| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang nỗ lực vượt tiêu chí khó

Thứ Sáu 12/10/2012 , 09:57 (GMT+7)

Trong quá trình thực hiện, nhiều nơi ở Hậu Giang đã có cách làm hay và đang nỗ lực vượt qua những tiêu chí khó để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Do xuất phát điểm cũng như điều kiện tự nhiên, mỗi địa phương đều có những khó khăn riêng trong quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều nơi ở Hậu Giang đã có cách làm hay và đang nỗ lực vượt qua những tiêu chí khó để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.

Xã Vị Thủy (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là một trong 11 xã điểm được UBND tỉnh Hậu Giang lựa chọn để tiến hành xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015). Trong những năm qua, nhờ triển khai Chương trình này mà bộ mặt nông thôn đã dần thay đổi, một số tiêu chí được hoàn thành, đời sống kinh tế của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, do là xã có xuất phát điểm thấp nên Vị Thủy đang gặp khó khăn ở một số tiêu chí NTM.

Ông Mai Văn Vui, Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, cho biết: Theo kế hoạch của UBND tỉnh, đến năm 2015, Vị Thủy phải cơ bản hoàn thành các tiêu chí NTM. Tuy nhiên, để làm được điều này là rất khó bởi cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã đang ở mức thấp, khi bắt tay vào thực hiện phải làm lại từ đầu nên cần có thời gian. Hiện nay, xã đã lập và phê duyệt xong đề án quy hoạch NTM, chúng tôi đang tích cực triển khai rộng rãi ra dân để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Trong quá trình xây dựng NTM, một trong những tiêu chí mà xã Vị Thủy gặp khó và cần phải nỗ lực vượt qua là giảm tỉ lệ hộ nghèo. Theo thống kê, toàn xã hiện còn 546 hộ nghèo, chiếm tới 26%, nhưng theo tiêu chí NTM thì số hộ nghèo phải dưới 7%. Do đó, việc giảm tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí NTM là thách thức rất lớn đối với xã Vị Thủy hiện nay.


Đẩy mạnh đào tạo nghề để giúp nông dân thoát nghèo ở Vị Thủy

Theo ông Vui, để hoàn thành tiêu chí về hộ nghèo từ nay đến năm 2015 thì mỗi năm toàn xã phải có khoảng trên 100 hộ thoát nghèo, tương đương từ 4-4,5%. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương thì rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành huyện, tỉnh nhằm đẩy mạnh việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và đặc biệc là nguồn vốn phát triển sản xuất…

Ông Bùi Văn Luận, ấp 4, xã Vị Thủy chia sẻ: “Do không có đất sản xuất nên bốn thành viên trong gia đình phải sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Riêng bản thân tôi có nghề làm thợ mộc nhưng vì không có vốn ban đầu để mở cơ sở sản xuất, nên chỉ có thể đóng các vật dụng nhỏ như bàn, ghế kiếm sống qua ngày. Nếu được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, mở rộng sản xuất thì gia đình tôi sẽ sớm vượt qua cảnh nghèo khổ, vươn lên thoát nghèo, có điều kiện để chung tay với chính quyền xây dựng NTM”.

Bên cạnh tiêu chí hộ nghèo, Vị Thủy cũng còn các tiêu khó khác cần phải nỗ lực vượt qua như tiêu chí nhà ở, điện, nước sạch nông thôn… Qua thống kê, nhiều nhà ở của người dân trên địa bàn xã Vị Thủy hiện chỉ đạt “2 cứng” (trong khi quy định phải là “3 cứng”: cứng nền, cứng thân, cứng mái), hiện toàn xã còn trên 500 hộ đang sống bằng nhà tạm.

Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện vẫn còn 292 hộ sử dụng điện câu đuôi, 145 hộ chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để hoàn thành các tiêu chí này, địa phương đang thông qua các nguồn vốn lồng ghép, đặc biệt là từ Chương trình 167, 135 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Với sự nỗ lực của người dân cùng với sự năng động, sáng tạo trong cách làm, dự kiến trong năm 2012 này xã Vị Thủy sẽ hoàn thành thêm 7 tiêu chí nữa, nâng tổng số tiêu chí đã hoàn thành lên 12/19 tiêu chí. 

Ông Mai Văn Vui cho biết thêm, trong số các tiêu chí mà xã đăng ký thực hiện trong năm 2012, đến thời điểm này phần trách nhiệm của địa phương đã cơ bản làm xong (đạt trên 80%), các phần còn lại phối hợp với cấp huyện thực hiện như: đầu tư cống, máng bơm tát phục vụ sản xuất, gắn điện kế cho những hộ dân còn lại… Nếu đẩy nhanh được các phần này thì nhiều tiêu chí sẽ sớm hoàn thành.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vị Thuỷ, cho hay: Ngay sau khi xã Vị Thuỷ được tỉnh chọn làm xã điểm để tổ chức triển khai xây dựng NTM, địa phương đã xác định đây là xã đặc biệt khó khăn và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên cần phải có sự nỗ lực rất lớn. Do đó, hằng năm, tranh thủ mọi nguồn vốn phân bổ từ cấp trên, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện luôn có sự ưu tiên quan tâm cho xã Vị Thủy, đặc biệt là đầu tư các công trình thuỷ lợi nhằm tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

"Thời gian qua Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng NTM. Trong quá trình làm, các địa phương đã có những cách làm hay, phát huy được nội lực của chính mình để hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, vì đây là chương trình mới nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ vấn đề và tích cực tham gia. Trong tình hình khó khăn chung về nguồn vốn đầu tư cho NTM như hiện nay thì các địa phương cần phát huy hơn nữa nội lực của chính mình, học hỏi và nhân rộng các mô hình hay mà những nơi khác đã làm được, đặc biệt là việc xã hội hóa trong xây dựng", ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo huyện tiếp tục tìm mọi cách giúp Vị Thủy giảm tỉ lệ hộ nghèo như: mở các lớp đào tạo nghề, giới thiệu những mô hình làm ăn hiệu quả, hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập, từ đó tạo điều kiện cho bà con có thể vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo huyện sẽ tiến hành thực hiện những phần còn lại thuộc về cấp huyện để xã sớm hoàn thành các tiêu chí đã đăng ký thực hiện trong năm 2012 và những năm tiếp theo.

Tương tự, xã Thuận Hưng (huyện Long Mỹ) cũng là xã có xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào SXNN là chính. Do đó, để hoàn thành các tiêu chí NTM người dân nơi đây và chính quyền cần phải nỗi lực rất nhiều.

Ông Võ Bá Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hưng cho rằng: “Hiện, toàn xã có trên 67% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, để trở thành xã NTM thì phải giảm con số này xuống dưới 35% vào năm 2015, đây là việc làm không đơn giản. Muốn làm được việc này thì cần phải thực hiện cùng lúc 2 việc, vừa phải mở các lớp đào tạo nghề để giúp người dân chuyển sang lao động phi nông nghiệp, vừa đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm bớt áp lực thiếu hụt lao động ở nông thôn khi vào mùa vụ”.

Theo ông Phúc, đến thời điểm này xã đã hoàn thành 10/19 tiêu chí và chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ nội lực là chính. Tuy nhiên, những tiêu chí còn lại xã rất cần sự phối hợp, góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là sự hỗ trợ của huyện, tỉnh và các đơn vị nhận đỡ đầu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất