| Hotline: 0983.970.780

Đắk Nông: Nguy cơ gần 31.000ha cây trồng bị hạn

Thứ Sáu 03/05/2024 , 17:38 (GMT+7)

Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, nếu thời gian tới nắng nóng tiếp tục kéo dài và ít mưa, địa phương này có gần 31.000ha cây trồng sẽ bị hạn.

Ngày 3/5, Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, địa phương hiện có khoảng 11.470ha cây trồng các loại đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước tưới, khiến năng suất giảm. Trong đó, huyện Krông Nô là địa phương có diện tích cây trồng thiếu nước nhiều nhất với 4.780ha.

Đối với nước sinh hoạt, toàn tỉnh có khoảng 600 hộ dân đang bị thiếu nước. Hiện nay, có 2 công trình cấp nước tập trung ở xã Đắk Gằn và xã Đắk R’la (huyện Đắk Mil) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Nông quản lý đang sử dụng nguồn nước mặt lấy từ hồ Đô Ri II nhưng hiện nay mực nước hồ đã hạ thấp, không đảm bảo nước cho hố thu nước của công trình. Trung tâm đang thực hiện nối dài ống bơm ra phía lòng hồ để thực hiện bơm cấp nước.

Tại công trình cấp nước tập trung xã Đắk N’Rung (huyện Đắk Song) cũng đang thiếu hụt nguồn nước ngầm. Công trình có 4 giếng khoan nhưng hiện nay chỉ còn 2 giếng có nước, không đủ nguồn đầu vào để xử lý cấp nước cho người dân trong khu vực.

Khoảng hơn 30 nghìn ha cây trồng tại Đắk Nông bị ảnh hưởng của hạn hán. Ảnh: Quang Yên.

Khoảng hơn 30 nghìn ha cây trồng tại Đắk Nông bị ảnh hưởng của hạn hán. Ảnh: Quang Yên.

Đối với các hồ chứa, đến thời điểm hiện tại, có 34 công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước. Trong đó, huyện Đắk Mil có 19 công trình, huyện Krông Nô 4 công trình, Đắk Song 3 công trình, Đắk R’lấp 3 công trình và Tuy Đức 5 công trình.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, qua đánh giá, tình hình thời tiết mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh phổ biến khô hanh, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm không khí thấp. Đến nay tại các địa phương đã xuất hiện mưa, tuy nhiên tác động không nhiều, dẫn đến cây trồng vẫn đang trong tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới.

Theo ông Dần, tổng lượng mưa từ tháng 12/2023 đến hết tháng 4/2024 phổ biến đạt 10mm - 70mm, thấp hơn sơ với cùng kỳ từ 29 - 94%. 

Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Nông, từ nay đến nửa đầu tháng 5/2024, mực nước trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh tiếp tục dao động theo xu thế giảm; tình trạng cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nước cục bộ trên một số sông, suối nhỏ tiếp tục diễn ra.

Thời gian tới, nếu thời tiết không thuận lợi, tiếp tục nắng nóng kéo dài, trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực với diện tích khoảng 30.854ha cây trồng các loại.

Tại Đắk Nông đã có 34 hồ chứa cạn nước. Ảnh: Quang Yên.

Tại Đắk Nông đã có 34 hồ chứa cạn nước. Ảnh: Quang Yên.

Theo dự báo, mực nước và lưu lượng các sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục dao động theo xu thế giảm, đặc biệt tại khu vực phía bắc tỉnh nguồn nước tại nhiều suối nhỏ đã bị cạn kiệt. Mực nước ngầm tụt giảm nhanh, một số giếng khoan, giếng phục phụ sinh hoạt và sản xuất đã xuống thấp và một số đã cạn kiệt, không đủ nước bơm tưới cho cây trồng.

Để ứng phó với hạn hán, ông Lê Quang Dần cho biết, Đắk Nông đã chủ động lắp đặt các trạm bơm dã chiến, bơm tận dụng dung tích nước chết tại các hồ chứa, tiến hành bơm truyền nước từ các hồ có dung tích lớn điều tiết nước về các hồ chứa có dung tích nhỏ không đảm bảo nguồn nước.

“Trước mắt, các địa phương phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, áp dụng phương pháp tưới luân phiên, tiết kiệm nước, hạn chế thất thoát nước, đồng thời có biện pháp chống thấm, giảm lượng nước rò rỉ. Ban quản lý Dự án SACCR của tỉnh Đắk Nông sẽ triển khai thi công ao hồ nhỏ để phục vụ sản xuất, đảm bảo đúng tiến độ, hoàn thành 127 ao trong năm 2024”, ông Dần thông tin.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.