Chủ nghĩa cực hữu lan rộng
Ngày 18/12, đảng Tự do cực hữu (FPO) đã chính thức tuyên thệ để trở thành một phần trong chính phủ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Sebastian Kurz. Ông Kurz, 31 tuổi, vừa nắm quyền lãnh đạo đảng Dân chủ Nhân dân (FPO) hồi tháng 5 và lập tức đưa đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10 vừa qua, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trên thế giới và ở Áo.
Thủ tướng Sebastian Kurz đã thành lập liên minh trong chính phủ Áo với đảng cực hữu FPO |
FPO và OVP được mô tả là giống nhau đến 75% trong các quyết sách lớn của quốc gia, nhưng tập trung ở quan điểm phản đối người nhập cư, cắt giảm thuế cũng như quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Dù khẳng định lập trường ủng hộ EU nhưng cả ông Kurz và thủ lĩnh FPO, Heinz-Christian Strache đều cho rằng, các nước thành viên cần được gia tăng quyền tự chủ.
Ông Kurz từng tuyên bố, EU chỉ nên tập trung vào những quyết sách lớn, giảm bớt can thiệp những vấn đề nhỏ. Giữa đôi bên chỉ có một chút khác biệt, như ông Kurz vẫn ủng hộ EU duy trì các lệnh cấm vận Nga do việc sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine, trong khi FPO muốn gỡ bỏ nó. Cả hai cùng chung quan điểm không công nhận thành viên đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
FPO và OVP đặc biệt trùng nhau ở quan điểm phản đối người nhập cư. Theo AFP, cả hai tin rằng Áo và châu Âu không thể lặp lại tình trạng như năm 2015, khi dòng người nhập cư tăng kỷ lục. Trong một phát biểu đưa ra hồi tuần trước, ông Strache đã tuyên bố “không có chỗ ở châu Âu” cho người Hồi giáo, đồng thời gọi Thủ tướng Đức Angela Merkel là “người đàn bà nguy hiểm nhất châu Âu” do chính sách hỗ trợ người tị nạn. Trên trang cá nhân Facebook có hơn 750.000 người theo dõi, ông Strache hôm 17/12 cho biết: “Sẽ không có chuyện những người tị nạn vốn chẳng làm việc một ngày nào hoặc đóng góp đồng nào vào hệ thống xã hội, lại giành hàng nghìn euro phúc lợi”. Dòng “tút” của ông Strache có hơn 4.000 “likes”.
AFP cho biết trong chính phủ mới của Áo, FPO sẽ chiếm 6 vị trí gồm cả quốc phòng và ngoại giao, trong khi OVP chiếm 8 ghế của các Bộ Tài chính, Kinh tế, Tư pháp…Việc FPO nắm ghế ở chính phủ Áo được mô tả là một chiến thắng mới của phe cực hữu châu Âu, sau các nước Hà Lan, Pháp và Đức. Thủ lĩnh đảng Mặt trận quốc gia cực hữu Pháp, Marine Le Pen đã gọi việc FPO nắm ghế ở chính phủ Áo là “tin tức tốt lành đối với châu Âu”, và rằng kết quả các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia cho thấy cùng một sự từ chối quyền lực của Hội đồng châu Âu.
Thật trùng hợp khi cùng thời điểm FPO và OVP thành lập liên minh, tại Đức cũng diễn ra buổi tưởng niệm 1 năm ngày các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ tấn công vào một khu chợ giáng sinh ở thủ đô Berlin, khiến 12 người thiệt mạng. Mặc dù ít nhất đã 4 lần thăm nơi này, gồm lần gần nhất hồi tuần trước khi chợ mở trở lại, đây là lần đầu Thủ tướng Angela Merkel gặp trực tiếp gia đình các nạn nhân vụ tấn công. Bà Merkel đã bị một số chỉ trích vì thiếu trách nhiệm đối với người thân các nạn nhân nói trên. Chính sách ủng hộ người tị nạn cũng là một trong những yếu tố khiến bà Merkel đối diện là sóng phản đối ở Đức.
Nguy cơ khủng bố
Hồi tháng 11, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về khả năng xảy ra tấn công ở châu Âu trong dịp giáng sinh và năm mới. Cảnh báo an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các nước châu Âu có thể là mục tiêu tấn công của những tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS).
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển hay Nga là dấu hiệu cho thấy, các tổ chức trên đang hoạt động rất mạnh. Đặc biệt, sau khi đánh bại ở Iraq và Syria, IS đang mở hoạt động tấn công qua các nước châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Hiện, nhiều quốc gia châu Âu đã bắt đầu nâng cao cảnh giác về an ninh.