| Hotline: 0983.970.780

Không thể khuất phục một dân tộc: Khí phách hiên ngang trước kẻ thù

Thứ Ba 10/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái không chỉ đánh thức tình yêu nước của cả dân tộc, còn là câu trả lời đối với thực dân Pháp: Nơi nào có áp bức bóc lột thì nơi đó có đấu tranh; súng gươm của kẻ thù không thể khuất phục được một dân tộc./ Bản tráng ca bất tử

Khởi nghĩa Yên Bái chấn động cả nước Pháp, nhiều nhà văn, nhà báo và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi viết về khởi nghĩa Yên Bái đều thể hiện sự cảm phục trước tình yêu nước và khí phách hiên ngang của các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ) trước lưỡi lê và máy chém của kẻ thù...

Sau khi khởi nghĩa Yên Bái nổ ra, báo chí Việt Nam và báo chí Pháp thời bấy giờ có nhiều bài viết, trong cuốn "Viet-nam, la tragédie Indo-chinoise" của nhà báo Pháp Louis Roubaud do NXB Valois-Paris, năm 1931, đã được Đường Bá Bốn dịch sang tiếng Việt với tiêu đề: "Việt Nam bi thảm Đông Dương" do Đại Nam văn hiến, Sài Gòn in và phát hành năm 1963.

Trong cuốn sách, nhà báo Louis Roubaud đã mô tả một phần cuộc khởi nghĩa Yên Bái và không tiếc lời ca ngợi Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu- hai lãnh tụ của VNQDĐ. Ông gọi Nguyễn Thái Học là “đại giáo sư”. Trước toà đại hình xử tại Yên Bái, Nguyễn Thái Học trả lời trước toà: Tôi coi đây như là cưỡng bức xử án, chứ không phải công lý.

Louis Roubaud gọi Nguyễn Khắc Nhu: "Tình trạng chính trị hiện tại". Cũng có thể hiểu Nguyễn Khắc Nhu là nhà lý luận của VNQDĐ (?).

Còn Phó Đức Chính dưới con mắt của Louis Roubaud: “Đó là một thanh niên trẻ hai mươi ba tuổi, mà tù đày làm ông hao mòn, gầy guộc... Trên khuôn mặt biểu hiện lầm lì, lời nói ngắt quãng, bỏ nửa câu, lo âu và bí mật; lại có vẻ huyền bí dễ khiến người nghe phật lòng, giống như hầu hết những người bản xứ. Vẻ nhìn chân thật thông minh của ông đối với tôi, thì không có gì là trẻ con cả”.

Ẩn sau con người thư sinh ấy là một chiến sĩ cách mạng kiên cường: “Ông mơ ước rất chính đáng về vụ đổ máu đêm 9 rạng ngày 10/2/1930; một khi chấm dứt sẽ đem lại hừng đông cho nền độc lập”.

Trước toà đại hình Phó Đức Chính đã nhận: “Trách nhiệm mình là kẻ duy nhất trong số người bị kết án, chối từ ký lệnh chống án trước Hội đồng Bảo hộ”...

21-19-22_h5
Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học luôn đầy ắp hoa tươi

Trong cuốn "Nguyễn Thái Học 1902-1930" của nhà văn Nhượng Tống xuất bản năm 1956 và cuốn "Khởi nghĩa Yên Bái 2/1930, một số vấn đề lịch sử", do Sở Văn hoá - Thông tin Yên Bái và Viện Sử học Việt Nam xuất bản năm 1997, qua nhiều bài viết người đọc có thể hình dung ra những chiến sĩ VNQDĐ những giờ phút cuối đời đã thể hiện tình yêu nước và khí phách hiên ngang trước quân thù.

Ngô Hải Hoàng người đã thay Quản Cầm chỉ huy anh em binh lính trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái, khi viên chánh toà hỏi: Sao anh lại đánh Yên Bái?

Đáp: Không phải tôi đánh, mà Trung ương đảng bộ hạ lệnh tôi đánh.

Hỏi: Anh thật là người vô ơn! Ông quan ba Jourdain là quan thầy tử tế với anh, vậy mà đêm ấy anh đã bắn chết ông ta trước nhất.

Đáp: Ông Jourdain tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đối với đảng, với nước. Người Việt Nam chúng tôi bao giờ cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

Hỏi: Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết sáu người Tây.

Đáp: Tôi làm gì giết được nhiều người như thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả đảng chúng tôi, chỉ là một người, anh em tôi giết cũng chính là tôi giết. Tôi sẵn lòng chịu hoàn toàn trách nhiệm...

Ngô Hải Hoàng là người bị chém đầu tiên tại Yên Bái ngày 8/3/1930 cùng 3 người đồng chí khác của ông.

Ngày 17/6/1930 đợt chém thứ hai, chiều 16/6 chúng dẫn 13 tử tù VNQDĐ từ nhà pha Hoả Lò lên tàu hoả chở lên Yên Bái.

21-19-22_h6
Cây đại do Tổng Bí thư Đỗ Mười trồng trong khu mộ Nguyễn Thái Học

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái, ngày 17/6/2000 tỉnh Yên Bái và Bộ VH-TT&DL đã khởi công xây dựng tượng đài, lăng mộ cùng nhiều hạng mục khác của Khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học với 17 cột tượng trưng cho 17 liệt sĩ bị hành hình tại đây, kết nối 17 cột là vòng tròn khuyết với dòng chữ “Không thành công cũng thành nhân”.

Nguyễn Thái Học dặn dò những đồng đội ở lại: Chúng tôi chắc đi chết đây! Các anh sống, cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mệnh cũng thành công...

Biết mình sắp bị hành hình, nhưng trên tàu Phó Đức Chính đùa vui: Đến Yên Bái, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào bốn anh Thịnh, Hoàng, Thuần, Thuyết chẳng đứng chực sẵn chúng ta ở sân ga? Điều đó đủ thấy các chiến sĩ VNQDĐ coi cái chết nhẹ như lông hồng.

Khi chúng đưa lên máy chém, Phó Đức Chính là người thứ 12 bị chém, ông đòi đặt nằm ngửa để xem lưỡi máy chém lao xuống như thế nào. Trước khi chết ông còn hô vang “Việt Nam vạn tuế”.

Nguyễn Thái Học là người cuối cùng bước lên máy chém. Chúng mời rượu, ông đã từ chối miệng ngậm điếu xì gà mỉm cười nhìn đám binh lính lưỡi lê tuốt trần và quần chúng nhân dân, nhìn máy chém rồi hô to “Việt Nam vạn tuế”.

Bà Trần Thị An người dân xã Âu Lâu, TP.Yên Bái, năm ấy 14 tuổi đi xem giặc Pháp hành hình những đảng viên VNQDĐ kể lại giây phút cuối cùng của Nguyễn Thái Học với cháu mình là nhà thơ Ngọc Bái: Khi lưỡi máy chém phập xuống, đầu Nguyễn Thái Học văng ra đất, máu từ cổ ông phun lên ngỡ như cả bầu trời nhuộm đầy máu, mắt ông vẫn mở trừng trừng, môi mấp máy một lúc mới thôi.

Sau khi chém xong các chiến sĩ VNQDĐ, chúng xếp 13 cái đầu thành một đống để thị uy người dân và những ai rắp tâm chống lại chính quyền bảo hộ. Nhưng việc làm đó càng khiến nhân dân căm thù chúng hơn.

Chúng chất 13 cái xác không đầu lên một chiếc xe bò rồi kéo dọc phố bờ sông qua ga Yên Bái chôn chung trong một cái hố dưới chân một quả đồi đầy lau lách và nứa dại, nơi cách đó hơn một tháng chúng đã chôn 4 người đã bị chúng hành hình trước đó.

Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ VNQDĐ, tỉnh Yên Bái đã xây dựng một khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học nằm trong công viên Yên Hoà rộng 30ha. Ngày 5/3/1990, Bộ VH-TT&DL đã công  nhận đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Quốc vương Campuchia

Chiều 28/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Cần giải pháp giảm thiểu thiệt hại thiên tai kịp thời và phù hợp

ĐBSCL Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho rằng, cần có giải pháp kịp thời và phù hợp trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nội yêu cầu giảm áp lực thi tốt nghiệp THPT năm 2025

TP. Hà Nội yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.