| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả thiết thực từ chính sách xây dựng nông thôn mới Hà Tĩnh

Thứ Sáu 09/12/2016 , 08:25 (GMT+7)

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu Hà Tĩnh đặt ra khi xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ quan điểm đó, hơn 6 năm qua Hà Tĩnh đã “tiếp sức” cho người dân rất nhiều cơ chế, chính sách thiết thực.

09-47-48_1
Thông qua cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, hàng trăm km đường giao thông nông thôn trên địa bàn đã được xây dựng
 

Ông Phạm Văn Đức ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang - một trong những người đầu tiên tiếp cận Quyết định 24, 26 về hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ông được hỗ trợ 150 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 500 con/lứa.

4 năm qua, trang trại của ông không ngừng được nâng cấp, mở rộng quy mô, phát huy hiệu quả mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng.

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh, trong vòng 6 năm (2011-2016), Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trao quyền chủ động cho người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực theo khả năng của từng địa phương.

Như chính sách khuyến khích phát triển sản xuất theo Quyết định 24, 11, 43; chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh theo Nghị quyết 91; hỗ trợ lãi suất vay vốn theo Quyết định 26, 23; quy định định mức hỗ trợ xây dựng NTM theo Quyết định 10, Nghị quyết 114; hỗ trợ các xã về đích sớm, xã dưới 7 tiêu chí; chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... với tổng nguồn vốn huy động hơn 70.000 tỷ đồng.

Nếu trước những năm 2010, mỗi năm tỉnh chỉ dành 5-7 tỷ đồng cho chính sách nông nghiệp thì năm 2015, tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp đạt trên 120 tỷ. Từ cơ chế, chính sách đó đã tạo "cú hích” hỗ trợ đắc lực cho các địa phương phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển hình thức tổ chức vừa tập trung, vừa phân tán, đồng nhất về giống, công nghệ sản xuất, tạo sự liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp.

09-47-48_2
Nhiều nông dân giàu lên nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh
 

Thời gian qua tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên tham khảo ý kiến của các địa phương, tổ chức đoàn thể để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của nông dân.

Hiện các cấp hội đã tổ chức 65 cuộc họp, hội nghị quán triệt và lấy ý kiến của 6.800 hội viên nông dân, 536 cán bộ thuộc các cấp ngành liên quan và thu thập hàng trăm ý kiến phản hồi về các chính sách.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ Phạm Quang Thạnh khẳng định, những năm qua, các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò rất lớn trong việc khuyến khích phát triển sản xuất, được người dân đồng tình hưởng ứng, góp phần phát triển rầm rộ các mô hình kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, một số chính sách ban hành chồng chéo, thiếu thống nhất và chưa đồng bộ, chậm ban hành hướng dẫn đi kèm, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi tiếp cận; một số khác có quy mô cao, khó hấp thụ.

09-47-48_3
Nhiều nông dân giàu lên nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh
 

“Qua thực tiễn xuất hiện một vài chính sách không còn phù hợp hoặc không phát huy hiệu quả. Vì vậy tỉnh cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ lãi suất để huy động tối đa nguồn vốn cho phát triển sản xuất; có chính sách đặc thù đối với những địa bàn đặc biệt; đề cao hơn nữa vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức liên kết sản xuất, đặc biệt khi xảy ra rủi ro…”, ông Thạnh nói.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng mới được 11.965 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; 3.106 tổ hợp tác; 1.163 HTX và 1.820 DN. Kiên cố hóa hơn 4.256 km đường giao thông nông thôn; 1.450 km kênh mương nội đồng; xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn 157 nhà văn hóa và 131 khu thể thao xã; nhiều trạm y tế, trường học được xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn và nâng chuẩn...

 

Xem thêm
Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.