| Hotline: 0983.970.780

Góp ý sửa đổi Luật Đất đai: Chưa "chạm" đến vấn đề lớn

Thứ Hai 28/02/2011 , 09:48 (GMT+7)

Việc tổng kết và lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2003 là một cơ hội để các địa phương đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, phần lớn các góp ý chỉ dừng lại ở những vướng mắc, tồn tại mang tính sự vụ, cụ thể. Trong khi đó, hàng loạt vấn đề lớn được dư luận quan tâm như xóa bỏ hoặc nới rộng hạn điền, tích tụ đất đai... lại không thấy đề cập.

Việc tổng kết và lấy ý kiến sửa đổi Luật Đất đai 2003 là một cơ hội để các địa phương đóng góp ý kiến, kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, tại hội nghị mới đây được tổ chức ở Thái Nguyên và Phú Thọ, phần lớn các ý kiến chỉ dừng lại ở những vướng mắc, tồn tại mang tính sự vụ, cụ thể. Trong khi đó, hàng loạt vấn đề lớn được dư luận quan tâm như xóa bỏ hoặc nới rộng hạn điền, tích tụ đất đai...lại không thấy đề cập.

Sau khi chủ trì cuộc họp tổng kết và lấy ý kiến chỉnh sửa bổ sung Luật Đất đai năm 2003 tại Thái Nguyên, trao đổi với PV NNVN bên lề cuộc họp,  Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng, thành viên Ban chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2003 của Chính phủ, lắc đầu ngao ngán, nếu tỉnh nào cũng như Thái Nguyên, thì chẳng cần sửa Luật Đất đai làm gì!

Sở dĩ ông Hùng nói như vậy, bởi những vấn đề được đề cập tại cuộc họp, như một đại biểu khác "nói vui" là ý kiến đóng góp "tầm" nghị định, nên chỉ cần sửa nghị định là xong. 

Liên quan đến những tồn tại, bất cập trong quản lý đất đai, một vấn đề Thái Nguyên khiến lãnh đạo tỉnh này rất đau đầu, đó là chuyện “cầm đèn chạy trước ô tô”, diễn ra ở hầu hết các huyện, TP. Trước đây, khi chưa có quy hoạch, lãnh đạo địa phương đã khát khao thu hút đầu tư bằng mọi giá. Khi nhà đầu đầu tư đến khảo sát, cán bộ “vì dân vì nước” đã nhiệt tình chấp thuận đầu tư, không thì DN “chạy mất”. Nhưng khi quy hoạch xong, bỗng thấy khu đất đã đền bù và cho DN xây hạ tầng “phạm” vào quy hoạch. Lúc ấy, cán bộ lại “lôi nhau” ra kỷ luật.

Ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nêu một thực trạng của tỉnh này: 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có quy hoạch đất đai, nhưng không thống nhất số liệu. Để xảy ra hiện tượng này là xã quy hoạch trước, xã làm sau, đến lúc “khớp lại” trên một quy hoạch chung thì lại vênh số liệu. “Chất lượng quy hoạch sử dụng đất hạn chế, chưa lường hết những phát sinh về nhu cầu sử dụng đất. Ngoài ra, mốc ranh giới xác định địa giới của từng địa phương không thật rõ ràng dẫn tới những tranh chấp khó giải quyết”, ông Thuần nói.

Thái Nguyên là tỉnh có nền công nghiệp phát triển sớm, vì vậy, việc quy hoạch đất đai cho lĩnh vực này được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 và lấy ý kiến sửa đổi luật này vừa diễn ra, ông Vũ Bá Mười, Phó trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên cho biết, quy định là không lấy đất 2 lúa là KCN, nhưng thực tế thì hầu hết diện tích đất làm công nghiệp của Thái Nguyên từ trước đến nay đều lấy đất lúa, “nặng” nhất là KCN Sông Công. Tuy nhiên, lấy đất này giao cho DN đầu tư, nhưng lại sử dụng kém hiệu quả. Điển hình là việc có 1 DN được giao đất 4 năm nhưng không sử dụng, đến lúc Ban Quản lý KCN yêu cầu thu hồi, thì UBND tỉnh lại có công văn “đề nghị không được thu hồi”. “Như vậy, rõ ràng có sự chồng chéo trong quản lý đất đai. Cơ quan quản lý chuyên ngành không có quyền thu hồi, bởi UBND tỉnh can thiệp”, ông Mười thẳng thắn nói.

