Trang trại của anh Cường có gần 5 nghìn con gà, con nào con nấy bóng mượt, long lanh, trông rất bắt mắt. Từ ngày áp dụng “kỹ nghệ” đeo kính cho gà, sản phẩm từ trang trại của anh không những đảm bảo chất lượng mà còn đáp ứng các yêu cầu về mẫu mã, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Hiệu quả kinh tế vì thế cũng ngày càng được nâng lên.
Lãi nửa tỷ đồng từ nuôi gà thả bộ
Năm 2010, sau nhiều năm làm nghề xây dựng rồi xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Danh Cường (xóm 3, xã Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An) vào Đồng Nai lập nghiệp bằng nghề nuôi gà thả vườn. Thời điểm đó, anh nuôi mỗi lứa 10 - 13 nghìn con gà, lãi ròng cả tỷ đồng mỗi năm. Công việc đang xuôi chèo mát mái thì anh buộc phải “ôm” vợ con về quê vì bố mẹ già lâm trọng bệnh.
Anh Cường từng thất bại với việc cắt mỏ cho gà để chúng khỏi cắn nhau, nhưng đã thành công với “kỹ nghệ” đeo kính cho gà
Từ bỏ miền đất hứa, về quê, anh Cường vẫn quyết tâm làm giàu bằng nghề chăn nuôi gà thả vườn. Với kinh nghiệm vừa nuôi, vừa học ở Đồng Nai, khi trở về Nghệ An, anh Cường xây dựng 3 trại gà rộng gần 500m2 trên diện tích 0,5ha vườn. Trại gà được lát nền bê tông, xây cao 40cm, thưng kín xung quanh tránh gió lùa vào mùa đông, có cửa thông gió vào mùa hè. Các trại gà này đều sử dụng đệm lót sinh học, vừa đảm bảo môi trường vừa giúp đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt.
Hai giống gà anh Cường ưa chuộng nuôi tại trại là giống Phùng Dầu Sơn có nguồn gốc từ Khánh Hòa và gà Minh Dự có nguồn gốc từ Bình Định. Theo anh Cường, lựa chọn con giống tốt và nguồn gốc rõ ràng có ý nghĩa rất lớn trong chăn nuôi bởi gà là loài vật nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hai giống gà anh lựa chọn vừa nhanh lớn, vừa cho năng suất thịt cao, thịt thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các giống gà khác.
“Đặc điểm chung của loài gà là rất mẫn cảm với thời tiết, tiềm ẩn nhiều dịch bệnh. Vì thế, không thể thành công nếu công tác phòng dịch không được thực hiện nghiêm túc. Gà có trên 100 loại bệnh, dịch nhưng hiện nay tôi chủ yếu vẫn phòng một số bệnh như viên thanh phế quản, đậu, cầu trùng, tụ huyết trùng, niu-cát-xơn, dịch cúm gia cầm… Cơ bản, ngưới nuôi cần chịu khó quan sát các yếu tố, đặc điểm, biểu hiện của đàn gà, thời tiết để phát hiện và điều trị một số bệnh dịch”, anh Cường chia sẻ.
Để thịt gà thơm ngon, khách hàng ưa chuộng ngoài việc thả gà ra môi trường tự nhiên, không gian vận động rộng, theo anh Cường còn phối trộn thêm cám ngô theo tỷ lệ nhất định theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của gà. Tháng đầu tiên sau khi nhận giống, anh Cường cho gà ăn 100% thức ăn công nghiệp. Tháng thứ 2 phối trộn thêm 50% ngô đập dập và tháng thứ 3, thứ tư cho ăn 75% thức ăn là cám ngô. Sau 4 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 2 - 2,7kg. Theo anh Cường, gà xuất chuồng với giá 85 nghìn đồng/kg là người nuôi đã có lãi từ 10 - 15 nghìn đồng/kg.
Ngoài việc chăn nuôi, hiện nay, anh Cường còn tư vấn kỹ thuật nuôi gà cho một số trại nuôi gà khác tại huyện Yên Thành. Theo anh Cường, gà là vật nuôi rủi ro nhiều nhưng nếu kiểm soát được dịch bệnh thì lợi nhuận rất cao. Vì thế, cùng với việc tăng quy mô đàn, người chăn nuôi cần chú ý khâu phòng bệnh để tránh thất bại. |
Mỗi năm, trang trại anh Cường nuôi 4 - 5 lứa gà, mỗi lứa 4 - 4,5 nghìn con, xuất chuồng 40 - 50 tấn gà/năm, thu lãi ròng trên 500 triệu đồng/năm. Gà của anh Cường được xuất đi các huyện trong tỉnh, ra Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc.
