| Hotline: 0983.970.780

Cháy rừng dữ dội ở Quảng Ninh

Thứ Tư 18/12/2024 , 14:08 (GMT+7)

Đám cháy bùng phát từ đêm 17/12. Gió to kết hợp với thời tiết hanh khô nên ngọn lửa bốc lên nhanh chóng.

Cháy rừng trên diện rộng tại TP Hạ Long. 

Cháy rừng trên diện rộng tại TP Hạ Long. 

Từ đêm 17/12 đến sáng 18/12, trên đồi thuộc khu vực từ tổ 2 đến tổ 5, khu 7, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, đám cháy tiếp tục lan rộng. Các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực triển khai các biện pháp để dập lửa, ngăn chặn cháy lan.

Ngay khi nhận được tin báo, tất cả các lực lượng gồm: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Ban Chỉ huy quân sự TP Hạ Long; Trung đoàn 213; Kiểm lâm; Cảnh sát PCCC - Công an TP Hạ Long; Đoàn An điều dưỡng 22 Hạ Long; dân quân, lực lượng an ninh cơ sở và nhân dân phường Bãi Cháy..., cùng các trang thiết bị, phương tiện, nhanh chóng tiếp cận đám cháy từ nhiều hướng, tích cực triển khai các biện pháp để khoanh vùng, dập lửa.

Cán bộ chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh tích cực chữa cháy.

Cán bộ chiến sỹ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh tích cực chữa cháy.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đám cháy vẫn chưa thể khống chế. Các lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành các biện pháp dập lửa, tạo đường băng cản lửa ngăn chặn cháy lan. Nguyên nhân và thiệt hại vẫn chưa được xác định.

Trước cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh, độ che phủ đạt gần 55%. Sau bão, toàn tỉnh có trên 117.000ha rừng bị thiệt từ 30-100%, phần lớn là rừng trồng thông, keo, bạch đàn, ngoài ra còn có hàng nghìn ha rừng tự nhiên bị ảnh hưởng, phần lớn bị gãy ngang thân, cành, 100% lá bị tuốt rụng, không có khả năng phục hồi. Ước tính tổng giá trị thiệt hại của ngành lâm nghiệp là trên 5.000 tỷ đồng.

Khu rừng thông hàng chục năm tuổi tại TP Hạ Long bị gãy đổ sau bão Yagi, nguy cơ cháy rừng rất cao. 

Khu rừng thông hàng chục năm tuổi tại TP Hạ Long bị gãy đổ sau bão Yagi, nguy cơ cháy rừng rất cao. 

Với diện tích rừng bị thiệt hại lớn đã kéo theo khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy gồm thân, cành, rễ, lá khô, kết hợp với thời tiết diễn biến nắng nóng hanh khô rất dễ cháy khi gặp lửa hoặc các tác động ngoại cảnh, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ cháy rừng trên diện rộng.

Từ sau bão đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ cháy rừng, trong đó, ở Vân Đồn 3 vụ, Cẩm Phả 3 vụ, Hạ Long 2 vụ, Ba Chẽ 1 vụ, Móng Cái 1 vụ…, diện tích có rừng bị cháy trên 57ha. Các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt người là kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng tại chỗ trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

Trước nguy cơ cháy rừng còn ở mức rất cao, ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương có rừng triển khai đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3; tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Các địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" để tổ chức phát động chiến dịch hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại; lập kế hoạch chi tiết, khẩn trương thiết kế các đường băng cản lửa, phòng chống cháy rừng; tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng cháy và chữa cháy cho các hộ dân, nhất là những hộ dân sinh sống gần rừng. Hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Mùa hanh khô đã bắt đầu, trong khi diện tích rừng cần thu gom, vệ sinh, tận thu gỗ còn rất lớn, dẫn đến nguy cơ cháy rừng xảy ra cao. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra ngoài sự vào cuộc của các địa phương, lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay của người dân, đặc biệt là những hộ dân sống gần rừng trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.