| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha tôm nuôi ở Kim Sơn chết do dịch bệnh

Thứ Sáu 16/06/2017 , 09:56 (GMT+7)

Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn 1 tháng ở 3 xã bãi ngang: Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng dưng chết hàng loạt, khiến nhiều hộ đứng trước nguy cơ mất trắng.

Đến xã Kim Trung thời điểm này chúng tôi thấy những ao, đầm cạn trơ đáy, mùi tôm chết bốc lên tanh nồng. Đang vét bùn, vệ sinh ao nuôi, anh Trần Văn Phương rầu rĩ nói: “Hàng trăm triệu đồng đầu tư vào con tôm mà chỉ sau một đêm đã trắng tay, còn gì đau xót bằng...”.

08-35-02_nh_1
Anh Trần Văn Phương chuẩn bị vệ sinh khu vực đầm nuôi tôm mới chết do nhiễm khuẩn

Anh Phương cho biết, đầu tháng 4 anh thả nuôi 30 vạn tôm thẻ chân trắng, thời gian đầu tôm phát triển tốt, nhưng sang đầu tháng 5 tôm bỗng dưng chết chìm đáy hàng loạt. Nhặt vài xác tôm còn sót lại trong ao, anh nói mà như khóc: “Tôi có hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi mà không thể cứu được tôm, gần 3 mẫu ao giờ không còn con nào, trong khi tiền vay ngân hàng, vay nặng lãi lên đến cả trăm triệu đồng”.

Ông Đinh Xuân Hùng, trưởng thôn 4, xã Kim Trung cho biết, cả thôn có 165 hộ thì 100% hộ đều nuôi tôm với tổng diện tích 64ha, tính đến nay đã có 80% diện tích tôm chết, ước chừng thiệt hại vài tỷ đồng. Mặc dù người nuôi tôm được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh nhưng vẫn không lường trước được thất bại.  

Ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết, toàn xã có 246ha nuôi tôm thì có đến 146,84ha bị thiệt hại do tôm chết, nhiều hộ mất trắng. UBND xã đã làm báo cáo gửi lên huyện và tỉnh đề nghị hỗ trợ hóa chất, thuốc khử trùng để nông dân xử lý ao nuôi, đồng thời tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khoanh vùng dịch bệnh, điều tiết nguồn nước, nhằm khống chế dịch bệnh lây lan.

Về nguyên nhân khiến tôm chết hàng loạt, ông Trần Anh Khôi, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Kim Sơn cho biết, sau khi phát hiện tôm chết rải rác ở các hộ nuôi trên địa bàn huyện từ ngày 10/5, Phòng đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình lấy 8 mẫu bệnh gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả cho thấy, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND). UBND huyện đã tổ chức hội nghị công bố nguyên nhân, đồng thời tổ chức lớp tập huấn cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tiến hành lấy mẫu ở những khu vực có tôm nuôi chết để xét nghiệm. Huyện cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh xin hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua hóa chất xử lý...

08-35-02_nh_4
Nhiều diện tích tôm chết vẫn chưa được xử lý

Theo thống kê chưa chính thức của Phòng NN-PTNT Kim Sơn, hiện có khoảng 685ha trong tổng số 956ha nuôi tôm của 1.053 hộ dân trên địa bàn 3 xã có tôm bị chết do nhiễm khuẩn.

Theo một số kỹ sư thủy sản, đối với các ao lót bạt, bà con phải khử trùng phơi khô ít nhất là 10 ngày, ao đất phải 30 ngày. Sau đó mới tiến hành thả nuôi tiếp theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật ở địa phương.

 

Xem thêm
Người nuôi thủy sản Thái Bình chuẩn bị kỹ cho vụ nuôi mới

Các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang khẩn trương cải tạo hệ thống ao đầm, lồng bè…, sẵn sàng thả nuôi vụ mới vào tháng 4.

Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.