| Hotline: 0983.970.780

Không bơm điện, khó làm vụ thu đông

Thứ Sáu 12/10/2012 , 09:50 (GMT+7)

Các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp đã quan tâm làm tốt công tác đê bao, trạm bơm nên ngày càng nâng cao hiệu quả SX nông nghiệp.

Đảm bảo tưới tiêu ruộng rẫy là việc hệ trọng trong SX nông nghiệp, các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp quan tâm làm tốt công tác đê bao, trạm bơm nên ngày càng nâng cao hiệu quả SX.

Rẻ hơn dầu

Chúng tôi về vùng lúa nếp Phú Tân, ông Trần Văn Triệt, Chủ nhiệm HTX Chợ Vàm, huyện Phú Tân (An Giang) cho biết: “Hiện nay 10 trạm bơm đôi của HTX với công sức lớn bố trí khắp thị trấn Chợ Vàm phục vụ SX 1.156 ha lúa đang vào mùa cao điểm bơm tát, tháo nước chống úng. Vụ TĐ, HTX Chợ Vàm chỉ hoạt động chống úng khoảng 10 ngày đảm bảo lượng nước trong đồng ruộng, còn việc bơm vào thì không có”.

HTX Chợ Vàm có 112 xã viên đi vào hoạt động từ 2002 đến nay, phục vụ bơm tát cho nông dân ở khu vực này rất hiệu quả. 1 năm HTX đem lại doanh thu từ 1-1,2 tỷ đồng. Ngoài ra HTX còn thực hiện các dịch vụ khác như nạo vét đường nước, bơm tưới tiêu, đội sạ hàng, phun xịt thuốc BVTV và tín dụng nội bộ cho bà con xã viên.

Theo ông Triệt, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện bơm tiêu là thỉnh thoảng vẫn gặp sự cố mất điện đang trong lúc vận hành, nhất là vào mùa mưa bão hoặc thời điểm rút nước để xuống giống vụ ĐX. Nguyên nhân đó làm ảnh hưởng đến hợp đồng với xã viên và làm trễ lịch thời vụ hoặc làm ảnh hưởng đến năng suất lúa.


Trạm bơm điện ở huyện Phú Tân, An Giang đang hoạt động

Tiếp xúc với ông Huỳnh Thanh Long, thành viên HTXNN Trung Thành, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới (An Giang) được ông cho biết: “HTX đi vào hoạt động hơn 10 năm nay, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bơm tát phục vụ SXNN là chính. HTX Trung Thành có 5 trạm sử dụng động cơ bằng mô tơ điện hoạt động rất hiệu quả, phục vụ cho 3 vụ lúa trong năm gần 120 ha với 77 hộ dân. Ngoài ra còn có 2 trạm bơm điện phụ mương Xã Năng, kênh 77.

Mấy năm gần đây, người dân sử dụng một giống lúa, lịch xuống giống cùng thời điểm, lấy nước ra vào ruộng đồng từ hệ thống trạm bơm điện của HTX nên giảm được giá thành, năng suất tăng thêm và yên tâm SX lúa vụ 3 mà không sợ ngập úng khi nước về, còn mùa khô hạn lại không sợ thiếu nước vào đồng ruộng”.

Việc bơm tiêu chuẩn bị xuống giống, các trạm bơm HTX hoạt động từ 10-15 ngày để tháo nước. Còn khi lấy nước từ rạch nhánh sông Tiền bơm vào đồng ruộng thực hiện trung bình từ 4-5 lần/vụ lúa.

Sang HTX Tân Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), anh Nguyễn Văn Trãi, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Chúng tôi xây dựng được hệ thống trạm bơm, đê bao, cống đập phân vùng khép kín đồng bộ trên toàn cánh đồng bằng bơm điện, chủ động tưới tiêu cho diện tích 600 ha. Đặc biệt trước tình hình khó khăn về điện, HTX đã bố trí chọn lịch bơm nước vào giờ thấp điểm nên giá thành hạ, giá thu phí thuỷ lợi vì thế thấp hơn bên ngoài”.

Nghịch lý với ngành điện

Tại tỉnh Đồng Tháp, các huyện đang đẩy mạnh hệ thống trạm bơm điện và các công trình thủy lợi đi kèm. Trong 2 năm 2010-2011, tỉnh Đồng Tháp đã huy động thực hiện các công trình thủy lợi với tổng vốn khoảng 262 tỷ đồng; trong đó vốn vay của Quỹ Đầu tư phát triển trên 174 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 53 tỷ đồng, vốn nhân dân trên 34 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 832 trạm bơm điện, tính đến cuối năm 2011, phục vụ tưới tiêu trên 150.000 ha đất canh tác.

Theo báo cáo của Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp Lê Văn Hùng: “Riêng năm 2012, đến tháng 9/2012 địa phương thực hiện thêm 23 trạm, diện tích phục vụ 2.896 ha, kinh phí 5.456 triệu đồng, giải ngân 578 triệu; trong đó vốn vay 4.290 triệu, huyện 516 triệu, chủ đầu tư 650 triệu. Huyện Thanh Bình đã thực hiện 12 trạm vụ TĐ năm 2011. Trong tháng thực hiện thêm 1 trạm, diện tích phục vụ 175 ha, kinh phí thực hiện 374 triệu đồng”.

Tại tỉnh An Giang, tính đến năm 2012 trên địa bàn có 1.490 trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu cho khoảng 170.000 ha SXNN. Trong đó diện tích gieo trồng được tưới bằng trạm bơm điện cả năm 238.000 ha (đạt 37% so diện gieo trồng cả năm 648.000 ha), diện tích được tiêu bằng trạm bơm điện cả năm 476.000 ha (đạt 73%).

Ông Vương Hữu Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết: “Tất nhiên bơm điện giảm được chi phí hơn bơm dầu. Mức chênh lệch phải trả thêm cho bơm dầu, tuỳ thời giá, nhưng có tới 400.000-600.000 đồng/ha. Ngoài ra, cái lợi liên hoàn là có trạm bơm, bơm điện địa phương mới tăng vụ được cho nhiều vùng SX của tỉnh, nhất là những năm lũ cao rút chậm. Từ đó, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng lương thực, nông dân có được công ăn việc làm nhiều hơn. Nhìn chung là làm tăng hiệu quả các ngành hàng, dịch vụ khác có liên quan”.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng:

An Giang, Đồng Tháp là các tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa thủy lợi. Riêng An Giang phát triển mạnh trạm bơm, bơm điện rộng khắp đáp ứng được nhu cầu SX, nhất là vụ TĐ, ĐX. Phần lớn trạm bơm điện ở ĐBSCL có mô hình xây dựng đơn giản không kiên cố như miền Bắc. Do vậy, mức đầu tư thấp mà đảm bảo tưới tiêu kịp thời, đồng loạt trên một diện rộng.

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trạm bơm điện, An Giang đầu tư kéo mới, cải tạo hơn 358 km đường dây điện 3 pha, lắp đặt 936/693 trạm biến áp (135%), với công suất 85.900/62.400 KVA (138%). Các tổ chức hợp tác và cá nhân đã đầu tư 936/758 trạm bơm điện (123%) khai thác phục vụ bơm tưới tiêu 137.000/131.000 ha (105%) đất SXNN.

Tổng kinh phí đầu tư hệ thống trạm bơm điện hơn 438 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng đường dây điện 3 pha và bình biến áp khoảng 185 tỷ đồng, do TCty Điện lực miền Nam (ĐLMN) vay từ các ngân hàng thương mại đầu tư cho An Giang. Các tổ chức hợp tác, cá nhân khai thác trạm bơm điện thu từ nông dân trả vốn gốc và lãi vay cho TCty ĐLMN với mức lãi suất bình quân 16%/năm. Kinh phí xây dựng hệ thống trạm bơm (công trình đầu mối và nội đồng) khoảng 249 tỷ đồng, do các tổ chức hợp tác và cá nhân khai thác trạm bơm điện đầu tư để làm dịch vụ bơm tưới tiêu.

Tuy nhiên, ông Tiếng cho biết: “Việc đầu tư tuy đạt hiệu quả xã hội, nhưng ngoài việc nông dân phải đóng góp trả vốn gốc và lãi vay để đầu tư hệ thống hạ thế điện cho TCty ĐLMN khoảng 185 tỷ đồng 4 năm và lãi suất thương mại đến cuối năm 2012 có thể đến 35 tỷ, cộng với việc phải trả chi phí bơm tưới tiêu, nên giá thành SX lúa không giảm đến mức tối đa; vì vậy, hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó ngành điện lại được quản lý và khai thác tài sản đó với nhiều hình thức khác nhau. Nghịch lý đó đã làm giảm sự đồng thuận ban đầu của nông dân, giảm nhiệt tình đóng góp đầu tư, làm hạn chế tốc độ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm