Rừng phòng hộ xã Đường Âm, huyện Bắc Mê |
Một số cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Mê cùng cán bộ nông - lâm nghiệp tuyến xã của huyện này có chung cách nhận xét: Việc giao đất, giao kế hoạch trồng rừng ồ ạt cho dân, dẫn đến mạnh ai nấy làm, công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn trồng rừng chưa được cụ thể, người dân lấy bầu cây về trồng thường không đúng kỹ thuật, có người còn trồng nguyên cả bao bầu giống, nên trồng được một thời gian cây còi cọc và tự chết.
Một số khu rừng trồng xuống không được chăm sóc, phát cỏ trong 2 năm đầu, nên cây cỏ dại và dây leo bủa vây, cây rừng rất khó sống sót. Còn những diện tích trồng nơi đồi thấp lại bị trâu, bò, dê phá hoại, dẫn đến tỷ lệ cây sống sót cũng rất ít.
Việc giao đất trồng rừng không được giám sát kỹ, dẫn tới một số hộ gia đình đăng ký nhận đất trồng rừng, nhưng thực tế lại trồng các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô, lúa, đỗ, sắn, bí… Vì người dân thấy lợi ích từ rừng thấp, chủ yếu là cây gỗ rẻ tiền như keo, mỡ với thời gian sinh trưởng khá lâu, mỗi chu kỳ từ 8 đến 10 năm mới được thu hoạch, trong khi vốn duy trì trồng rừng không có.
Đã vậy đến khi được khai thác gỗ cũng gặp nhiều khó khăn, từ thủ tục xin khai thác, đến thuê nhân công chặt hạ cây trong rừng sâu, rồi đến khâu vận chuyển tiêu thụ, cùng với việc bị tư thương ép giá, thường gây thiệt thòi cho người trồng rừng, do đó việc trồng rừng sản xuất theo Dự án 661 tại Bắc Mê chưa nhận được sự quan tâm của người dân.
Từ chỗ không được sự ủng hộ từ người dân, dẫn đến sự thất bại nặng nề của việc trồng rừng theo Dự án 661 tại huyện Bắc Mê đã được chỉ rõ, bởi sau khi kiểm tra, xác minh rừng tại 10/13 xã trồng rừng theo dự án 661, với diện tích 1.207,4ha, nhưng đến năm 2016 đã không có cây rừng (gọi là mất trắng). Riêng xã Minh Sơn có diện tích rừng mất trắng nhiều nhất là 227ha.