| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Sau mưa trái mùa, mặn- hạn quay lại

Thứ Ba 26/01/2010 , 10:56 (GMT+7)

Những ngày qua tại ĐBSCL diễn biến thời tiết hết sức bất thường. Sau đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới thì mặn- hạn lại song hành

Những ngày qua tại ĐBSCL diễn biến thời tiết hết sức bất thường. Sau đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới thì mặn- hạn lại song hành.

Nông dân trồng hoa ở làng hoa Tân Qui Đông, Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết, đợt mưa dầm vừa qua khiến những người trồng hoa cúc, mai lo sốt vó. Đặc biệt sau mưa mấy ngày tới nắng gay gắt làm hoa bung nụ nở sớm thì càng chết bởi thời điểm mang hoa ra chợ Tết còn cả chục ngày nữa. Tại xã Thạnh Phước (Bình Đại, Bến Tre) đã có hơn 350ha muối bị ảnh hưởng nặng, giảm 50% năng suất. Trong khi đó ở xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri diêm dân bị mất trắng gần 130 tấn muối sắp thu hoạch.

Nông dân Bến Tre đang nơm nớp mặn- hạn gia tăng áp lực trong những ngày tới. Hiện mặn tại tỉnh này đã vào vùng ngọt hơn 10km và sớm hơn nửa tháng so năm 2009. Thực tế ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã có lúa bị nhiễm mặn chết. Dự kiến gần Tết Nguyên đán, các huyện ven biển Bến Tre sẽ bị nước mặn tấn công sâu vào ruộng vườn và từ sau tháng 3/2010 mặn thật sự hoành hành mạnh ở một số vùng ngọt.

Theo ghi nhận của Chi cục Thuỷ lợi Bạc Liêu, lượng mưa đo được trong hai ngày qua chỉ đạt mức 1mm chẳng thấm vào đâu trước nguy cơ nước mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông. Tương tự tại Trà Vinh, người dân cho biết nước mặn đã xâm nhập sâu theo các cửa sông vào đất liền hơn 40km. Nồng độ mặn đo tại các cống ngăn mặn các cửa sông tăng lên cao hơn bình quân cùng kỳ năm trước 1,5%0.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, các cửa sông ở ĐBSCL đầu năm 2010 có độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2009. Dự báo độ mặn cao nhất vào khoảng tháng 4 đến giữa tháng 5/2010 với nồng độ 4%0 và xâm nhập sâu vào vùng nội địa 40- 50km. Trong khi đó, Cục Trồng trọt dự báo tới tháng 3/2010 ĐBSCL có khoảng 800.000 ha lúa bị mặn đe dọa.

Chưa dừng lại, trong mấy ngày qua mặn đang bức bách vùng Tây sông Hậu. Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Thuỷ lợi Hậu Giang vừa khảo sát tại các vùng báo động nhiễm mặn tại Long Mỹ, Vị Thanh về cho biết, hiện thời nước mặn vẫn lăm le vào các cửa sông từ hướng sông Cái Lớn. Mặn đã tới sớm hơn 15- 20 ngày so năm ngoái tại các xã Hoả Tiến, Lương Tâm thuộc huyện Long Mỹ, nồng độ 1,3-1,7%0. Nếu độ mặn tăng lên 3%0 sẽ thật sự gây ảnh hưởng tới 5.000ha lúa và vùng nuôi thuỷ sản ngọt ở hai huyện Long Mỹ, TX Vị Thanh.

Song điều đáng lo là từ năm ngoái mặn đã dấn sâu theo kênh xáng Xà No qua TX Vị Thanh thì năm nay khả năng mặn xâm nhập tới Vị Thuỷ và thị trấn Long Mỹ là hoàn toàn xảy ra. Do đó, để đảm bảo nước ngọt cung cấp cho người dân Vị Thanh cần phải chuẩn bị đối phó ngay từ bây giờ. Các cơ quan chức năng tỉnh khuyến cáo nông dân đắp đập ngăn mặn tại các kênh đổ ra sông. Còn về lâu dài tỉnh Hậu Giang đã triển khai dự án đắp đê ngăn mặn 100km dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé để bảo vệ cho vùng lúa Long Mỹ, Vị Thanh.

Theo Chi cục Thuỷ lợi các tỉnh ven biển ĐBSCL, thông thường mấy năm trước hạn, mặn diễn biến sớm cũng từ sau Tết Nguyên đán. Thế nhưng trong hai năm qua chỉ bước sang tháng Chạp mặn đã tràn vào. Thời tiết ở ĐBSCL báo hiệu một năm mới với những thách thức khó lường.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.