Tuy chuyện quản lý đất đai ở Thái Nguyên lùng bùng như vậy, song tại hội nghị này, khi được hỏi ý kiến về chỉnh sửa, bổ sung Luật Đất đai năm 2003, lãnh đạo tỉnh chỉ kiến nghị sửa điều 136 của Luật, nghĩa là sửa đổi quy định về tranh chấp đất đai ở… cấp xã. Trong cụm từ “quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng”, Thái Nguyên đề nghị thay bằng cụm từ “quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật”.

Phải nới hạn điền

So với Thái Nguyên, những đề xuất của Phú Thọ thực hiện cặn kẽ và tỷ mỷ hơn. Có đến gần 20 điều của luật được lãnh đạo tỉnh kiến nghị sửa, trong đó nổi bật lên việc quy định về người sử dụng đất, nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai và đặc biệt là vấn đề tổ chức kinh tế góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên doanh giữa bên Việt Nam với nước ngoài, giữa người Việt Nam với người Việt Nam định cư ở nước ngoài… “Việc góp vốn bằng tài sản là quyền sử dụng đất của nông dân cần được quy định lại cụ thể trên cơ sở pháp lý. Ví dụ như chuyện nông dân Tây Bắc góp với các DN cao su bằng sổ đỏ đất rừng là rất tốt, nhưng hạn chế là đất rừng chỉ được cấp quyền sử dụng 30-50 năm. Do vậy, cần kéo dài thời gian, tức là kéo hạn mức đến hơn 50 năm, thậm chí cả trăm năm…”, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất.

Đối với Nghị định 69 của Chính phủ, quy định về việc nhà đầu tư phải thỏa thuận với dân khi bồi thường, GPMB, ông Nguyễn Đình Phúc cho biết, từ trước đến nay, tỉnh Phú Thọ chưa bao giờ triển khai được việc thỏa thuận này và đề nghị sửa đổi. “Ngay từ khi soạn thảo, UBND tỉnh Phú Thọ đã không đồng ý nghị định này, vì thực tế cho thấy, không thể thỏa thuận với dân theo cách đó được, rất khó GPMB. Chúng tôi cho rằng, cần quy định việc áp dụng giá cá biệt đối với từng dự án, từng vị trí cụ thể trong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thay vì thỏa thuận”, ông Phúc đề xuất.

Theo ông Phúc, nếu không nới rộng hạn mức thời gian cho việc giao khoán, thì khó có thể kéo được DN đầu tư vào khu vực tam nông. “Từ trước đến nay, DN đầu tư vào lĩnh vực này rất ít. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì khó có thể thu hút nhà đầu tư. Cứ sử dụng đất kiểu “trồng bạch đàn tái sinh” thì dân còn mãi nghèo”, ông Phúc nói. Cùng quan điểm, ông Vũ Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho rằng, đất vườn nằm trong đất thổ cư, mục đích sử dụng lâu dài. Nhưng nếu người dân trồng cây lâu năm, thì đất vườn vô hình trung lại nằm trong diện giao khoán 50 năm. Như vậy là mâu thuẫn, cần sửa đổi.

Tuy nhiên, trong cuộc họp, không có ý kiến nào của DN, cơ quan chuyên ngành hay chủ hộ về tích tụ ruộng đất, xóa bỏ hoặc nới rộng hạn điền. Về vấn đề này, một chuyên gia của Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, ngoài việc nới rộng hạn mức giao khoán đất, cần phải mở rộng hoặc xóa bỏ hạn điền. Đất đai là “của để dành”, là tài sản của công dân, đặc biệt là nông dân. “Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài để cả hàng chục, thậm chí cả trăm năm, mới thu được lợi nhuận. Chúng ta cần có những khu vực có đất rộng mới có thể làm được trang trại, gia trại để đưa cơ khí hoá, điện khí hoá vào sản xuất. Khi đã xoá bỏ được hạn điền, hạn mức, có nghĩa là chúng ta sẽ giải phóng được tâm lý lo lắng của những người muốn đầu tư vào nông nghiệp để họ có thể mạnh dạn đầu tư. Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất khi bỏ hạn điền, hạn mức là sẽ giúp tác động trực tiếp vào tư duy của nhà đầu tư nông nghiệp, họ sẽ đưa ra một kế hoạch đầu tư dài hạn cho có hiệu quả”, chuyên gia này nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm