Say nghề trong cả giấc mơ
Tại thành phố Hải Phòng, chị Nguyễn Thị Hà – Giám đốc HTX Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (HTX Thụy Hương, huyện Kiến Thụy) được xem là “nữ tướng” trong lĩnh vực liên kết sản xuất lúa gạo trên các đầm nuôi rươi và là người đầu tiên xây dựng thương hiệu gạo ruộng rươi, được UBND thành phố Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP.
Chúng tôi trở lại gặp chị Hà vào những ngày cuối năm 2024, khi cơn bão Yagi đã đi qua hơn 3 tháng và câu chuyện về người phụ nữ gắn bó với nghề nông đầy gian khó, nhưng cũng đầy niềm vui, được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận trong chuyến thăm HTX Thụy Hương năm 2023 khiến nhiều người cảm phục.
Chị Hà nhớ laị, khi Bộ trưởng Lê Minh Hoan về thăm HTX, nhìn thực tế quy mô và cách vận hành đã hỏi là lí do gì khiến một người phụ nữ với nhiều công việc, cơ hội lại chọn lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đầy gai góc để gắn bó?
Lúc đó, chị Hà đã chia sẻ rằng, cơ duyên xuất phát từ việc nghề chọn người, từ khi gắn bó với nông nghiệp, niềm đam mê đã tự ngấm vào người và cảm thấy say sưa. Từng học về lĩnh vực nông nghiệp và cả quản trị kinh doanh rồi ra trường với nhiều lựa chọn nghề nghiệp, tuy nhiên chị đã chọn con đường sản xuất nông nghiệp.
Sau những thành công và cả những thất bại ban đầu, chị Hà nhận ra rằng, làm nông nghiệp không như các ngành nghề khác, không phải mang lại giá trị ngay trước mắt, không giàu ngay, không hào nhoáng và hoành tráng được ngay nhưng cái đem lại là sự bền vững, vô hình và chỉ có những người trải nghiệm cùng mới có thể nhìn ra. “Cứ một vài lần thất bại thì sau đó lại thành công. Cứ như thế tạo ra cảm giác bị lôi cuốn, càng làm càng gắn bó”, chị tâm sự.
Quyết tâm gác lại tất cả để gắn bó với nông nghiệp, ban đầu nhận thấy thực trạng đất bỏ hoang do nông dân dần xa rời nghề truyền thống, chị ấp ủ khát vọng cùng bà con làm giàu trên chính quê hương mình. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, tìm kiếm nguồn lực, năm 2017, HTX Thụy Hương chính thức ra đời từ những ấp ủ của chị Hà và mang theo nhiều sứ mệnh.
Từ những kinh nghiệp và thành công đã triển khai, chị Hà đã cùng HTX tiên phong cung cấp các dịch vụ cho người dân như ươm mạ khay, cấy máy, trồng và bao tiêu lúa hữu cơ, cùng với đầu tư cơ giới hóa đồng ruộng. Khó khăn ban đầu chủ yếu đến từ sự nghi ngờ của người dân về hiệu quả của phương pháp mạ khay, cấy máy. Nhiều ý kiến phản đối việc chuyển đổi từ phương thức thủ công truyền thống sang cơ giới hóa.
Để thuyết phục bà con, chị Hà cùng các thành viên tích cực tuyên truyền, vận động, phân tích lợi ích của khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa, đồng thời cam kết chịu trách nhiệm cho diện tích sử dụng dịch vụ của Hợp tác xã.
Phương pháp mạ khay, cấy máy đã góp phần hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng quy trình “một vùng – một giống – một thời gian” với cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí đầu tư cho nông dân. So với phương pháp gieo cấy truyền thống cần 2 - 2,5kg thóc giống cho một sào (360m2), gieo mạ khay chỉ tốn 1 - 1,5kg.
Việc ứng dụng phương pháp mạ khay, cấy máy của HTX Thụy Hương đã tối ưu hóa quy trình canh tác. Công đoạn ủ giá thể, xử lý mầm bệnh do Hợp tác xã đảm nhiệm đảm bảo tỷ lệ nảy mầm 100% với cây giống khỏe mạnh, chống chịu tốt sâu bệnh, chịu hạn, chịu rét tốt. Kết quả là giảm đáng kể chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, công sức và thời gian chăm sóc, đồng thời gia tăng sản lượng, năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Thành công ban đầu đã thuyết phục người dân tin tưởng giao phó việc gieo cấy cho HTX. Hiện nay, diện tích gieo cấy bằng phương pháp này tại địa phương đã đạt 80%, cao hơn mức trung bình 60 - 70% của toàn thành phố Hải Phòng. Mô hình này còn được nhân rộng ra các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình và Tuyên Quang.
“Thời điểm ấy, không phải ai cũng dám mạnh tay đầu tư hơn 2 tỷ đồng mua 4 máy cấy, 2 máy gặt, 1 giàn gieo mạ và 46.000 khay ươm, đánh dấu bước ngoặt cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nhiều người sau đó đã tự tìm đến nhờ hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, tôi phải đi suốt ngày”, chị Hà nhớ lại.
Năm 2019, sau khi gạo ruộng rươi đạt chứng nhận OCOP 3 sao, nhu cầu thị trường tăng cao, thậm chí vượt quá khả năng cung ứng của HTX. Từ diện tích thí điểm 1 mẫu tại xã Ngũ Phúc, mô hình đã được mở rộng lên 200ha, trải dài trên địa bàn các xã Ngũ Phúc, Kiến Quốc, Tân Trào (huyện Kiến Thụy), huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Tứ Kỳ (Hải Dương).
Tiếp nối thành công, chị Hà triển khai mô hình trồng lúa trên ruộng rươi – một ý tưởng táo bạo nhằm khai thác tiềm năng chưa được tận dụng của địa phương do rươi nhạy cảm với môi trường, chỉ sống ở vùng cửa sông, bãi nước lợ sạch, không ô nhiễm.
Việc trồng lúa trên ruộng rươi đòi hỏi kỹ thuật cao, mỗi năm chỉ cấy được một vụ nên HTX đã mất nhiều thời gian tìm giống lúa phù hợp để hạn chế tác động của ánh sáng mặt trời lên rươi và tận dụng tối đa diện tích. Từ năm 2014, Hợp tác xã đã phối hợp với chủ đầm triển khai mô hình lúa - rươi kết hợp. Toàn bộ quy trình, từ khâu chọn giống đến thu hoạch đều được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Mô hình canh tác thuận tự nhiên của HTX Thụy Hương ban đầu gặp thách thức do năng suất thấp, chỉ đạt 1/3 so với phương pháp trồng lúa thông thường. Tuy nhiên, sự hỗ trợ toàn diện từ Hợp tác xã, bao gồm cung cấp giống, phân hữu cơ và hướng dẫn kỹ thuật canh tác từ khâu gieo trồng đến thu hoạch đã thuyết phục được một số hộ dân tham gia. HTX thực hiện thu mua, sấy khô và bảo quản sản phẩm theo quy trình nghiêm ngặt. Quy trình xay xát hiện đại tại HTX giúp giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng và hương thơm tự nhiên của gạo.
“Sự minh bạch và trách nhiệm chính là chìa khóa để thành công. Phải say nghề, yêu nghề, có lúc trong mơ tôi vẫn mơ về gạo, về sản xuất. Trong quan hệ công việc với nông dân, bằng mọi cách, mình không để mất niềm tin, việc nào làm được thì mình làm, việc chưa làm được thì không nên hứa suông. Ngay cả khi thị trường biến động, giá cả giảm mạnh HTX cũng luôn đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu”, chị Hà chia sẻ.
Bản lĩnh “nữ tướng” trong siêu bão
Trên hành trình gắn bó với ruộng đồng, chị Hà đã bền bỉ, kiên cường, với tình yêu nghề nông mãnh liệt. Qua câu chuyện dài gần 3 tiếng đồng hồ cùng chị, chúng tôi cảm nhận được chị đã truyền cảm hứng cho nhiều người, khẳng định giá trị của sự nỗ lực và trách nhiệm, nhất là trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân.
Sự thành công của HTX không chỉ nằm ở những vụ mùa bội thu mà còn ở tình cảm tốt đẹp, sự tin tưởng mà chị đã gây dựng được với người dân, nhất là trong việc truyền cảm hứng, ngay cả những lúc cam go nhất, đơn cử như trong cơn bão Yagi.
Trước khi bão đổ bộ, dù đã chuẩn bị kĩ lưỡng nhưng chị Hà đã có một đêm không ngủ, lo lắng cho những thành quả lao động của bản thân và người dân. Thời điểm bão Yagi ập đến, những hình ảnh người dân gửi về, nhà cửa đổ nát, mái tôn bay tứ tung, nghĩ đến 170 tấn thóc, 17 mấy tấn gạo trong kho là cả gia tài đứng trước nguy cơ bị hỏng hoàn toàn khiến chị Hà như ngồi trên đống lửa.
Sau bão, dù đã lờ mờ hình dung thiệt hại qua những bức ảnh mà bà con gửi về, nhưng khi tận mắt chứng kiến hiện trường, chị Hà vẫn như chết lặng. Nhà xưởng hoang tàn, biển báo, mái tôn... nằm ngổn ngang như bãi chiến trường. Cảm giác sụp đổ, tuyệt vọng ập đến nhưng trước mặt công nhân vẫn phải tỏ ra mạnh mẽ rồi nở nụ cười gượng gạo để động viên.
Ngay lập tức, chị Hà đã chỉ đạo công nhân khẩn trương tát nước, thuê máy phát điện, huy động nhân lực, đi khắp Hải Phòng để thuê thợ sửa mái tôn chỉ trong một ngày. Và trời không phụ lòng người, cơn mưa lịch sử ngay sau đó đã không phá hủy toàn bộ kho thóc và những hạt thóc, gạo vẫn may mắn được giữ lại như chiếc cọc cuối cùng cho người đuối nước.
“Hết bão xuống nhà xưởng, suy nghĩ đầu tiên của tôi là mất hết rồi. Đầu năm 2024, tôi mạnh tay đầu tư hàng trăm triệu đồng thuê hàng chục ha ruộng ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Vất vả cải tạo, đắp bờ, thu hoạch được ít thóc, chuẩn bị xay xát thì bão ập đến, nhấn chìm tất cả”, chị Hà kể.
Nếu như trên nhà xưởng là cảnh hoang tàn, đổ nát nhưng chưa làm chị Hà gục ngã thì khi xuống khu vực trồng lúa, bản lĩnh người phụ nữ này đã không còn. Trên nhà xưởng, chị Hà vẫn còn chút hi vọng khi nghĩ đến số thóc chưa thu hoạch dưới ruộng trị giá hàng tỷ đồng. Nhưng khi chứng kiến toàn bộ ruộng lúa bị nhấn chìm, mất trắng, chị như gục ngã, tinh thần sụp đổ hoàn toàn.
Do xe máy không thể di chuyển vì đường sá bị tàn phá nặng nề bởi cột điện, dây điện và cây cối đổ ngổn ngang nên chị phải mượn xe đạp để di chuyển. Đạp từng vòng xe giữa đống đổ nát, lòng trĩu nặng trước khung cảnh hoang tàn. Cánh đồng, nơi từng tràn ngập màu xanh mơn mởn của lúa vụ mùa chỉ còn lại sự trống trải, hoang vắng. Chị gọi điện báo tin dữ cho mọi người trong HTX, nước mắt lã chã rơi.
“Mất nhà xưởng, thóc gạo, đó chỉ là thiệt hại về vật chất, còn làm lại được, nhưng ruộng lúa, bao nhiêu công sức, tiền của, tâm huyết đổ vào, giờ mất hết, xót xa vô cùng", chị nghẹn ngào kể lại.
Những người công nhân kỳ cựu của HTX đều kinh ngạc. Họ chưa từng thấy chị Hà khóc, chưa từng thấy chị buồn bã đến vậy. Người phụ nữ luôn nở nụ cười tươi tắn, lạc quan, thậm chí còn trêu đùa là dù “gần chết vẫn cười” để truyền động lực cho người khác, nay cũng phải ngã khuỵa trước thiên tai.
