| Hotline: 0983.970.780

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Thứ Bảy 14/12/2024 , 09:41 (GMT+7)

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng tỉnh Tây Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông minh vào công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Qua đó, hỗ trợ tích cực cho lực lượng bảo vệ rừng trong việc phát hiện các biến động của rừng, nhất là các vụ cháy rừng, phá rừng trái pháp luật, và cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

Đặc biệt, trong bối cảnh lực lượng này ngày càng mỏng, việc ứng dụng công nghệ còn giúp tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng trước những yêu cầu ngày càng cao của xã hội đặt ra.

Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm được xem là chốt chặn, bảo vệ 'lá phổi xanh' 20.000 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm được xem là chốt chặn, bảo vệ “lá phổi xanh” 20.000 ha rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Với nhiệm vụ quản lý hơn 20.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng được xem là "chốt chặn" đặc biệt quan trọng để bảo vệ “lá phổi xanh” của khu vực.

Đội đã được đầu tư các công nghệ giám sát bảo vệ rừng tiên tiến như: camera quan sát trên cao 360 độ, thiết bị bay không người lái (flycam), bẫy ảnh và tích hợp bản đồ hiện trạng rừng vào smartphone, máy tính bảng để phục vụ quản lý. Các công cụ này đã hỗ trợ đắc lực trong công tác quản lý, giám sát, và bảo vệ rừng.

Dẫn chúng tôi mục sở thị hệ thống camera quan sát trên cao 360 độ được xem như "mắt thần" tích hợp với bản đồ hiện trạng rừng trên máy tính, anh Nguyễn Thành Nam, cán bộ kỹ thuật của đội cho biết, trước đây khi chưa lắp đặt camera, mỗi ngày cán bộ của đội phải thay nhau leo lên tháp canh cao hàng chục mét để quan sát rừng bằng phương pháp thủ công.

Do đặc thù rừng phân bố rộng, nhiều khu vực bao bọc bởi lòng hồ, việc quan sát gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi có hệ thống camera đặt trên đỉnh tháp canh, mỗi ngày kíp trực chỉ cần ngồi tại bàn máy tính để theo dõi qua màn hình. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, công sức, vừa giúp phát hiện nhanh và xử lý kịp thời các vụ cháy, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.

Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm giám sát rừng thông qua 'mắt thần' kết nối với hệ thống máy tính. Ảnh: Trần Trung.

Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm giám sát rừng thông qua "mắt thần" kết nối với hệ thống máy tính. Ảnh: Trần Trung.

"Với tầm quan sát từ 5 - 7 km, khi phát hiện đám cháy, chúng tôi lập tức triển khai lực lượng chữa cháy để dập tắt kịp thời. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát hiện và xử lý hơn 40 điểm cháy. Nhờ phát hiện sớm, các đám cháy được dập tắt ngay từ khi vừa xuất hiện khói nên không gây thiệt hại cho khu rừng do đơn vị quản lý", anh Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Anh Hoàng Văn Phút, Đội trưởng Đội Bảo vệ và Phát triển rừng suối Bà Chiêm cho biết thêm, trước đây, các dụng cụ hỗ trợ như bản đồ giấy, máy định vị, la bàn… là những thứ không thể thiếu trong mỗi chuyến tuần tra. Nhưng hiện nay, mọi thông tin đều được tích hợp trên điện thoại thông minh và hệ thống máy tính. Dữ liệu, hình ảnh ghi nhận trong quá trình tuần tra về đa dạng sinh học, động thực vật quý hiếm, hay tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng, lấn chiếm đất rừng… được tự động chuyển về máy chủ.

"Dựa trên dữ liệu và hình ảnh do tổ, đội tuần tra cung cấp, lãnh đạo đơn vị có thể nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp với các tình huống phát sinh trong thực tế", anh Hoàng Văn Phút nói.

Nhờ phát hiện sớm, các đám cháy được dập tắt ngay từ khi vừa xuất hiện khói nên không gây thiệt hại cho khu rừng. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ phát hiện sớm, các đám cháy được dập tắt ngay từ khi vừa xuất hiện khói nên không gây thiệt hại cho khu rừng. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong thời đại hiện nay, nếu chỉ sử dụng phương pháp thủ công, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhận thấy việc áp dụng khoa học công nghệ mang lại hiệu quả rất cao trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, đơn vị đã trang bị 2 camera quan sát trên cao 360 độ, 6 bẫy ảnh, cùng 1 flycam được tích hợp.

"Dù đã triển khai nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu công tác. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung các trang thiết bị cần thiết. Việc nâng cấp và bổ sung thiết bị sẽ giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng hiệu quả hơn," ông Nguyễn Chí Trung nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.