| Hotline: 0983.970.780

Dốc Mây xa thẳm

Thứ Sáu 11/03/2011 , 08:30 (GMT+7)

Bản Dốc Mây có 16 hộ, 78 khẩu nằm cách biên giới Việt - Lào tầm “một quăng rạ” như đồng bào vẫn thường nói...

Sáu giờ sáng, thượng uý Thành gọi chúng tôi dậy, sau khi ăn vội vã bát mỳ tôm, chúng tôi tạm biệt đôi vợ chồng chủ nhà tốt bụng ở bản Rìn Rìn rồi khoác ba lô lên đường, trực chỉ Dốc Mây.

>> Heo hút dưới chân Trường Sơn

1. Càng đi sâu vào rừng, lối càng hẹp thêm, nếu như không có một người rành đường như thượng uý Thành, chắc chúng tôi phải bỏ dở chuyến hành trình. Gần trưa, bản Dốc Mây hiện ra trước mặt. Bản có địa thế rất đẹp, toạ lạc trên một vùng đất khá bằng phẳng, trước mặt và bên hông của bản là con suối nước trong xanh bốn mùa. Những ngôi nhà sàn nho nhỏ nằm khiêm tốn dưới những tán cây mít dễ chừng 20 năm tuổi. Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là từng đàn bò béo tốt tụ tập quanh bản. Nhiều con nằm phơi nắng giữa khoảng đất trống; có con chui cả vào gầm nhà sàn thân thiện chơi đùa với lũ trẻ con. 

Đường vào bản Dốc Mây

Cách đây ba năm, đại uý Nguyễn Văn Việt, Đội phó Đội vận động quần chúng; thượng uý Trần Văn Chung, thầy giáo quân hàm xanh vào bám bản Dốc Mây. Ngày đó, bây giờ nghe kể lại chúng tôi không khỏi chạnh lòng. “Lúc lính biên phòng vào, thấy quang cảnh sợ lắm, người ở chung với trâu bò. Trẻ con tóc cháy, không có áo quần để mặc; người dân đau ốm, sốt rét dài ngày nhưng không điều trị, chỉ tin vào ma chay, cúng bái. Toàn bản lâm vào cảnh thiếu ăn, đói cơm, rách áo quanh năm. Đêm nằm, bọ chét rúc ráy, bọ mắt cắn liên tục…Nắm được thông tin, chúng tôi thông báo về đồn, lãnh đạo cho chiến sỹ gùi gạo, thuốc men vào phát, khám chữa bệnh cho bà con. Từ đó, chúng tôi ở lại “bốn cùng” với Dốc Mây”, đại uý Việt kể.

Quá khứ cũng trở về với người thầy giáo quân hàm xanh Trần Văn Chung: “Năm học đầu tiên vui lắm anh à! Thầy không rành tiếng Vân Kiều. Trẻ không hiểu tiếng Kinh, không tài nào dạy được. Thầy nhanh trí dùng các động tác hình thể, kết hợp với hình vẽ trong sách giáo khoa. Theo thời gian, thầy và trò hiểu nhau, gần gũi nhau hơn”. Lớp học giữa rừng sâu do thầy Chung làm chủ nhiệm rất linh động: trẻ từ 6 đến 14 tuổi học ban ngày. Thanh thiếu niên, phụ nữ, người già cũng được thầy vận động tranh thủ xoá mù ban đêm. Trẻ yêu cái chữ nhưng chưa quen cầm bút hơn con dao, cái cuốc. Vật lộn với con chữ mệt quá, chúng trốn biệt, chỉ tội thầy phải lặn lội đến từng nhà động viên. Còn người lớn thì biết viết được cái tên của mình là thầy giáo hạnh phúc lắm rồi. “Bốn cùng” với dân bản Dốc Mây, thầy Chung trở thành người con của bản lúc nào không ai biết nữa. Tiếng Vân Kiều thầy nói trôi chảy, những lúc bên ché rượu cần người già vui, vuốt râu khen: “Bộ đội Chung là đứa con cưng của bản Dốc Mây này”. Nhiều lần về xuôi, thầy quay lại bản, ngoài đồ dùng dạy học, thầy còn mua thêm kim, chỉ, cây dao, chiếc kéo, kẹo, bánh, thuốc men. Học trò đến lớp, giờ nghỉ lao, thầy kéo ra bờ suối, cắt tóc, tắm rửa, gội đầu. Chấy rận trên người bọn trẻ hết dần.

 Trẻ em bản Dốc Mây đang chờ cái chữ

Bây giờ thầy giáo Chung không dạy chữ ở Dốc Mây nữa, người lớn, trẻ con bản Dốc Mây ngơ ngẩn buồn. Gia cảnh thầy neo đơn quá, vợ mất do cơn bạo bệnh, một tay anh nuôi hai con thơ dại. Lãnh đạo Đồn 597 thương anh, bố trí về công tác gần đồn để có thêm điều kiện chăm sóc con cái. Ngày thầy Chung nói lời chia tay bản Dốc Mây, dân bản đưa tiễn thầy, ai cũng khóc.

2. Bây giờ bản Dốc Mây đã khác xưa nhiều, cho dù cái nghèo vẫn hiện hữu nơi bản làng sâu hun hút trong rừng già này. Cả bản hiện tại có trên 100 con bò; nhiều nhà nuôi đến 10 con như: Hồ Lay, Hồ Hưng, Hồ Nhôồng... "Từ bao đời nay, dân bản Dốc Mây vẫn theo tập quán sản xuất chặt- đốt- cốt- trỉa, tự cung tự cấp. Một năm, thiếu ăn đến năm tháng trời, như trước trời làm hạn nặng, lúa rẫy cháy khô, không cho được hạt mẩy, bà con buồn lắm, phải trông chờ vào gạo cứu trợ của cấp trên", trưởng bản Dốc Mây Hồ Hải cho chúng tôi biết như vậy.

Ở đây có một điều kỳ lạ là đồng bào không bao giờ nhớ nổi năm sinh của mình và người thân. Ngay như  trưởng bản Dốc Mây Hồ Hải đã có ba mặt con mà chẳng biết ngày sinh của từng đứa. Đứa con gái thứ ba mới chừng 4 tháng tuổi, đẻ vào dịp trời hạn nặng, Hải đặt luôn tên cho con là Hồ Thị Hạn. Hồ Hải khoe: “Bản mình có 3 nhà dùng điện thắp sáng. Chỉ cần một cái mô tơ, ngăn con suối lại, dùng sức nước quay mô tơ là có điện. Có điện, hai hộ xài ti - vi là Hồ Lay và Hồ Hưng, cả bản thêm 3 cái đài cát- sét nữa”.

 Một góc bản Dốc Mây

Sau khi bộ đội Chung dạy phổ cập xong mức II cho dân bản Dốc Mây, Đồn biên phòng 597 bàn giao lại cho Trường tiểu học Trường Sơn tiếp tục vào duy trì lớp học. Trưởng bản Hồ Hải thương con em không có trường lớp, tự nguyện hiến cho bản bộ khung nhà gỗ, bà con góp ngày công cất lên ngôi trường nho nhỏ. Ngày thầy giáo cắt rừng lên dạy chữ thay bộ đội Chung, dân bản mừng. Cái bụng mừng đâu chỉ một thời gian, dân bản buồn vì không thấy thầy giáo quay lại sau khi về xuôi nghỉ hè. Ngôi trường của bản từ đó bỏ hoang cho bò, dê vào ở. Những bộ bàn ghế bà con thắt lưng, buộc bụng sắm cho con em ngồi học giờ làm thức ăn cho mối mọt. Lũ trẻ nhớ con chữ hay xuống trường chơi. Còn chúng tôi đến thăm trường, trên tấm bảng đen lem hem còn sót dòng chữ: “Thứ 5 ngày 13 tháng 5 năm 2009”. Từ đó đến nay không có thầy, học trò quên luôn con chữ. Chú bé Hồ Chiếu, 15 tuổi, học lớp hai thì nghỉ vì không thầy, tôi hỏi em còn nhớ mặt chữ nào không, Hồ Chiếu lắc đầu, con chữ đã tuột qua bên kia Dốc Mây mất rồi. Rất may, tại nhà Hồ Lay, khi tôi hỏi các con của ông ai còn biết chữ, Hồ Lay chỉ vào đưa con gái út Hồ Thị Lành. Tôi đưa sổ và cây viết, cô bé bặm môi, gồng tay hồi lâu mới viết xong cái tên của mình: Hồ Thị Lành.

