| Hotline: 0983.970.780

Thử thách lớn với bà Angela Merkel

Thứ Hai 20/11/2017 , 11:05 (GMT+7)

Bà Angela Merkel được dự báo sẽ phải đối diện nhiệm kỳ cam go nhất trên cương vị Thủ tướng sau 12 năm liên tiếp cầm quyền ở Đức. Lý do chính bởi sự xác cách quá lớn về chính trị giữa các đảng trong liên minh đang đàm phán.

Cuộc bầu cử hồi tháng 9 đã kết thúc với chiến thắng giành cho liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel. Mặc dù vậy, tỉ lệ 32,9% phiếu, sụt giảm mạnh so với kỳ bầu cử trước, bị đánh giá là một thất bại của CDU/CSU.

Người tị nạn Đức biểu tình yêu cầu được sớm đoàn tụ thành viên gia đình. Chính sách người tị nạn là vấn đề gây tranh cãi ở Đức

Ngay từ thời điểm trên, đã có những dự báo liên đảng cầm quyền sẽ gặp khó khăn trong việc đàm phán với các đảng khác để thành lập chính phủ mới nhưng ít ai nghĩ, tiến trình lại diễn ra nhiều chông gai đến thế.

Cụ thể là sau gần 2 tháng, liên đảng của bà Merkel vẫn chưa thống nhất được với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh. Hồi tuần trước, bà Merkel từng đặt ra cột mốc đàm phán vào ngày thứ Năm, nhưng quá thời hạn trên, các bên vẫn chưa nhất trí được với nhau. Tiến trình đàm phán vì vậy phải lùi sang cột mốc mới vào ngày Chủ nhật vừa qua.

Tuy nhiên, các dự báo trước thời điểm này là khá bi quan. Ông Alexander Dobrindt, một thành viên cấp cao của CSU thừa nhận, tình trạng hiện nay giữa các bên đang trong đàm phán là “khó khăn”. Phó chủ tịch FDP Wolfgang Kubicki thậm chí tỏ ra kém lạc quan hơn khi tuyên bố, nếu tới 18h chiều 19/11 (giờ địa phương) mà mọi chuyện vẫn chưa xong xuôi thì “tất cả coi như hỏng”. Kết thúc ngày đàm phán thứ Bảy tuần trước, đại diện CSU là ông Horst Seehofer đã trả lời báo giới gọn lỏn: “Chúng tôi còn cả quả núi cần vượt qua”.

Quá trình đàm phán kéo dài tới độ tờ AFP của Pháp mô tả, đây thực sự là một cuộc đua marathon của bà Angela Merkel cùng CDU/CSU. Sau 12 năm liên tiếp cầm quyền ở Đức, đây có lẽ là thời khắc khó khăn nhất đối với bà Merkel. Bất đồng giữa các đảng tập trung ở 2 vấn đề lớn là nhập cư và khí hậu.

AFP cho biết chính sách về người tị nạn trở nên nóng bỏng ở Đức sau khi nước này tiếp nhận hơn 1,2 triệu người nhập cư chỉ từ năm 2015 tới nay. Những lời chỉ trích nhằm vào chính phủ của bà Merkel tăng lên đồng thời với số lượng người nhập cư vào Đức, và đây bị xem là lý do dẫn tới sự vươn lên của đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) trong cuộc bầu cử vừa qua. CDU và đặc biệt là CSU đang thúc đẩy việc giới hạn lại số lượng người nhập cư mỗi năm ở mức 200.000 người. Tuy nhiên, kế hoạch trên không nhận được sự ủng hộ của đảng Xanh. Đảng này đồng thời kiên quyết với quan điểm người nhập cư có quyền đưa thành viên trong gia đình tới Đức để đoàn tụ.

Đối với vấn đề khí hậu, AFP cho hay Đức đang đứng trước nguy cơ “trượt” mục tiêu về giảm lượng khí carbon trong tương lai, khi hiện điện than vẫn chiếm tới 40% sản lượng điện ở nước này. Tất cả các đảng đều nhất trí về kế hoạch giảm lượng khí carbon tới năm 2020, nhưng lại không đồng thuận trong cách thức thực hiện. Đảng Xanh không chấp nhận đóng cửa 10 nhà máy điện than ô nhiễm nhất ở Đức thay vì 20 như kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, FDP và các đảng còn lại lo lắng việc này có thể tăng số lượng người thất nghiệp.

Các bên theo AFP, cũng bất đồng đối với một số vấn đề liên quan đến EU. Trong khi đảng Xanh ủng hộ kế hoạch về một khu vực tài chính chung của EU của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì CDU thể hiện sự hoài nghi còn FDP thậm chí phản đối. CSU đồng thời muốn thúc đẩy việc chấm dứt tiến trình đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, đảng Xanh thì cho rằng cần đề ngỏ cánh cửa với Ankara cho tới khi Tổng thống hiện thời, ông Tayyip Erdogan rời ghế.

Lãnh đạo SPD Andrea Nehlas đã mỉa mai trên tờ Funke, chính phủ của bà Merkel có thể là một liên minh thiếu niềm tin lẫn nhau khi mỗi đảng đều “chơi một lá bài riêng, không có đội ngũ chung”. Một ý kiến khác của chuyên gia phân tích chính trị Decker đặt ra câu hỏi về khả năng chính phủ liên minh có thể làm việc với nhau hết 4 năm của nhiệm kỳ phía trước hay không.

Tờ DW hôm qua đã đưa ra 3 khả năng cho kịch bản đàm phán thành lập liên minh thất bại. Đó là liên minh của bà Merkel sẽ phải hợp tác với đảng Xanh để thành lập chính phủ thiểu số hoặc bắt tay với SPD thành lập “Đại liên minh”. Khả năng thứ 3, xấu nhất, Đức sẽ phải bầu cử lại.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.