Có một lời sám hối chưa bao giờ nói ra, nhưng hằng ngày tôi vẫn mê mải hành động: làm một cái gì đó cho môi trường, trước khi tất cả trở thành quá muộn. Trước khi thiên nhiên hoang dã trả vố, biến chúng ta trở thành những kẻ độc ác, vô đạo. Hãy tử tế với thiên nhiên. Bởi nhiều lẽ mà ai cũng đã biết.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh: trong đó có lý lẽ rằng, báu vật ấy không phải của riêng hiện tại, riêng chúng ta, nó là tài sản của quá khứ và của cả tương lai. Đừng ăn lẹm vào đồ thờ của tổ tiên, cũng đừng cướp đi rồi lại phung phí mất những hạt mầm của sự sống trong tương lai.
Mời nhà báo đến gặp Hoàng tử, không mang máy ảnh nhé
Tôi đã làm gì trong những năm cầm bút vừa qua, ở lĩnh vực bảo vệ môi trường? Viết báo, viết sách, làm phim, giảng dạy các chuyên đề sâu về bảo tồn thiên nhiên. Chống lại đám mafia gỗ lậu và nạn buôn bán trái phép các loài động thực vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Nhiều lần sang châu Phi, với các cuộc điều tra về nạn săn bắn, buôn bán, sử dụng ngà voi và sừng tê giác.
Hoàng tử Anh ngồi nói chuyện với các nghệ sĩ rất thân thiện, gần gũi
Dẫn hàng chục đoàn nhà văn nhà báo đạo diễn nước ngoài đi thâm nhập điều tra về thực trạng buôn bán sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã ở Việt Nam. Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ giảng dạy, phổ biến kiến thức môi trường. Điều tra về các ông trùm tàn sát rùa biển, nuôi gấu nuôi hổ trái phép hoặc làm các trang trại trá hình, được sự tiếp tay của kiểm lâm tha hóa, để tuồn động vật ngoài tự nhiên hay nhập lậu vào rồi giết bán hàng tạ hàng tấn một cách “hợp pháp”.
Các kết quả điều tra công phu, trước khi đăng báo, chúng tôi đã gửi lên Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường (C49), Bộ Công an và đề nghị bắt giữ xử lý nghiêm.
Các nhà bảo vệ môi trường lừng danh trên thế giới, ví dụ như một trong năm tỷ phú giàu nhất nước Anh, ông Richard Branson đến Việt Nam, qua các tổ chức uy tín, ông chọn tôi để đối thoại độc quyền gần hai giờ đồng hồ với ông, nhằm đưa thông điệp đến đông đảo bà con Việt Nam.
Còn nhiều việc, tôi và những đại sứ bảo vệ thiên nhiên môi trường khác, các tổ chức như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), câu lạc bộ các Nhà báo Môi trường Việt Nam... đang làm. Lẽ ra tôi không nên kể thêm về những việc nhỏ bé mình đang theo đuổi có thành có bại, nếu như đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam không tâm huyết đặt bài theo đúng chủ đề này cho số Tết.
Dường như, đó cũng là lý do mà Sứ quán Anh ở Việt Nam đã mời tôi, cùng các ca sỹ Thanh Bùi, danh hài Xuân Bắc, Diva Hồng Nhung và lãnh đạo hai tổ chức bảo vệ môi trường là ENV - WCS đến tiếp chuyện Hoàng tử Anh William, Công tước xứ Cambridge, khi ông đến Việt Nam.
Sáu người chúng tôi hầu hết biết nhau từ lâu, hầu hết từng sang châu Phi tham gia bảo vệ tê giác. Tôi và Xuân Bắc lang thang khắp xứ Lục địa đen, cùng tuổi, cùng thích chụp ảnh với ống kính khủng để “săn” khỉ báo hươu nai cùng “Big five” (sư tử, voi, tê giác, hà mã, trâu nước) của châu Phi. Rồi Bắc trở thành đại sứ bảo vệ tê giác.
Chuyến sau, tôi lại cùng Diva Hồng Nhung và anh chồng người Mỹ của “nàng” phiêu du khắp nhiều khu bảo tồn, các safari cá nhân, các tỉnh và thành phố của Nam Phi để tìm hiểu. Một trong những lần đó, các nhà bảo tồn Nam Phi còn cài máy định vị vào ba lô máy ảnh của tôi, để khi tôi hóa trang thành đủ dạng người xâm nhập thế giới buôn sừng tê giác và ngà voi thì họ sẽ theo để bảo vệ và hỗ trợ điều tra.
Chúng tôi chứng kiến họ bắt giết, xả thịt thú. Chúng tôi được các ông trùm người Việt tặng cả mớ cao sư tử, buộc phải nhận để không lộ thân phận, ra khỏi khu “thái ấp” của tỷ phú chợ đen, chúng tôi lập tức đi nộp cho lực lượng đặc nhiệm kiểm lâm và an ninh nước bạn.
Tôi và Hồng Nhung mỗi người được mời ngồi một chiếc trực thăng, bay vào rừng Kruger giáp biên giới Mô Dăm Bích, đứng đó để nói các thông điệp buốt lòng về Cuộc Chiến Tranh Tê Giác đầy chết chóc và mafia. Trong khi ấy, máu tươi từ thi thể con tê giác bị cắt sừng, khoét mắt, cắt cả cụm cả ổ dương vật... cứ phun ra từng chùm tia đỏ ối.
Đã hai ngày trôi qua, kể từ khi con tê giác khổng lồ bị sát hại, bụng nó trương lên, chổng kềnh như một con tàu bị đánh đắm. Các hố bị khoét bị cắt trên cơ thể chú ta nổ lép bép, máu bắn tanh tách giống như những tiếng rên hờ tận thế.
Người của Sứ quán Anh gọi điện và viết email cho tôi. Đó là lời mời trân trọng, lịch sự nhưng cũng khá độc đáo mà trong bao năm ròng cái bảng công việc lúc nào cũng kín mít bận rộn của tôi từng gặp. Họ bảo, vì lý do an ninh, họ không nói rõ ngày giờ tôi được mời ra tiếp ông Hoàng xứ sở sương mù. Họ cũng không nói cụ thể tôi sẽ đi cùng những ai và nói về chuyện gì. Càng không cho biết địa điểm tôi sẽ phải đến. Chỉ biết đó là một quán cà phê trên phố Thuốc Bắc. Họ còn nhấn mạnh trong thư: tôi chỉ được đi một mình, không cho người thân đi kèm.
Tôi đến đó, một phần vì rất tò mò. Thú thật, lúc đầu tôi còn không biết Hoàng tử Anh William với Công tước xứ Cambridge chính là một người cơ. Tôi ít đọc về các ông hoàng bà chúa trời Âu. Cứ nghĩ họ mời mình gặp ông Công tước, giá mà được gặp thêm Hoàng tử đang “gây bão” trên báo chí và người hâm mộ Việt Nam thì hay biết mấy.
Trước ngày gặp, Diva Hồng Nhung và Kevin (chồng Nhung) cùng hai đứa con nhỏ đeo túi hình con tê giác mời tôi đi ăn trưa, lý do là nàng bay ra diễn đồng thời chờ để gặp ngài William. Hóa ra Hồng Nhung thì biết là tôi được mời cùng chị ta, còn tôi thì không được biết gì cả. Có lẽ họ sợ tôi loan tin trên báo nên đề phòng đặc biệt hơn cả.
Hoàng tử Anh và các nghệ sĩ trò chuyện tại một quán cà phê trên phố Thuốc Bắc
Cuộc gặp của sáu người chúng tôi với Hoàng tử nước Anh diễn ra khá con cà con kê. Nó không nghiêm cẩn và xa lạ như nhiều người hình dung. Sứ quán yêu cầu tôi đến sớm. Phố Lãn Ông, rồi phố Thuốc Bắc kẹt cứng người hâm mộ, lực lượng an ninh mặc thường phục và quân phục canh gác cẩn mật. Công an phường tuýt còi rinh rợp.
Tôi len vào đám đông, ngó một anh chàng cao lỏng ngỏng, đẹp trai quá. Anh ta đang cúi xuống để nói với ông lãnh đạo Hội Đông y Việt Nam về việc sử dụng sừng tê giác trong đông y, anh ta hỏi người bán hàng, về những thứ thuốc cây cỏ lá lẩu có thể thay thế ngon lành các công dụng được đồn thổi của sừng tê giác.
Hoàng tử chơi ở đó rất lâu, ngắm rất kỹ, thắc mắc mọi thứ rất hồn nhiên. Báo chí trong nước và quốc tế lăn lê bò toài. Có cô nhân viên sứ quán nhận ra tôi, hỏi “nhà báo Hoàng không đi tác nghiệp à”, tôi bảo “thèm lắm, nhưng người ta mời tôi đến bằng thư và yêu cầu tôi không được mang máy ảnh”.
Lúc ngó vào, tôi lùn một mẩu, nhà báo Tây và quay phim ta đều cao khỏng, cố chụp bằng điện thoại, vớt vát một cái ảnh kỷ niệm, một cán bộ ra ngăn tôi lại, hỏi: “Anh đi đâu?”, tôi thở dài: “Mình được mời đến tiếp ông này, cậu có xem thư mời không?”. Tôi tự tin bước vào. Xung quanh là một rừng ống kính phóng viên.
Dốt tiếng Tây, hình dong cổ quái, ngồi cạnh các người nổi tiếng lại có cả ông hoàng tử ở nước văn minh bậc nhất thế giới chỉ cách mình một cùi chỏ tay, tôi đã không biết nói gì. Sau cái bắt tay chắc nịch với hoàng tử, chúng tôi an tọa ở cái ghế gỗ vỉa hè. Hoàng tử ngồi ngoảnh mặt ra đường, ghế của ngài là bệ đá bệ gỗ của quán luôn. Anh ta rất cao, nên cái bàn “trà đá” tỏ ra hơi thấp.
Tác giả và các nghệ sĩ ngồi trò chuyện cùng Hoàng tử Anh
Tôi nói, anh ta gật gật khiến tôi tự tin nghĩ: tiếng Anh của mình nói với người Anh, lại là hoàng tử nước Anh, ông ấy hiểu hẳn hoi, thế là ngon rồi. Ông bảo, “anh là nhà báo duy nhất có mặt trong cuộc gặp gỡ này”, tôi cười tếu: “Gặp hoàng tử đâu có dễ. Tôi sinh ra ở quê mùa thì lại càng khó”.
Chúng tôi nói về các chuyến đi châu Phi, các chuyến điều tra ở Việt Nam và kết quả cuộc chiến bảo vệ các loài hoang dã ngay tại Việt Nam - thị trường cuối cùng (nơi tiêu thụ) sản phẩm động vật hoang dã thuộc dạng nóng bỏng trên toàn thế giới! Hoàng tử đi thăm hiệu thuốc Đông y, lại ngồi hàn huyên với các bác sỹ đông y, các công ty dược phẩm.
Tôi có cảm giác, ông yêu thiên nhiên đến tận cùng. Không phải là diễn, không thể là diễn hay làm hàng. Một ông hoàng như thế, một tâm hồn như thế với các tuyên bố và các hành vi vì động vật mà cả thế giới đã biết như thế, không ai có quyền nghĩ rằng: ông bảo về thiên nhiên môi trường và các loài hoang dã vì mục đích gì, ngoài cái mục đích: vì hạnh phúc của chính các loài hoang dã, do thế cũng là vì hạnh phúc, vì nhân cách tử tế của chính loài người.
Đó là lương tri của thời đại, đó là khát vọng của cả nhân loại tiến bộ. Và chúng ta chỉ có một nhân cách hoàn thiện, một khi chúng ta tử tế với thiên nhiên - tấm áo giáp, chiếc tay nôi bảo vệ sự sống của chúng ta và con cháu chúng ta.
Tác giả trò chuyện với Hoàng tử Anh
Hoàng tử Anh: sao lại dùng sừng tê giác mà lại không phải là chiếc ô tô để “thể hiện đẳng cấp”?
Nghệ sỹ Thanh Bùi nói tiếng Anh rất tốt, Hồng Nhung lấy chồng Mỹ thì cũng chẳng kém. Họ tranh luận với Hoàng tử theo đúng nghĩa. Hoàng tử nói chuyện hồn nhiên, lắng nghe kỹ, nói năng từ tốn, nhưng khi đã tranh luận thì khá là đến cùng.
Ông bảo, ở Anh, ông thích thể thao, thích xe máy phân khối lớn. Hỏi, thế ông có muốn đi một “con” xe như thế ở Việt Nam không? “Ở đây quá nhiều xe đi lại”, ông mỉm cười, gương mặt dường như biểu lộ sự khâm phục phố cổ đông đúc và người Việt sao lái xe máy tài thế (?). Ông nói vui, có lẽ lần sau tôi nên thử. Chắc ông chưa biết, có một thống kê báo chí trích dẫn vô cùng tâm đắc, rằng: khi được hỏi, “điều khủng khiếp nhất ở Việt Nam” thì gần như 100% du khách nước ngoài đều trả lời là “giao thông”. Trong giao thông Việt Nam, thì thảm họa của mọi thảm họa là xe máy.
Diva Hồng Nhung nói về chuyện sừng tê giác không thể là thần dược, vì nó không có tác dụng chữa bệnh hiểm nghèo như người ta đồn thổi để trục lợi, trục lợi trên cái chết oan uổng của bầy tê giác cách họ ngót nửa vòng trái đất. Hồng Nhung cũng kể về những tải nghiệm đầy máu hoang thú khiến mình mất ngủ nhiều đêm ở châu Phi. Sừng tê giác đôi khi là thứ để người ta thể hiện đẳng cấp, ta đây sành điệu, ta đây giàu có thành đạt hơn người.
Hoàng tử nghe xong, ông có vẻ rất thú vị với chi tiết này, ông nói nhỏ, hài hước: sao để thể hiện đẳng cấp, họ không mua một cái ô tô sang trọng, sao lại là sừng tê giác nhỉ? Ai nấy ồ lên. Dường như quá nhiều người đã mông muội bị các con buôn lừa phỉnh. Nó huyền hoặc hóa, đẩy công dụng của sừng tê giác lên đẳng cấp thần dược, chữa ung thư, là “tín vật” của người giàu; trong khi sự thật lại ngược lại hoàn toàn.
Truyền lửa cho các “đại sứ môi trường”
Có lẽ, lần đầu tiên có một vị hoàng tử, một nguyên thủ, một người nổi tiếng và được hâm mộ rộng rãi như Công tước xứ Cambrige đã có một chuyến đi chuyên đề về bảo vệ động vật hoang dã như thế. Ông đã truyền lửa yêu thiên nhiên cho chúng tôi.
Ông đến từng hiệu thuốc, khu vực mà thật tình cờ, mấy năm qua, tôi đã hướng dẫn hoặc chứng kiến hàng chục đoàn nhà báo quốc tế hóa trang điều tra về việc người Việt Nam sử dụng sừng tê giác mông muội ra sao. Chúng ta có thể thấy bình thường, nhưng người phương Tây quen suy nghĩ định tính, họ phân tích tính chất lý hóa của sừng tê giác thì thấy nó chẳng có cái tinh chất gì quý giá cả.
Nó là sừng như móng tay người. Nó chỉ quý khi nó còn ở trên mặt các cá thể tê giác quý hiểm, đẹp và linh thiêng của chúng ta cũng như các cộng đồng bản xứ. Có khoảng 10 đoàn nhà báo quốc tế từng phỏng vấn tôi về các vấn đề này, họ đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên trước niềm tin mù quáng của nhiều người, khiến ít nhất 41% số tội phạm liên quan đến tê giác ở Nam Phi là người châu Á... Cao điểm, chỉ trong ít ngày, nhiều bảo tàng tự nhiên ở châu Âu đồng loạt bị mất sừng xịn của các mẫu vật tê giác.
Thú thật, đôi lúc tôi thấy xấu hổ vì sự tiền mất tật mang, sự mê muội của mấy người tôi từng biết.
Chắc là ông hoàng tử William rất hy vọng chuyến đi thăm Việt Nam với một số chuyên đề liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã của mình sẽ góp tiếng nói đích đáng để đem lại sự thay đổi nào đó tốt đẹp hơn cho lĩnh vực nóng bỏng này ở Việt Nam. Tôi tin vào kết quả đó. Tôi tin các nhà quản lý và lãnh đạo Việt Nam, sẽ đều coi cuộc “vi hành phố cổ” của Công tước xứ Cambridge, Hoàng tử nổi tiếng yêu thiên nhiên William kia giống như một cam kết ở tầm chiến lược nằm thúc đẩy các hoạt đồng nên làm và phải làm này trong thời gian tới.
Hoặc, ít ra là những gã như tôi, Xuân Bắc, hoặc Thanh Bùi, Hồng Nhung cũng thấy được động viên. Hoạt động của chúng tôi cũng đã hơn một lần được “vua biết mặt chúa biết tên” theo đúng nghĩa đen đấy chứ. Dù là khách mời chính thức “đón tiếp hoàng tử” nên tôi không phép mang máy ảnh theo, ngứa tay ngứa chân lắm.
Các "đại sứ môi trường"
Bèn ngồi nhớ lại, 20 năm qua, chưa bao giờ tôi bị tước mất “vũ khí” như thế cả. Hôm sau, xem báo chí đăng tải hình ảnh mình bắt tay “ông hoàng xứ sương mù”, thấy len lén một mỉm cười rất lạ. “Cậu bé mục đồng” được gặp hoàng tử, cậu ấy lại là con trai của công nương Diana (Vương phi xứ Wales), người mà tôi rất ngưỡng mộ - chứ đùa à.