| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội đào tạo nghề nông hiện đại

Thứ Hai 04/04/2011 , 10:06 (GMT+7)

Đây là khóa đào tạo đầu tiên cho nông dân về kỹ thuật sử dụng máy móc phục vụ cho nông nghiệp...

Ba lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tại xã Thuỵ Hương (Chương Mỹ) - xã điểm xây dựng NTM bước đầu đã thu được kết quả.

90% nông dân muốn được đào tạo nghề

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện cả nước đã đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn nhưng thực tế cho thấy có 3% số lao động này trực tiếp làm nông nghiệp và hiệu quả rất thấp. Hiện nay, trên cả nước có khoảng gần 30% hộ nông dân tiếp cận với các tổ chức khuyến nông, mỗi hộ tiếp xúc với cán bộ khuyến nông trung bình 2 - 3 lần/1 năm. Dự án “Thí điểm mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại 11 xã xây dựng thí điểm mô hình NTM" được triển khai tại các tỉnh, TP nhằm nâng cao hiểu biết, rèn luyện tay nghề cho nông dân giúp họ tự giải quyết các vấn đề của gia đình và cộng đồng; góp phần xây dựng và phát triển nông thôn. Thành phố Hà Nội là trong 11 tỉnh thành phố tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân nông thôn. 

Việc đào tạo nghề nông nghiệp mang tính hiện đại phù hợp với nhu cầu của người nông dân của một xã có cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt 35%, tiểu thủ công nghiệp 33%; thương mại dịch vụ chiếm 32%, là cần thiết và không đơn giản, Thụy Hương là xã có các nghề tiểu thủ công nghiệp như nghề mộc, đan móc sợi, mây tre đan…người dân nơi đây thường làm thợ, làm thuê hoặc làm nông nghiệp theo phương pháp truyền thống kém hiệu quả, phần lớn nông dân chưa qua trường lớp đào tạo nghề. Với mục tiêu đưa ra của chương trình đào tạo nghề nông thôn, TTKN Hà Nội đã cùng Ban quản lý mô hình NTM xã Thụy Hương, Chương Mỹ, điều tra khảo sát nhu cầu được đào tạo nghề của 90 hộ trong 3/7 thôn tại xã.

Kết quả điều tra cho thấy 90% người dân nơi đây đều có mong muốn được đào tạo để họ thành thạo ít nhất một các nghề nông nghiệp có thể sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa chất lượng hiệu quả kinh tế, đặc biệt nghề sản xuất nông nghiệp có áp dụng và sử dụng đồng bộ các máy móc thiết bị hiện đại. Ba lớp đào tạo: Sử dụng đồng bộ máy móc nông nghiệp trong sản xuất lúa; Trồng cây ăn quả theo VietGAP; Nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được TTKN Hà Nội chọn trên nhu cầu của nông dân xã. TTKN đã phối hợp và mời giảng viên là kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản; Viện Cây ăn quả; Trung tâm Phát triển cơ điện nông nghiệp có trình độ, kinh nghiệm, có tay nghề cao, về giảng dạy cho nông dân. 

Ba khóa đào tạo được tổ chức từ ngày 18/12/2010 đến ngày 4/2/2011 (trung bình mỗi khóa học 21 ngày) cho 90 nông dân xã Thụy Hương. Cụ thể: Lớp sử dụng đồng bộ máy móc nông nghiệp trong sản xuất lúa được tổ chức cho 25 nông dân thôn Chúc Đồng 2; với thời gian học tập là 21 ngày trong đó có kết hợp hài hòa giữa việc học lý thuyết và thực hành. Học viên đã được trang bị những kiến thức và kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy kéo, máy gieo lúa thẳng hàng, máy gặt đập liên hợp; Kỹ thuật sửa chữa đầu máy phun thuốc BVTV; Phương pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn, bảo hộ an toàn trong lao động...

Đây là khóa học mà những nông dân sẽ trở thành những người công nhân thực thụ có thể sử dụng, sửa chữa các loại máy móc thiết bị hiện đại như máy kéo, máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy gieo sạ... phục vụ cho sản xuất ngay trên đồng ruộng của mình.

Anh Nguyễn Duy Cẩm, học viên của lớp học, cho biết, đây là khóa đào tạo đầu tiên cho nông dân về kỹ thuật sử dụng máy móc phục vụ nông nghiệp anh được biết và tham gia, nó sẽ giúp anh và các học viên tham gia khóa học các kỹ thuật cơ bản về máy móc nông nghiệp và sẽ là những kiến thức khởi đầu để anh và các học viên khác có thể áp dụng vào tạo nghề của mình.

Lớp trồng cây ăn quả theo VietGAP đã đào tạo cho 30 học viên thôn Phú Bến kỹ thuật để áp dụng vào tổ chức sản xuất để ra sản phẩm quả cụ thể là bưởi Diễn đảm bảo chất lượng và VSATTP. Các kỹ năng từ việc chuẩn bị vườn, ghép cây, tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, tạo hình thức mẫu mã và bảo quản cho quả đã được giảng viên hướng dẫn một các cụ thể bằng việc tổ chức cho học viên thực hành tại vườn và tham quan một số vườn bưởi Diễn chất lượng.

Lớp nuôi trồng thuỷ sản an toàn sinh học đã đào tạo những kiến thức rất cơ bản cho 30 học viên về kỹ năng nhận biết về môi trường nuôi, quản lý ao nuôi trồng thủy sản, đồng thời học viên được thực hành và học kỹ thuật chế biến và bảo quản thức ăn cho thủy sản để giảm chi phí cũng như đảm bảo thức ăn sạch cho thủy sản. Các kỹ thuật về nuôi một số loại thủy sản đang thịnh hành tại địa phương cũng được giảng viên truyền đạt đồng thời cung cấp các địa chỉ liên hệ mua giống thủy sản đảm bảo chất lượng cũng như các gương sản xuất thủy sản hiệu quả…

Trao đổi với một số học viên ở đây họ cho biết hiện nay gia đình họ cũng đang nuôi thủy sản, tuy nhiên khi chưa tham gia khóa đào tạo này cách triển khai sản xuất của họ chỉ dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khóa đào tạo này họ sẽ áp dụng những kiến thức học để áp dụng vào sản xuất thâm canh thủy sản để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Áp dụng thực tiễn cao

Ba khóa đào tạo nghề nông nghiệp được tổ chức tại xã Thụy Hương huyện Chương Mỹ, 100% đối tượng được đào tạo nghề là nông dân sản xuất nhỏ, xã viên hợp tác xã, tuổi từ 18 - 55 có nhu cầu được tham gia các khóa đào tạo nghề nông nghiệp. Tuy số học viên được đào tạo nghề nông nghiệp trong chương trình thí điểm đợt này chưa nhiều nhưng hiệu quả từ việc đã nâng cao được nhận thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm muốn đạt hiệu quả kinh tế phải đảm bảo tiêu chuẩn VietGap, đảm bảo VSATTP, đồng thời người nông dân đã cảm thấy tự tin vào chính tay nghề của mình trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả đánh giá tại các lớp đào tạo cho thấy trên 80% học viên các khóa học đạt kết quả khá giỏi, họ có thể áp dụng những kiến thức để tổ chức sản xuất phục vụ gia đình. 85 học viên tham gia các khóa đào tạo đã được Trung tâm Khuyến nông đánh giá và cấp chứng chỉ đã hoàn thành khoá đào tạo nghề Nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Tại buổi bế giảng 3 khóa đào tạo nghề nông nghiệp tại Thụy Hương, TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG đánh giá cao công tác đào tạo các lớp đào tạo nghề nông nghiệp tại xã Thụy Hương, khen ngợi những kết quả của học viên tại 3 khóa đào tạo. Hà Nội là địa phương luôn đi đầu trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, việc đào tạo kỹ năng sản xuất nông nghiệp hiện đại sẽ giúp nông dân nhanh chóng hội nhập, tổ chức sản xuất hiệu quả bền vững.

Bà Hạnh cũng cho biết thông qua các lớp điểm đào tạo nghề cho nông dân năm 2010 tại các xã xây dựng thí điểm mô hình NTM sẽ là cơ sở, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất phương pháp, điều kiện dạy và học; nhân rộng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ban chỉ đạo đề án sẽ đánh giá được nhu cầu của người học, người dạy, cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề tại địa phương thí điểm.

Năm 2010 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án và chọn huyện điểm, xã điểm để chỉ đạo triển khai. Đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 300.000 lao động nông thôn (trong đó khoảng 40% là các lớp dạy nghề nông nghiệp), đảm bảo mục tiêu gắn chặt chẽ nhu cầu học nghề với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Theo lộ trình đề án, năm 2011, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động để thực hiện mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn, trong đó ít nhất 70% có việc làm sau đào tạo.

Những khó khăn sẽ gặp phải trong những năm tiếp theo là hệ thống các cơ sở đào tạo còn thiếu, trình độ người học không đồng đều, đội ngũ giáo viên còn thiếu. Chính vì vậy cần thiết phải huy động nhiều thành phần tham gia, như: hệ thống khuyến nông từ trung ương đến cơ sở cùng tham gia dạy nghề; công nhân, nông dân, nghệ nhân, doanh nhân… đã có kiến thức thực tiễn, bây giờ bổ sung thêm kiến thức sư phạm, sau đó về làm giảng viên. Đây chính là những hạt nhân dạy nghề cho nông dân ở địa phương. Tuy nhiên cần tạo điều kiện để hệ thống khuyến nông cấp tỉnh, thành phố được phép cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho nông dân tại địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất