| Hotline: 0983.970.780

Hết lòng vì nông dân

Thứ Hai 30/12/2013 , 10:25 (GMT+7)

Với việc được trao giải thưởng KOVA mới đây, Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã nối dài thêm những thành tích của mình với tư cách một DN giống luôn đổi mới, sáng tạo và hết lòng vì nông dân.

Với việc được trao giải thưởng KOVA mới đây, Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã nối dài thêm những thành tích của mình với tư cách một DN giống luôn đổi mới, sáng tạo và hết lòng vì nông dân.

Là tập thể duy nhất của ngành NN-PTNT cả nước nhận giải KOVA năm nay, cái tên Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh được xướng lên giữa Hội trường lớn Hội Liên hiệp Phụ nữ VN đã thu hút sự chú ý đặc biệt của khán phòng. Bởi giữa hội trường, sự xuất hiện của một Cty “nhà quê” với tài sản là vài giống lúa giắt lưng, lãnh đạo Cty quanh năm chân lấm tay bùn, mấy khi bước lên ánh đèn sân khấu..., không thu hút sự chú ý của quan khách mới là lạ.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải KOVA cho ông Nguyễn Ngọc Tiến (người đứng cạnh Phó Chủ tịch nước, bên phải)

Những con số được MC xướng lên khác nhau một trời một vực. Trong khi hầu hết các DN nhận giải là các Cty có tên tuổi trong các ngành công nghệ kỹ thuật cao, doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, lợi nhuận ở mức siêu khủng thì Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh như cậu bé tí hon đứng bên người khổng lồ. Tuy mỗi năm bán ra hơn 1.000 tấn giống, làm lợi cho nhà nông rất lớn, nhưng hạt lúa còn quá rẻ, nên lợi nhuận Cty thu được không đáng là bao. Nhưng đó lại là tất cả những gì tập thể những con người ở Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh dày công theo đuổi mới giành được.

Nhớ lại đầu những năm 1990 khi cả miền Bắc nháo nhào đi buôn lúa lai Trung Quốc. Bán trăm tấn lúa lai đã mua được nhà mặt phố Hà Nội. Có người ví kinh doanh lúa lai lãi hơn buôn thuốc phiện. Lần đầu tiên nông dân Việt Nam được tiếp cận với lúa lai Trung Quốc, năng suất cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi lúa thuần trong nước nên ai cũng ham. Lại được nhà nước trợ giá giống, diện tích lúa lai miền Bắc có lúc lên đến trên 700.000 ha. Tất cả như lên cơn sốt. Chẳng ai thèm ngó ngàng đến lúa thuần.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến - Giám đốc Cty Giống cây trồng Quảng Ninh lúc đó cũng “khăn gói quả mướp” đi Trung Quốc tìm các giống lúa mới về, nhưng khác mọi người ông lại chú tâm vào lúa thuần. Nhiều người bảo ông gàn, đi ngược thời cuộc. Đêm ngủ, ngày đi, lại được mấy người bạn Trung Quốc “chỉ điểm”, đến nay sau hơn 20 năm bền bỉ cóp nhặt, ông đã du nhập được hơn 500 giống về tuyển chọn khảo nghiệm. Kết quả, Bộ NN-PTNT đã công nhận cho Cty CP Giống Quảng Ninh 12 giống lúa mới, trong đó có 10 giống quốc gia gồm Khang dân 18, Q5, Ải 32, Lưỡng Quảng 164, Kim Cương 90, Hương thơm số 1, Hồng Công 1, Khâm Dục số 2, ĐT34, Nếp ĐT52; hai giống đang SX thử là ĐT36 và Bác ưu 025.

Đặc biệt giống lúa Khang dân 18 đã “làm mưa làm gió” từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến duyên hải Nam Trung bộ. Diện tích gieo cấy có vụ lên tới 0,8 triệu ha, chiếm 10% diện tích lúa cả nước. Giữ ngôi vị quán quân gần 20 năm, đến nay Khang dân 18 vẫn dẻo dai chinh chiến ngoài đồng ruộng và được đánh giá là giống lúa không có đối thủ. Gần đây nhiều giống lúa mới ra đời nhưng chưa giống lúa nào hội tụ đủ các yếu tố như năng suất cao, chống chịu tốt, dễ tính... để “lật đổ” Khang dân 18. Ngôi vị của Khang dân 18 kéo dài đến khi nào vẫn là dấu hỏi lớn.

Điều bất ngờ là chính các chuyên gia Trung Quốc - “cha đẻ” của giống Kháng mằn khi sang thăm đồng ruộng Việt Nam cũng không nhận ra được giống lúa Khang dân 18, một giống lúa được Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh tuyển chọn từ chính giống Kháng mằn. Họ tâm phục khẩu phục trước một giống Khang dân 18 cứng cây, lá dầy và đứng, bông nhiều, hạt xếp sít, cơm ăn đậm ngon hơn hẳn Kháng mằn. Ngoài ra các giống lúa Q5, Hương thơm số 1 do ông Tiến đưa về mỗi giống cũng đạt diện tích gieo cấy 0,3 triệu ha. Q5 đứng thứ 6 cả nước và thứ nhì miền Bắc về diện tích, Hương thơm số 1 là giống lúa đặc sản chỉ đứng sau giống Bắc thơm số 7.

Cuối năm 2011, Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh tiếp tục trình làng giống nếp ĐT52 mà ông Tiến vẫn gọi vui là “bom B52”. Giống được công nhận đặc cách, mừng quá ông hô quân gói bánh chưng, nấu rượu, thổi xôi bằng nếp ĐT52 rồi mời các nhà khoa học, khách hàng đến Cty thưởng thức. ĐT52 năng suất không thua kém lúa tẻ Khang dân 18, cơm dẻo lâu, ăn không ngán, ngon hơn nếp Thái Lan đang bán tràn ngập trong các siêu thị. Tuy mới công nhận hai năm, nếp ĐT52 đã lan ra hầu hết các tỉnh miền Bắc, miền Trung với diện tích gieo cấy vài nghìn ha.

Nghe nói năm ngoái một Cty giống ở miền Trung đặt chẵn 1 tỷ mua bản quyền giống nếp ĐT52 nhưng ông Tiến chưa muốn bán. Ông coi ĐT52 như đứa con ruột, mà bán con vào cửa nhà sướng, chủ nhà biết nâng niu, trân trọng thì tốt phước. Nhưng bán con vào chỗ nghèo hèn có hối hận cũng đã muộn.

Mấy năm trước Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh từng bán bản quyền một giống lúa thuần khá hot cho DN nọ, nhưng DN không say sưa làm nên giống chưa đi vào sản xuất, khiến ông Tiến tiếc hùi hụi.

Tiếp tục cái duyên với nếp, Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đang tìm cách phục tráng giống nếp cái hoa vàng Đông Triều nhằm bảo tồn, lưu giữ nguồn gen bản địa quý của địa phương. Đông Triều trong lịch sử không chỉ in dấu chân ngựa của tướng quân Trần Hưng Đạo khi cất quân từ thành Thăng Long ra tận Bạch Đằng giang đánh giặc phương Bắc mà trong lịch sử cây lúa nước thì Đông Triều chính là cái nôi của nhiều giống lúa nếp quý.

Vì vậy khôi phục giống lúa nếp cái hoa vàng Đông Triều chính là làm sống lại một giống nếp đặc sản có một không hai. Cả đời làm giống, theo ông Tiến đúc kết để làm nên thương hiệu một giống lúa phải có các yếu tố ‘‘Thiên - Địa - Nhân - Giống”. Thiên là trời (tiểu vùng, khí hậu, thời tiết), địa là đất (chất đất, các vi lượng), nhân là người (kỹ thuật canh tác của nông dân), ba yếu tố này đã có sẵn ở Đông Triều. Cái quan trọng nhất là giống (nguồn gen) thì nếp cái hoa vàng Đông Triều đã thất truyền khá lâu, chỉ còn rất ít hộ cấy. Thực tế giống này đã phân ly, năng suất thấp, chất lượng không ngon như trước.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu thăm khu khảo nghiệm giống lúa của Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh

Nhưng thấy khó mà bỏ thì có lỗi với tổ tiên. Bằng cái tâm và trình độ của người làm giống, năm 2013 Cty đã phục tráng thành công giống nếp cái hoa vàng Đông Triều. Kết quả đã sản xuất được 850 kg giống siêu nguyên chủng và 3.500 kg giống nguyên chủng. Hy vọng sau khi phục tráng thành công thương hiệu nếp cái hoa vàng Đông Triều, giống sẽ được nhân nhanh để có gạo cung ứng cho những người từng say mê hương vị giống nếp từng một thời nổi danh này.

Trở lại với giải thưởng KOVA 2013, trải qua nhiều vòng chấm khắt khe, cuối cùng đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn thành công 10 giống lúa mới” của Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã vào đến vòng chung kết. PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA, một người xuất thân làm khoa học và cũng mới dời ghế giảng đường Trường ĐHBK Hà Nội chưa lâu khẳng định, tiêu chí trao giải thưởng KOVA rất đơn giản, đó là những công trình, dự án KHCN ứng dựng đạt hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống xã hội, mang lại lợi ích cho đất nước.

Và với tiêu chí đó, bà Hòe đã quyết định “chấm” 10 giống lúa của Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, để Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, GS-TSKH Nguyễn Thị Doan trao “vương miện” KOVA. Đây là niềm vui lớn, rất đáng tự hào không chỉ của riêng Cty giống Quảng Ninh mà của cả tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh công nghiệp nhưng lại làm ra nhiều giống lúa tốt làm giàu cho nông dân cả nước.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm