| Hotline: 0983.970.780

Khi chúng ta đánh mất tiếng nói

Chủ Nhật 22/10/2017 , 15:15 (GMT+7)

Chúng ta đang sống trong thời đại đô thị hóa. Xu thế đô thị hóa đang chuyển động với một tốc độ nhanh dần ở các miền quê. Xu thế này là sự phát triển tất yếu của xã hội và nó không dừng lại cho đến khi nào nó tự phá hủy.

Chúng ta, đang tìm cách để thúc đẩy một cách nhanh nhất xu thế này nhưng lại tìm cách để trả lời câu hỏi: Làm thế nào để giữ được văn hoá Việt truyền thống trong thời đại đô thị hóa? Mà văn hoá Việt truyền thống chính là văn hoá làng.

09-22-18_trng_26
Ảnh minh họa

Nếu nhìn thẳng hiện thực các làng quê Việt Nam, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, nhiều yếu tố tạo nên văn hoá làng truyền thống đang bị phá vỡ. Chúng ta khó lòng giữ lại hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, khó lòng giữ được những buổi chợ phiên đúng nghĩa, khó lòng giữ được cấu trúc đặc trưng của làng.

Tư tưởng bê tông hoá đang từng bước thống trị các làng quê với những khối bê tông hộp được gọi là nhà. Những thứ tôi vừa liệt kê đang bị tấn công và đang biến mất từng ngày. Có thể sự thay đổi đối với những thứ mà tôi vừa nói là sự thay đổi tất nhiên. Vậy thì cái gì sẽ còn lại như hạt nhân của nền văn hoá Việt truyền thống.

Theo tôi, đó chính là đặc trưng của đại từ nhân xưng trong các gia đình, dòng họ, làng xóm Việt Nam. Đại từ nhân xưng là yếu tố vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là yếu tố quan trọng nhất để tồn giữ tinh thần văn hoá của làng Việt Nam. Yếu tố này không chấp nhận bất cứ sự lý giải nào cho những thay đổi với nó. Bởi nó không lệ thuộc vào những đặc tính của đô thị hoá, hiện đại hoá hay toàn cầu hoá.

Việt Nam là một nước nông nghiệp và bị tụt hậu so với khu vực và thế giới trong một thời gian quá dài. Chính thế mà nỗi khao khát của người Việt Nam trong việc hòa nhập vào nhịp điệu và tốc độ của đô thị và văn minh thế giới mạnh hơn bao giờ hết. Nhưng người Việt Nam cũng nhận thấy bản sắc của họ đang bị bào mòn.

Nhưng sự nhận biết của không ít người Việt Nam về bản sắc của mình lại rất mơ hồ. Đặc biệt là trong đời sống hậu hiện đại, khi chúng ta sống trong một đời sống đô thị và công nghiệp hóa, chúng ta thường mang cảm giác bản sắc dân tộc đã vô tình biến mất mà chúng ta rất khó nhận ra và khó cưỡng lại. Bởi quá nhiều người trong chúng ta mắc một sai lầm nghiêm trọng là coi bản sắc là những gì thuộc về một thời đại khác, một thời gian khác.

Nhưng thực tế, cho dù chúng ta lãng quên thì chúng ta vẫn đang sống với bản sắc và văn hóa của mình. Bản sắc không phải là một đồ dùng mà chúng ta rời bỏ nó khi chúng ta thấy có một đồ dùng khác có thể thay thế những đồ dùng đã cũ mà không ảnh hưởng đến chúng ta bất cứ điều gì.

Nhưng thực tế, bản sắc như không gian, dù chúng ta di chuyển từ nơi này hay nơi khác thì chúng ta vẫn nằm trong không gian đó. Có điều chúng ta không nhận biết được điều đó và chúng ta dần dần tìm đến một trạng thái văn hóa khác. Đó chính là sự đánh mất bản sắc của chúng ta.

Chúng ta có thể nói, bản sắc vẫn còn nguyên vẹn bản chất của nó trong đời sống đương đại. Nhưng chúng ta sẽ xác lập bản sắc dân tộc hay nói cách khác là xác lập “Căn cước văn hóa” cho cá nhân chúng ta và cho cộng đồng chúng ta như thế nào trong đời sống đương đại này?

Bởi trong sự phát triển của xã hội Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng, chúng ta không thể đời sống hóa tất cả những gì trong quá khứ lâu dài đã tạo nên bản sắc của dân tộc mình. Để tìm cách bảo vệ bản sắc và đời sống hóa bản sắc đó thì chúng ta phải xác lập những yếu tố cơ bản nhất của bản sắc Việt. Từ đó, chúng ta sẽ chọn lựa những yếu tố cơ bản nhưng có tính phù hợp dễ nhất và cao nhất với đời sống hậu hiện đại mà chúng ta đang sống.

Theo tôi, điều cơ bản làm nên bản sắc Việt là tiếng nói. Tôi khẳng định: tiếng nói mà tôi đề cập ở đây là ngôn ngữ sẽ không bao giờ mất đi. Nhưng khi chủ nghĩa hiện đại xuất hiện thì ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng sẽ bị phân ra thành hai loại chính: Loại thứ nhất là ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng.

Ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng bao gồm ngôn ngữ giao tiếp, bày tỏ mang tính truyền cảm trong sinh hoạt gia đình, dòng họ, làng xóm, lễ hội; loại thứ hai là ngôn ngữ hành chính. Ngôn ngữ hành chính là kết quả của những phát triển xã hội. Ngôn ngữ hành chính trong xã hội Việt Nam càng ngày càng mang tính khoa học cao.

Một trong những đóng góp quan trọng để bảo tồn những nét đẹp đầy bản sắc trong các mối quan hệ gia đình và xã hội Việt Nam là sự phong phú và rất đặc trưng của Đại từ nhân xưng trong ngôn ngữ Việt.

Đại từ nhân xưng đã gián tiếp sắp xếp các trật tự xã hội và tạo nên sự sâu sắc trong tình cảm con người với nhau. Chính việc dùng đại từ nhân xưng hàng ngày trong gia đình hay trong công sở đã làm chậm lại quá trình "thị dân hóa" trong những mối quan hệ con người.

Khi đại từ nhân xưng bị thay đổi thì những giá trị tinh thần và những giá trị mang tính phả hệ bị phá vỡ. Khi những giá trị này bị phá vỡ thì văn hoá Việt sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Chúng ta sẽ kinh hoàng khi chứng kiến trong một gia đình hay trong một làng Việt biến mất hoàn toàn những đặc tính của đại từ nhân xưng.

Ở đó, người ta chỉ còn sử dụng ba ngôi chính: ngôi thứ nhất: tôi, ngôi thứ hai: anh (chị) và ngôi thứ ba: anh ta (chị ta). Nếu có sự thay đổi đối với ba ngôi này thì chỉ là sự thay đổi từ số ít thành số nhiều như: chúng tôi, các anh (các chị) và các anh ấy (các chị ấy) mà thôi.

Hiện thực cho chúng ta thấy, đại từ nhân xưng đang bị biến dạng trong đời sống xã hội. Chỉ lấy ví dụ về những người trẻ xưng hô ở xã hội nông thôn Việt Nam đương đại không đúng với bản chất đại từ nhân xưng tiếng Việt với những người hơn tuổi hay những người lớn tuổi đã cho thấy những dấu hiệu của sự bất ổn trong đạo đức xã hội và những giá trị thuần phong mỹ tục. Sự biến dạng này rất chậm.

Chậm đến mức không gây nên cảm giác nào về mối nguy hiểm đối với nền tảng văn hoá mà người Việt Nam đã tạo dựng lên từ mấy ngàn năm nay.

Nhưng cái chết của một nền văn hoá thường đi theo con đường như thế cũng như sự sinh ra con đường đi đến một nền văn hoá. Nó đòi hỏi chúng ta phải giữ nhịp sống của những giá trị này giống như giữ nhịp đập của trái tim mà không được phép dừng lại bất cứ lúc nào.

(Kiến thức gia đình số 41)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm