng thay, khi đã có trong tay hàng trăm tỷ đồng mà Khai Silk lại manh động sử dụng kiểu làm ăn khuất tất với những người vẫn hết lòng vun đắp cho một thương hiệu Việt. Doanh nhân Hoàng Khải phân bua: “Khi mở rộng ra nhiều lĩnh vực và vùng miền, khả năng quản lý doanh nghiệp của tôi còn hạn chế. Tôi đã không bao quát được tất cả lĩnh vực và gần như không để ý nhiều đến mảng kinh doanh lụa nữa, dù đây là sản phẩm làm nên thương hiệu KhaiSilk. Cái sai của tôi là khi thấy các thương hiệu lớn của nước ngoài đặt hàng, may sản phẩm tại Trung Quốc vẫn bán với thương hiệu của họ thì cũng nghĩ mình có thể đặt hàng may tơ lụa Trung Quốc về bán với thương hiệu KhaiSilk mà không làm rõ xuất xứ hàng hóa". Đó là lời ngụy biện rất khó thuyết phục đám đông.
Mỗi năm hàng trăm ngàn sản phẩm lụa của Khai Silk được bán ra. Vậy nguồn nguyên liệu chủ lực của Khai Silk nằm ở đâu? Nếu Khai Silk đặt hàng nghiêm túc thì không phải những làng nghề như Vạn Phúc – Hà Đông hoặc Nha Xá – Nam Định đã phát triển rực rỡ sao? Hiện nay, không phải không có những công ty uy tín có đủ năng lực để cung cấp lụa cho quy trình thiết kế mẫu mã và lưu thông hàng hóa của Khai Silk. Thế nhưng, oái oăm thay, Khai Silk lại nhập sản phẩm trôi nổi bên ngoài biên giới rồi dán nhãn “made in Vietnam” để ngang nhiên móc túi khách hàng vô tư.
Trước đây, khi mở nhà hàng Au Menoir de Khai khá nguy nga tráng lệ nằm ở góc đường Điện Biên Phủ, người dân Sài Gòn đã khá ngạc nhiên khi thấy đại gia Hoàng Khải tự gắn… 5 sao cho cơ sở kinh doanh của mình. Ai cho phép tự phong như vậy? Đại gia Hoàng Khải chỉ cười coi thường mọi giá trị căn bản định vị thương hiệu, và tiếp tục miệng lưỡi cao đạo: “Không có một cái gì có thể làm cho bạn giàu lên trong chốc lát ngoài việc các bạn phải trau dồi thêm kiến thức và chịu khó đi làm việc để có thêm những kinh nghiệm trong cuộc sống trước khi nắm bắt lấy nhưng cơ hội, hoặc tự mình tạo ra cơ hội cho chính mình. Hãy làm việc với những cơ hội ấy với một lòng đam mê, đầy nhiệt huyết cho đến khi tay của bạn chạm được vào thành công đó thì sự thành công đó nó mới là của chính bạn!”.
Trong hệ thống kinh doanh của đại gia Hoàng Khải, phải nói thẳng là nguồn thu từ các cửa hang Khai Silk vẫn nhiều nhất và nền tảng nhất. Có lẽ, muốn triệt để khai thác thị trường sản phẩm lụa để phục vụ cho những mục tiêu to tát khác, đại gia Hoàng Khải đã nhập hàng “made in China” và dán nhãn “made in Vietnam” bày bán khắp nơi. Trường hợp “hồn Trung Hoa da Khai Silk” là một bài học cảnh tỉnh cho thị trường may mặc nước ta. Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh để giám sát và chấn chỉnh các loại kinh doanh “treo đầu dê bán thịt chó” để bảo vệ thương hiệu Việt!
Riêng đại gia Hoàng Khải cam kết: “Chúng tôi sẽ thu hồi toàn bộ lô sản phẩm này và xây dựng lại việc quản lý sản phẩm và thương hiệu chặt chẽ hơn. Sau khi thu hồi toàn bộ hàng, chúng tôi cam kết sẽ thay đổi việc tách bạch trong hoạt động ghi nhãn xuất xứ của hai loại riêng biệt, gồm sản xuất tại VN và Trung Quốc theo hướng kinh doanh của các thương hiệu lớn. Với việc này, tôi biết thương hiệu đã bị ảnh hưởng và đây là cái giá phải trả. Chúng tôi sẽ cố gắng để thay đổi và vực dậy, lấy lại niềm tin của khách hàng!”. Liệu sự hối hận ấy có muộn màng quá không, với một doanh nhân thích diễn như đại gia Hoàng Khải?