| Hotline: 0983.970.780

Không có rừng bần, Cù Lao Dung trôi mất

Thứ Sáu 21/12/2012 , 10:34 (GMT+7)

Đó là lời tự hào của ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) khi nói về vai trò của cây bần giữ đất và mở đất ở cù lao này.

Đó là lời tự hào của ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) khi nói về vai trò của cây bần giữ đất và mở đất ở cù lao này.

Quả đúng! Chúng tôi mừng vì rừng ở đây không bị khai thác thu hẹp lại như ở nhiều nơi; trái lại người dân đã thấy được giá trị cây bần không những làm cho vùng đất cù lao này mỗi ngày rộng thêm ra; mà dưới tán rừng bần, cũng là phương kế sinh nhai cho nhiều hộ dân gắn bó với rừng, bảo vệ rừng để khai thác thủy sản.

Rừng bần che chở

Theo quốc lộ 91B, đường Nam Sông Hậu xuôi về biển, chúng tôi đến cù lao Dung những tháng ngày cuối năm. Cù lao này ngày nào nhà văn Sơn Nam ghé chơi để viết tác phẩm “Bên rừng cù lao Dung”, giờ đã trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện, thuộc tỉnh Sóc Trăng, diện tích tự nhiên khoảng 250 km2.

Cứ mỗi năm thiên nhiên bồi đắp cho cù lao này khoảng 50 ha, khiến bờ thềm rộng thêm mỗi ngày. Ngoài diện tích đất ở, hạ tầng, cù lao có được đất trồng trọt gần 15.000 ha và 1.640 ha rừng phòng hộ, trong đó 250 ha rừng ven sông, chủ yếu là rừng đặc sản bần và một ít đước. Ngoài rừng phòng hộ, nhờ bần mà cù lao này còn lồi ra biển thêm một bãi bồi trên 10.000 ha mà người dân địa phương khai thác nghêu giống. Hợp tác xã nghêu giống tổ chức khai thác bán được vài tỷ mỗi năm.


Khai thác mật ong ở cù lao Dung

Dân gian có câu nói về đặc tính gỗ của cây: “Bần giòn, ổi dẻo, me dai”. Bần mọc ở thềm đất và nước gặp nhau mỗi ngày theo con nước thủy triều. Gỗ bần rất giòn, nên thân, nhánh dễ gãy, chỉ cần một tác động không quá mạnh của gió, con người là bần có thể ngã đổ trôi theo dòng nước.

Thiên hạ cũng không đốn bần vì đất mà bần mọc, con người chưa “dòm ngó”; vả lại, gỗ bần cũng không làm được gì ngoài việc làm củi. Nhưng ngày nay, người ta cũng không quan tâm đến loại chất đốt này nữa. Còn trái bần với con người chỉ có giá trị “ăn đỡ nghiền”, hoặc làm nước mắm thay me, vì trái có vị chua, chát cũng hấp dẫn, lạ miệng với ai chưa từng ăn mà chỉ quen ăn nước mắm chanh.

Tương truyền, chúa Nguyễn Ánh (Gia Long) những năm gian khổ chiến tranh đối đầu với nhà Tây Sơn - Nguyễn Huệ, được người dân phương Nam đùm bọc và có lần chúa ghé nhà một người dân được cho thưởng thức món nước mắm bần. Chúa ăn khen ngon, không muốn để tên cúng cơm “bần” nghe “bần hàn”, kham khổ nên đổi tên là “Thủy Cúc”; một cái tên kiêu sa, nhưng không mấy người dân Nam Bộ nhớ tên khai sinh mà chúa đặt cho cây bần.

Vì lẽ, cây bần không bị “triệt hạ”, mặt khác được sự quản lí của chính quyền địa phương, kiểm lâm, rừng cù lao Dung mỗi năm được mở rộng thêm ra. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, trung bình mỗi năm diện tích rừng bần được thêm ra khoảng 30 - 40 ha.

Rừng bần không có giá trị gỗ, nhưng nó rất hữu ích ở nhiều phương diện. Ngoài việc điều tiết tự nhiên của vai trò rừng cây xanh, lá phổi của thiên nhiên giúp cho con người có được một môi trường tốt, trong lành trong điều kiện biến đổi khí hậu thất thường, bần còn giúp mở rộng “bờ cõi, giang sơn”; mặt khác, dưới tán rừng bần là một nguồn lợi thiên nhiên vô giá.

Anh Nguyễn Văn Hai, nông dân kiêm thêm nghề câu, đánh bắt cá bông lau ở khu rừng bần cho biết: “Cá bông lau rất thích bông bần và trái bần. Vì vậy, dưới tán rừng bần có thể xem đây là giang sơn của chúng. Mùa cá bông lau, nhiều người đi câu đêm hoặc quy mô hơn thì tổ chức đánh bắt. Tôi cũng đi câu, bình quân đêm kiếm được 1 - 2 con, mỗi con trên dưới 3 kg, thì cũng kiếm được khoảng 500.000 đ/đêm.

Ngoài ra, tùy theo mùa, người dân ở đây có thể khai thác cá bống sao, cá kèo con, cá đối, cua biển con, dọp, hến, đồm độp (một loại như con sâm đất, sống dưới gốc bần), ba khía, ong mật… Ông Trần Văn Vinh ở ấp An Thạnh Nam cho biết: “Mùa cá kèo con, thiên hạ đi bắt mỗi ngày cũng được 1 li cá con, bán lại cho người nuôi cũng kiếm bạc triệu. Còn bắt cua biển con cũng được 400.000 - 500.000 đ/ngày. Mùa ba khía, họ cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đ/ngày...".

Chúng tôi hỏi thăm, anh Lê Thành Tâm ở ấp An Thạnh Ba đang chuẩn bị “tóm” một ổ ong ruồi vừa tìm thấy trong khu rừng: “Kiếm ong mật, mỗi ngày anh được bao nhiêu?”. Anh Tâm đáp: “Cũng tùy, có ngày nhiều ngày ít. Nhưng nếu vào mùa, tôi cũng có thể kiếm được 3 lít, bán được 300.000 đ”.

Như vậy, người dân ở đây cũng sống được dưới sự che chở của rừng bần nên họ cũng biết quý rừng mà bảo về lại chúng. Tùy theo hoạt động, tuổi tác, sự thành thạo nghề, mùa vụ… mà họ có thể kiếm được “công nhật” từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng, có ngày may mắn cũng có thể được hơn thế.

Biển tiến

Cũng phải thấy, khoảng mười mấy năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư cho Cù Lao Dung 3 đê bao kiên cố, giá trị với nhiều tỉ đồng. Ông Hồ Thanh Kiệt cho biết: “Ba đê bao bảo vệ gồm đê biển dài 24 km, cao trình 3.6; dự án năm 2013 sẽ nâng đê này lên cao trình 4.0 (tương đương 4 m cao so với mực nước biển). Ngoài đê biển, còn có 2 đê “tả - hữu” cồn. Hai đê này có chiều dài tổng cộng trên 81 km, cao trình chung 3.2. Vào những thời điểm nước dâng cao như tháng 9, tháng 10, những chỗ đê tả hữu có cao trình từ 2.8 - 3.0 thì mức nước cũng chỉ lé mé”.

Kể ra nhờ các con đê này, người dân yên tâm sinh sống và cũng không phải lo việc SX bị thất bại, đình đốn, mất trắng. Như một số người dân sinh sống cạnh rừng cho biết, hệ động vật rừng ở đây chỉ còn khỉ, rái cá, dơi quạ và một số loài chim cò. Tuy nhiên, chúng không còn nhiều, nhất là quần thể khỉ, chỉ còn vài chục con mỗi đàn, thường chúng sống trong vùng lõi.

Có thể cộng đồng loài khỉ không còn nhiều như thời Sơn Nam ghé qua. Nhưng hi vọng với sự quản lí của kiểm lâm, chính quyền, cùng ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ tự nhiên, bảo vệ rừng, khỉ và nhiều loài sinh vật khác không bị sự truy bắt của con người, có điều kiện phát triển, sinh sôi nẩy nở bầy đàn. Và rừng cù lao Dung cũng sẽ là điểm du lịch được nhiều du khách thập phương tới thăm.

Cũng nhờ đê bao được xây dựng, gồm đê biển và đê bao tả - hữu, mà cù lao Dung ngăn được triều cường, bảo vệ được tính mạng, tài sản và thành quả SX của người dân. Đồng thời, giải quyết được vấn đề giao thông đi lại cho người dân các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam. Cũng như giúp công tác phòng tránh lụt bão vào mùa mưa hữu hiệu hơn, chẳng hạn, công tác di dời dân thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Ông Phạm Hồng Văn, Phó chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: "Khoảng mười mấy năm nay, ngoài thềm bờ biển cù lao có hiện tượng tự nhiên nổi lên một vùng đất, có tên Cồn Văn, nên hiện tượng bồi lắng tại Cồn Văn, nói chung của huyện Cù Lao Dung, mỗi năm rộng thêm ra 50 - 60 ha. Tính chung trong thời gian này, Cù Lao Dung có được một diện tích đất phát triển vào khoảng 400 - 500 ha.

Như vậy, nhìn chung rừng bần cũng phát triển được thêm đáng kể, một phần tự mọc và một phần do chúng ta trồng thêm. Nhưng nhìn từ một hướng ngược lại, chính rừng bần phòng hộ đã giúp cù lao này không những tồn tại giữa bốn bề sông nước, mà còn phát triển ngày rộng thêm ra. Vì vậy, chúng tôi luôn vận động người dân ý thức bảo vệ rừng nghiêm ngặt".

Mặt khác, theo ông Văn, việc chặt phá rừng ở đây có thể nói gần như không đáng kể. Vì 2 lí do, ý thức bảo vệ rừng phòng hộ của người dân khá cao. Hơn nữa, dưới tán rừng bần, người dân cũng hưởng được quyền lợi, nên họ cũng ý thức nhiều hơn. Chẳng hạn, họ có thể vào rừng để bắt cua, bắt cá; tùy theo mùa mà khai thác con giống cua biển, cá kèo, thòi lòi, cá bóng, cá ngác, cá đối…

Vả lại, công tác quản lí rừng của Hạt Kiểm lâm cũng rất nghiêm ngặt. Một điểm đáng mừng là trong rừng bần dần phát triển một hệ động vật phong phú, nhất là chim, dơi, cũng có chồn, rái cá và cả khỉ...

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm