Ngày 3/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị lấy ý kiến 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các chuyên gia và đơn vị liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định thí điểm chuyển nhượng kết quả chi trả tín chỉ carbon thuộc Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là nghị định thí điểm).
Dự thảo nghị định do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện. Trong đó, hoạt động trực tiếp đóng góp giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Áp dụng các quy trình canh tác bền vững, tiên tiến; hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, quản lý nguồn nước, giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa; thu gom, xử lý phế phụ phẩm, rơm rạ sau thu hoạch; ứng dụng các biện pháp khác để đạt tiêu chí tăng trưởng xanh.
Nguyên tắc chuyển nhượng được xác định dựa vào thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính trong chương trình tài chính chuyển đổi carbon (TCAF). Nguồn vốn này được ủy thác qua Ngân hàng Thế giới nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thỏa thuận này đã được ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới.
Đối tượng được hưởng lợi lớn và tối đa nhất trong quá trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải được các đại biểu đưa ra là các tổ chức kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã) và thành viên HTX trực tiếp tham gia sản xuất lúa giảm phát thải.
Dự kiến các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ chi trả cho các hoạt động tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; đào tạo, tập huấn thành viên thực hiện quy trình canh tác giảm phát thải hoặc quản trị chế biến rơm rạ, đa dạng hóa sinh kế, phát triển kinh tế tuần hoàn; công tác tổ chức đăng ký, giám sát, đánh giá, xác nhận kết quả giảm phát thải; chuyển giao ứng dụng công nghệ mới; phát triển liên kết, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo phát thải thấp.
Ngoài ra, từ nguồn vốn này, các tổ chức kinh tế hợp tác cũng sẽ được đầu tư vận hành hệ thống tưới đảm bảo quy trình canh tác lúa giảm phát thải. Các thành viên HTX trực tiếp tham gia canh tác lúa giảm phát thải sẽ được trích một phần kinh phí từ số tiền thu được thông qua việc chi trả giảm phát thải khí nhà kính.
Khoản hỗ trợ này sẽ được chuyển trực tiếp cho các thành viên HTX dựa trên mức độ đóng góp vào kết quả giảm phát thải và diện tích tham gia canh tác. Đây sẽ là nguồn hỗ trợ cần thiết để bà con đầu tư trang thiết bị sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải.
Về phía doanh nghiệp, khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được quảng bá, xây dựng thương hiệu lúa gạo phát thải thấp và các sản phẩm chế biến từ rơm rạ.
Từ những ý kiến đóng góp của các địa phương, chuyên gia, viện nghiên cứu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhanh chóng điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo. Sau đó, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các bộ ngành liên quan và Ngân hàng Thế giới để thống nhất nội dung dự thảo, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.