“Kỹ nghệ” đeo kính cho gà
Thế mạnh của gà nuôi thả vườn trong không gian hẹp là có thể kiểm soát dịch bệnh. Nhưng khó khăn nhất là chúng tự cắn nhau đến trọc hết lông, gây thương tích, gà dễ nhiễm một số bệnh, còi cọc, chậm lớn. Điều này khiến tỷ lệ hao hụt của đàn vật nuôi cao, mẫu mã xấu, khách hàng kén mua, giá thành giảm. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, đàn gà trống tung ra thị trường nếu mẫu mã không đảm bảo sẽ không bán được giá.
“Khổ nhất là có sản phẩm mà không thể bán được hoặc bán không được giá. Có những năm, trại gà của tôi có hàng nghìn con gà trống chờ xuất bán vào dịp rằm tháng bảy, Tết Nguyên đán nhưng bị khách hàng chê ỏng chê eo vì chúng trông xấu xí quá. Vì thế, sau đó tôi phải bán với giá thấp hơn, tuy không đến nỗi lỗ vốn nhưng lãi không đáng là bao.
Lũ gà được đeo kính chung sống hòa bình
Lên mạng internet tìm hiểu, tôi đi mua máy cắt mỏ gà về sử dụng nhưng cũng không ăn thua, chúng vẫn cắn nhau chí tử dù đã được cắt đi phần sắc nhất trên mỏ gà. Lũ gà trống hễ đụng nhau là dựng lông, rướn cổ đá nhau phành phạch bất kể tiết trời mưa nắng. Mọi chuyện tưởng đi vào bế tắc thì một lần tình cờ tôi đọc được thông tin “đeo kính cho gà” trên mạng internet. Lúc đầu, mình cũng không tin vì nghĩ, có đeo kính thì chúng vẫn tẩn nhau, cắt cả mỏ mà chúng vẫn sống chết lao vào nhau đó thôi. Nhưng dù sao cũng phải thử mới biết.
Hiện nay, tại tại các xã Tiến Thành, Quang Thành... của huyện Yên Thành, mô hình đeo kính cho gà cũng đã xuất hiện. Hầu hết các trại gà này đều ăn nên làm ra nhờ học theo “kỹ nghệ” đeo kính cho gà. |
Tôi tìm đến tỉnh Bắc Ninh, vào Cty Dabaco mua “kính” cho gà. Lúc đầu, nhiều người cũng hoài nghi, nhìn đàn gà được “đeo kính” mà không nhịn được cười. Nhưng một thời gian sau thấy hiệu quả, con nào con nấy mình mẩy bóng bẩy, lông sặc sỡ mợi người mới ngớ người ra. Một số trại gà tôi nhận tư vấn kỹ thuật cũng nhờ tôi mua giúp về để sử dụng”, anh Cường cho biết.
“Kính” cho gà được anh Cường mua với giá 700 đồng/chiếc, có thể tái sử dụng 2 - 3 lần nên thực tế chi phí mua “kính” không đáng là bao. Kính được đeo trước mỏ gà, xuyên qua lỗ mũi bằng một dụng cụ bằng nhựa mềm, có tác dụng che chắn tầm nhìn trực diện của con gà, tránh được những xung đột với “đối phương” phía trước mặt. Vì thế, hầu hết con gà nuôi trong trại anh Cường đều được đeo kính và cho thấy hiệu quả rõ rệt.
“Kính có thể tái sử dụng 2 - 3 lần, tức là sử dụng cho 2 - 3 con gà, tính ra chi phí rất nhỏ nhưng hiệu quả lại rất cao. Khi xuất bán, chỉ cần cắt bỏ phần “chốt” kính làm bằng nhựa mềm là có thể gỡ kính. Sau đó, đeo cho một con gà khác thì thay “chốt” mới là được”, anh Cường giải thích.
Tại trại gà của anh Cường, hàng nghìn con gà vẫn chung sống hòa bình trong một không gian hẹp. Vào trại gà gần như không cảm nhận được mùi hôi thối của phân gà, không thấy những cuộc đá gà được diễn ra tự nhiên đến bán sống bán chết. Thay vào đó là một không khí “hòa bình” đến khó tin. Những con gà trống lực lưỡng đi cạnh những chú gà bé nhỏ vẫn tỏ ra hòa nhã, những cụm lông bóng đẹp vẫn hiện diện trên mỗi con gà.