| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Thứ Năm 14/11/2024 , 08:58 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều loại cây dược liệu quý, trong đó có cây sâm Ngọc Linh được xem là 'quốc bảo' của Việt Nam. Ảnh: L.K.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều loại cây dược liệu quý, trong đó có cây sâm Ngọc Linh được xem là "quốc bảo" của Việt Nam. Ảnh: L.K.

Với địa hình đa dạng, tỉnh Quảng Nam có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho nhiều loại cây dược liệu quý sinh trưởng, phát triển. Theo đánh giá từ Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tỉnh này hiện có hơn 830 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc... phân bố ở khắp các địa phương từ ven biển, đồng bằng đến miền núi. Những loại dược liệu quý hiện có như sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, cẩu tích đại hồi,...

Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh phát triển các loại cây dược liệu đồng thời xác định đây là giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, định hướng này đa mang lại hiệu quả tích cực, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo thậm chí vươn lên giàu có. Điển hình như xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) trước đây từng là địa phương thuộc diện nghèo nhất nước nhưng hiện nay, nhờ cây sâm Ngọc Linh mà nhiều hộ dân xây được nhà lầu, mua xe ô tô.

Tuy nhiên, cây dược liệu ở tỉnh Quảng Nam vẫn chưa thể phát huy hết giá trị do các sản phẩm sau khi thu hoạch đa số chỉ dừng lại ở dạng bán thô. Có chăng cũng chỉ được sơ chế ban đầu thành các sản phẩm đơn giản như trà, rượu ngâm. Nguyên nhân là do trong tỉnh chưa có nhà máy quy mô lớn, dây chuyền hiện đại để thực hiện chế biến sâu.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho nay, hiện các sản phẩm chế biến từ dược liệu trên địa bàn như sâm Ngọc Linh, đảng sâm… chưa được thực sự đa dạng. Dược liệu thô của bà con đến mùa thu hoạch giá cả vẫn còn bấp bênh. Vấn đề này xuất phát từ nguồn cung vượt cầu do các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn còn ở quy mô nhỏ và trung bình, không đủ tiềm lực kinh tế để bao tiêu hết sản phẩm.

Các sản phẩm từ cây dược liệu của tỉnh Quảng Nam hiện chỉ dừng lại ở mức sơ chế ban đầu, chưa phát huy hết giá trị. Ảnh: L.K.

Các sản phẩm từ cây dược liệu của tỉnh Quảng Nam hiện chỉ dừng lại ở mức sơ chế ban đầu, chưa phát huy hết giá trị. Ảnh: L.K.

“Để khắc phục được điều này, thì cần có những công ty, doanh nghiệp lớn đến đầu tư để ngành dược liệu trên địa bàn phát triển bền vững hơn. Hiện, dư địa để phát triển ngành dược liệu ở địa phương còn rất lớn. Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh, Chính phủ có cơ chế chính sách tốt hơn, đặc thù để khuyến khích các doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế địa phương, một huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn”, ông Dũng nói.

Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam hiện có vùng nguyên liệu phát triển ngành dược lên đến gần 90.000ha, mở rộng ra các tỉnh lân cận thì có thêm 50.000ha. Mặc dù vậy, tiềm năng về nguồn lực phát triển ngày công nghiệp dược liệu của tỉnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách phát triển ngành này tại địa phương chưa đủ mạnh, khả năng thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy, khu công nghiệp dược liệu còn ít. Nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển các loài cây dược liệu còn mỏng.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, từ những thực tế đặt ra, tỉnh Quảng Nam đã bắt tay vào xây dựng đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Điều này giúp địa phương có cơ chế chính sách, nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư.

Trước đó, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thống nhất chủ trương và giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam. Đề án được triển khai tại tỉnh Quảng Nam với định hướng mở rộng vùng nguyên liệu ra các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

“Hiện nay, đề án đã được UBND tỉnh Quảng Nam hoàn thiện, lấy ý kiến các Bộ ngành, địa phương có liên quan và đang trình Chính phủ phê duyệt. Hy vọng trong thời gian tới, Trung tâm công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam phát triển xứng tầm với kỳ vọng và vươn mình ra khu vực. Việc xây dựng đề án cũng góp phần thực hiện chiến lược phát triển ngành dược Việt Nam và cụ thể hóa quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nội dung hình thành trung tâm chế biến dược liệu quốc gia”, ông Hồ Quang Bửu thông tin.

Xem thêm
Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.