Dốc Mây nghèo nhưng sống nghĩa tình, đoàn kết. Trưởng bản Hồ Hải khẳng định với tôi như vậy, rồi anh dẫn chúng tôi đi về phía nhà Hồ Phươn, một gia đình nghèo nằm cuối bản, anh kể: “Hồ Phươn là bố Hồ Thị Vai, cháu gái 3 năm trước, cán bộ Chung cứu sống đó. Năm đó, Vai bị đau bụng mà bố nó không cho uống thuốc, lại rước thầy mo tận bên Lào về cúng bái, đuổi tà ma… giết hết lợn, hết gà cho thầy rồi mà bệnh con gái mỗi ngày một nặng thêm. Thầy Chung biết, đến cho cháu uống thuốc, rứa mà lành bệnh.

 Trên đường về xuôi, phải chạy đua với lũ rừng đang dâng cao

Bản Dốc Mây có 16 hộ, 78 khẩu nằm cách biên giới Việt - Lào tầm “một quăng rạ” như đồng bào vẫn thường nói. Dốc Mây nơi đời sống bà con dân tộc Vân Kiều ngày ngày vẫn hồn nhiên như cây cỏ, ít bị tác động, chi phối của thế giới văn minh. Những người thân thuộc nhất với bà con phần lớn là bộ đội biên phòng Đồn 597- Làng Mô. Đám trẻ con của bản nghe tin bộ đội lên là chạy ùa ra quây lấy, hồ hởi nhận quà khi thì túi bánh, khi thì những viên kẹo ngọt lừ…

Từ dạo đó kinh tế nhà Hồ Phươn xuống dốc hẳn, mấy năm nay hắn lại bị đau nằm một chỗ nên nghèo càng nghèo thêm. Mùa mưa sắp đến gần, nhà Hồ Phươn lại rách nát, mình suy nghĩ nhiều rồi họp dân bản lại bàn góp công góp sức làm nhà cho hắn”. Hồ Hải chỉ cho chúng tôi căn nhà mới cất chưa kịp che chắn. Trên đó, Hồ Phươn nằm, oằn mình vì những cơn đau. Cuối năm ngoái, Hồ Phươn lại bị liệt nửa người, nay chỉ nằm một chỗ. “Chắc lại phải nhờ dân bản khiêng hắn về xuôi thôi - Hồ Hải nói - Hắn có cái thẻ BHYT nhưng không có tiền về xuôi. Đường rừng xa xôi quá, đau yếu như hắn kể cũng thiệt tội”. Hồ Hải xót xa nắm lấy bàn tay Hồ Phươn, nghe tiếng Hồ Phươn thều thào: “Tao biết ơn dân bản nhiều vì đã cho tao ngôi nhà mới tránh mưa, tránh nắng”.

3. Dốc Mây trời về chiều. Những tiếng sấm dậy từ phía bên kia biên giới. Mế già Hồ Thị Thứi, mẹ của Hồ Hải lên tiếng giục chúng tôi: “Bây làm việc mau mau mà quay ra, mưa rừng sắp đến rồi đó. Ra không kịp, con nước dữ lên tràn các khe suối… sẽ phải ở lại, ở lại bản cả tuần, thậm chí cả tháng”. Không biết mế Thứi có đùa hay không, nhưng nhớ lại lời dặn dò của thượng tá Chương trước lúc lên đường, chúng tôi đành tạm biệt Dốc Mây để quay ra.

Trên đường quay ra, mưa đuổi sau lưng, dù đôi chân thấm mỏi sau hai ngày đi bộ, nhưng vẫn bước gấp gấp. Sau lưng Dốc Mây xa thẳm khuất dần giữa đại ngàn Trường Sơn. Chúng tôi lội qua con suối, nước dâng lên đến đầu gối. Qua đến bờ bên này quay đầu nhìn lại đã thấy nước dâng lên ngang nửa thân hàng cây đùng đình ven bờ suối… (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm