| Hotline: 0983.970.780

Đi câu trên đảo Hoàng Sa và chuyện kéo co với cá dữ

Thứ Ba 09/01/2018 , 14:30 (GMT+7)

Ông Trần Hòa là nhân chứng từng đóng quân ở đảo Hoàng Sa trước năm 1975. Câu chuyện của ông Hòa giúp mọi người “chạm” được vào đảo Hoàng Sa, yêu quý mảnh đất chủ quyền thiêng liêng.

Cúng ông bà Hoàng Sa

Lúc 14 giờ vào một ngày gần cuối năm 1973, tàu Hương Giang 404 chở lính quân dịch xuất phát từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa để đồn trú, thay quân. Chàng thanh niên Trần Hòa năm đó 20 tuổi, là nhân viên y sĩ. Anh rất háo hức với chuyến đi này, nên vội trèo lên nóc ca bin để nhìn đàn cá heo bơi lội, đàn cá chuồn bay khắp mặt biển. Trên tàu có nhiều người quê ở miền biển, nên khung cảnh này trở nên quen thuộc. Còn quê ông Trần Hòa ở thị trấn Nam Phước, huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, xuất thân từ nhà nông, nên biển cả đối với ông thật hùng vĩ và lạ lẫm.

1-ong-trn-ho-nho-li152302774
Ông Trần Hòa với hồi ức hơn 92 ngày sống ở Hoàng Sa

Tàu ra tới đảo vào lúc trời vừa hừng đông, cả đảo nhộn nhạo để vận chuyển lương thực và thuốc men xuống ca nô đưa lên đảo. Đảo chỉ có rau sam nên mang theo đỗ xanh gieo giá. Tiếng lợn kêu réo làm mọi người nhớ đến khung cảnh ngày đến và ngày đi. Vì mỗi khi những người giữ đảo ra thay thì bao giờ cũng chở theo 2 con lợn béo. Ngày mới ra đảo thì sắp bàn thờ làm lễ cúng ông bà, vái lạy vong linh những người lính thú đã bỏ mạng khi phụng mệnh triều đình ra giữ đảo năm xưa. Đến khi thay quân thì cũng làm thịt một con lợn để làm lễ tạ ơn ông bà Hoàng Sa để gia ơn phù hộ cho mọi người bình an trở về với quê hương.

Trong lễ cúng, mọi người không quên thắp hương cho miếu bà nằm ở một góc đảo, thắp hương cho nhiều ngôi mộ của những người lính và nhân viên công lực khi ra đảo công tác bị mắc bệnh chết đột tử. Những ngôi mộ này có chôn xác, nhưng bề ngoài trông giống như những ngôi mộ gió. Mộ không có bia, không tên tuổi, không một cây thánh giá. Vì trên đảo không có vật liệu gì để khắc tên những người đã tử nạn, nên họ đều có tên chung với ông bà Hoàng Sa. Còn miếu bà có tượng giống tượng quan âm, đầu đội chiếc khăn đỏ, 2 bên tượng là chiếc giá đựng các loại binh khí thời xưa.

Sau lễ cúng tạ, con tàu chở những người giữ đảo chạy quanh đảo một vòng, hụ vài hồi còi dài rồi hướng vô đất liền. Đảo buồn, nhưng ông Võ Vĩnh Hiệp là nhân viên của Trạm khí tượng Hoàng Sa đã khuấy đảo không khí bằng cây đàn và giọng hát cao vút. Ông Hiệp đàn hay, hát hay. Ông có dáng đi hơi sẹo, tính cách vui nhộn. Ông thường cười khà khà và gọi cây đàn của mình là Hạ uy dê.
 

Đánh đu với cá trên nhà giàn

Trên đảo vắng, những người giữ đảo xuất thân từ miền biển đã nghĩ ra cách để tiêu bớt thời gian, có thêm công ăn việc làm. Đó là đến khu vực Công ty khai thác phân chim trên đảo đã bỏ hoang để bẻ các thanh ray, ra biển dựng thành 5 chòi câu cá. Chòi câu cá cách bờ 700 mét. Các thanh ray được đan chéo và cắm xuống bãi rạng, phía trên lót thêm ván và làm mái để trụ lại qua đêm. Hoàng Sa vào thời đó là thiên đường của cá. Cứ ném câu xuống là dính cá. Cá dữ ở Hoàng Sa cũng khá nhiều. Cá mập, cá mó, cá dóc, cá mú đi thành đàn.

Chàng thanh niên Trần Hòa háo hức với trò câu cá, nên xin ra chòi ở lại một đêm cho biết. Anh em cả nể ông Hòa là y tá nên nói gì thì cũng đồng ý. Vì ông Hòa gần như không biết bơi nên từ bờ ra chòi câu, ông được ưu tiên ngồi trên một chiếc chậu để vài người bơi đẩy ra mãi ngoài biển.

Màn đêm buông xuống, chương trình câu cá đêm ở chòi bắt đầu. Cá dữ bắt đầu vào sát đảo và cắn câu. Chiếc dây câu căng như dây đàn. Mọi người ước chừng con cá này phải to như cái bàn nên 3 người xúm vào giữ dây câu, buộc vào chân chòi. Nhưng chiếc chòi bỗng dưng bị đu đưa như một cái võng vì con cá quá to. Mọi người hốt hoảng la to “cắt dây cho nó đi, kéo nó vô thì cũng không có đồ để mà đâm”. Vậy là qua được cảm giác thót tim trên chòi câu.

Đi câu trên đảo Hoàng Sa, người thanh niên tên Huế (quê ở Huế) đã khởi đầu việc câu bằng cách bắt ruồi móc vào lưỡi câu để câu cá mó, sau đó móc mắt cá mó làm mồi câu cá mú, móc mang cá mú để làm mồi câu các loại cá khác. Cá mú ở Hoàng Sa là loại đặc sản thượng hạng, có con to, nặng khoảng 50 kg. Ngư dân Trung Quốc thường lén chạy vào khu vực đảo để câu cá mú và nuôi sống dưới tàu.
 

Hoàng Sa của Việt Nam

Những người giữ đảo không có ca nô đi tuần tra nên chỉ có thể quan sát mặt biển nắm tình hình và chốt giữ trong bờ. Ngư dân ở đảo Lý Sơn làm nghề lặn thỉnh thoảng mới chạy qua đảo. Còn tàu cá của ngư dân Trung Quốc thường lén lút vào câu cá mú sống. Cứ nửa tháng, tàu Trung Quốc lại chạy loạn một lần vì tàu Hải tuần ở Đà Nẵng ra tuần biển và bắt giữ tàu cá Trung Quốc xâm phạm chủ quyền móc vào sau tàu kéo vô bờ xử lý.

2-do-gieng-nuoc-ngot-tren-do-hong-s-nh-chup-nm-1940152302809
Đào giếng trên đảo Hoàng Sa - tư liệu

Ông Hòa ở trên đảo được 3 tháng 2 ngày thì phát hiện vụ việc ngư dân Trung Quốc vào đảo đánh cá. Một tàu cá Trung Quốc vào gần đảo Hoàng Sa, thả xuồng đi đánh lưới bao quanh đảo. Mọi người trong đảo lập tức cử 2 người mang súng trên đầu và trùm vải dù, lần theo mép sóng tiến về hướng tàu Trung Quốc. Còn một tổ 3 người phục trong rừng cây. Khi 2 người áp sát được xuồng lưới Trung Quốc thì bất ngờ tốc bạt, bắt bắt giữ ngư dân Trung Quốc, sau đó chèo xuồng ra bắt thuyền trưởng vào đảo.

Thuyền trưởng người Trung Quốc mặt tái mét, run lẩy bẩy và thừa nhận đã phạm lỗi xâm phạm đảo của Việt Nam, do thiếu hiểu biết. Ngư dân Trung Quốc xin lỗi sẽ không bao giờ tái phạm lần nữa. Những người giữ đảo đã cảnh cáo các ngư dân Trung Quốc vi phạm, sau đó tặng một bình rượu Sika, cho thêm lương thực trước khi phóng thích. Còn các ngư dân Trung Quốc đã cảm tạ bằng cách ra tàu chở cá vào tặng trước khi rời đảo.

Các ngư dân Trung Quốc rời đảo và chỉ sau đó vài tiếng, họ tiếp tục được những người Việt Nam ra tay cứu sống cả gia đình và đưa vào đảo chăm sóc.

Xem thêm
Chọn phương án tối ưu để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước dừng hoạt động

Chiều 6/1, Thủ tướng chủ trì phiên họp thảo luận việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nông nghiệp Bình Dương đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm

Năm 2024, ngành NN-PTNT tỉnh Bình Dương đạt nhiều thành tựu nổi bật, duy trì đóng góp từ 18.000-19.000 tỷ đồng/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Điều tra việc đào bới trái phép mộ chúa Nguyễn Phúc Khoát

Nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ xấu đào bới trái phép. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.