| Hotline: 0983.970.780

Cần giải pháp giảm thiểu thiệt hại thiên tai kịp thời và phù hợp

Thứ Năm 28/11/2024 , 18:28 (GMT+7)

ĐBSCL Theo ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho rằng, cần có giải pháp kịp thời và phù hợp trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL.

Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.

Sáng 29/11, tại TP Cần Thơ Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam tổng chức Diễn đàn: “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Trước thềm Diễn đàn, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, có cuộc trả lời phỏng vấn xung quanh chủ đề này.

Ông Dũng chia sẻ, với những gì đã xảy ra trong những năm gần đây cùng với các dự báo của nhiều cơ quan chuyên môn trong và ngoài nước cho thấy thiên tai nói chung, thiên tai ở ĐBSCL nói riêng có xu hướng gia tăng cả về tần suất xuất hiện và cả về mức độ nguy hiểm. Nếu không có những hành động kịp thời, các rủi ro từ thiên tai ở ĐBSCL như hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt và sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế, đời sống và an toàn của hàng triệu người dân nơi đây.

Với tư cách là đơn vị chuyên môn, Viện đã có những nghiên cứu hay đánh giá nào nổi bật về tác động của biến đổi khí hậu đối với tình hình thiên tai trong khu vực?

Tình trạng thiên tai này ngày một nguy hiểm hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông.

Thứ nhất, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ làm gia tăng tính cực đoan của thời tiết, các đợt hạn hán kéo dài và nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Mực nước biển dâng cao (trung bình 0,35cm/năm) kết hợp với tình trạng sụt lún nhanh tại ĐBSCL (0,96 cm/năm - cao gấp 3 lần tốc độ nước biển dâng) khiến tác động của triều cường và ngập úng ngày càng rõ nét. Ngập lụt trở nên thường xuyên hơn, trở thành hệ quả tất yếu từ những tác động kép của biến đổi khí hậu.

Thứ hai, các hoạt động phát triển thượng nguồn cũng góp phần không nhỏ vào bức tranh này. Việc xây dựng các đập thủy điện đã thay đổi quy luật dòng chảy một cách đáng kể. Trong trường hợp cực đoan, mùa khô trở nên khô hạn hơn, xâm nhập mặn lan sâu hơn; mùa lũ lại tiềm ẩn lũ lụt bất thường và lớn hơn dẫn đến nguy cơ ngập lụt lớn hơn. 

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống hồ chứa, đập dâng ở thượng nguồn làm lượng phù sa về ĐBSCL giảm đáng kể, bên cạnh việc khai thác cát quá mức đã đẩy nhanh tốc độ xói lở bờ sông, bờ biển và gia tăng xâm nhập mặn.

Những hệ lụy từ các vấn đề này là vô cùng nghiêm trọng. Sinh kế của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng nặng nề. An toàn cộng đồng bị đe dọa - không chỉ về tài sản mà còn về sức khỏe, an ninh lương thực, và sự ổn định cuộc sống.

Thưa ông, có thể thấy rằng thiên tai khó tránh khỏi, do đó cần có các giải pháp và hướng giải quyết chính nào?

Đúng vậy, thiên tai khó tránh khỏi, do đó cần có giải pháp giảm thiểu thiệt hại kịp thời và phù hợp. Chúng ta cần tập trung vào ba hướng giải quyết chính:

Thứ nhất, cần tăng cường chủ động chuẩn bị ứng phó trước thiên tai. Ví dụ thực tế từ Bạc Liêu cho thấy, khi chúng ta chủ động chuẩn bị, thiệt hại sẽ giảm đáng kể.

Cụ thể, trong đợt triều cường tháng 11 năm 2024, mực nước ven biển tại Gành Hào đạt mức kỷ lục 2,65m trong 44 năm (1980-2024) vào lúc 3h00 sáng ngày 18/11/2024 vượt mức báo động 3 là 0,41m. Với triều cường này, các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ đều bị ngập nghiêm trọng.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ giúp người dân tỉnh Kiên Giang mà một số tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau cũng được hưởng lợi, với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.200ha; kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng. Ảnh: Đào Chánh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ giúp người dân tỉnh Kiên Giang mà một số tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau cũng được hưởng lợi, với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.200ha; kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng. Ảnh: Đào Chánh.

Riêng tỉnh Bạc Liêu, tỉnh giáp biển, đúng ra bị ngập nghiêm trọng hơn, nhưng nhờ có hệ thống cống kiểm soát triều ven biển, đồng thời chủ động trong vận hành đóng cống theo quy trình được xây dựng trước nên trong đợt triều cường này tỉnh Bạc Liêu không bị ảnh hưởng gì.

Thứ hai, tăng cường vai trò của cộng đồng thông qua việc tăng cường trang bị kiến thức, thông tin kịp thời và khuyến khích người dân  tham gia vào quá trình bảo vệ cuộc sống và sinh kế của họ từ đó sẽ giúp tăng tính chủ động và hiệu quả trong ứng phó thiên tai.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp tổng thể. Chúng ta cần kết hợp các giải pháp phi công trình như nâng cao nhận thức cộng đồng với các giải pháp đầu tư công trình dài hạn vào hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thiên tai là thách thức lớn, nhưng với tầm nhìn dài hạn và hành động kịp thời, ĐBSCL không chỉ vượt qua khó khăn mà còn có thể phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Kỷ luật Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đối với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đi cạo rong mứt, 1 người tử vong, 1 người mất tích

Quảng Ngãi 2 phụ nữ trong lúc cạo rong mứt thì bị sóng đánh, trượt chân rơi xuống biển. 1 người sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong, người còn lại vẫn đang mất tích.

Hành trình 33 năm xóa bỏ hôn nhân cận huyết dưới chân núi Ka Đay

Hà Tĩnh 10 năm về trước, từng có những cặp vợ chồng con chú lấy con bác, cháu anh lấy cháu em… nhưng vấn nạn nhức nhối ấy nay đã chấm dứt hoàn toàn.