Nhưng rồi, chị nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, lau vội nước mắt để động viên mọi người: “Mấy hôm nữa nước rút, lúa sẽ lên lại. Ta đã chuẩn bị sẵn phân bón, bắt tay vào làm tiếp thôi”. Nhiều người nghi ngờ, nhưng sự quyết tâm của chị đã thắp lên ngọn lửa hi vọng trong lòng họ.
Mười ngày sau, nước rút, nhưng lúa đã thối rữa hết. Nỗi buồn nhân lên gấp bội, nhưng chị Hà vẫn mạnh mẽ: “Làm ván khác thôi”. Nhà xưởng ngập nước, máy móc, thiết bị hư hỏng nặng nề, giấy tờ hồ sơ bị ướt, mùi hôi thối nồng nặc. Chị huy động công nhân khắc phục hậu quả, cả tháng trời mới hoàn tất.
Thiệt hại không chỉ ở vụ lúa mùa 2024 bị mất trắng với hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc mà còn ở khu vực lúa - rươi và cả các diện tích sản xuất lúa khác do bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước do bão lũ.
Khung cảnh thời điểm khắc phục hậu quả bão số 3 đến nay vẫn còn ám ảnh chị Hà, đó là những mái tôn nát vụn, mùi lúa thóc ẩm mốc nồng nặc nhưng ai nấy đều tất bật với máy bắn ốc vít, trong không khí ngột ngạt, mệt mỏi. Toàn bộ cơ sở vật chất, tủ lạnh, tủ đông, máy móc... hư hỏng hoàn toàn. Giấy tờ, hồ sơ ngâm nước, mùi hôi thối ám ảnh cả tháng trời. Toàn bộ công nhân cùng nhau khắc phục, từng chút một, gượng dậy sau cơn bão kinh hoàng.
Gánh nặng nợ nần sau đại dịch Covid-19 và sự cố mất mùa năm 2023 khiến 80% diện tích lúa - rươi của HTX bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Chỉ còn một phần nhỏ lúa ở Tứ Kỳ (Hải Dương) được thu hoạch. Chị Hà bắt đầu lại từ con số không, chuyển đổi hướng sản xuất mới và bắt đầu có nguồn thu trở lại thì lại gặp siêu bão.
Trước thực tế này, để đảm bảo có nguồn thu trước mắt cho người dân trước dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, chị Hà quyết định không trồng lúa ngay mà tập trung cải tạo ruộng đồng như xử lý cỏ dại, đắp lại bờ vùng, hệ thống thoát nước. Mục tiêu là chủ động hơn trong việc thoát nước khi có bão lũ, giảm thiểu thiệt hại trong tương lai. Công tác thủy lợi nội đồng quyết định khả năng ứng phó ngập úng và sử dụng máy bơm là giải pháp chủ động.
Với cách làm quyết liệt, chủ động, thực tế, sau bão số 3, HTX Thụy Hương đã nhanh chóng trồng được hàng chục ha cây vụ đông nằm rải rác ở nhiều xã khác nhau với các loại rau màu để cung cấp cho thành phố Hải Phòng như khoai tây, súp lơ, bắp cải, củ cải…
Rời HTX Thụy Hương, trên đường về, dọc các cánh đồng, những luống rau vụ đông thẳng tắp, các xã ven đô thị ở Hải Phòng không khó để nhìn thấy bạt ngàn những vùng đất cao ráo đã được người dân tận dụng để trồng các loại cây vụ đông để vừa tranh thủ cải tạo đất, vừa tạo thêm nguồn thu bù lại mất mát do thiên tai.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, sau bão số 3, để kịp thời khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại do bão lũ, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung lực lượng khẩn trương triển khai các giải pháp khôi phục sản xuất trồng trọt, vừa tạo thu nhập cho người dân, vừa kịp thời cung ứng sản phẩm cho dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên Đán.
Riêng những khu vực có chân đất cao, có thể trồng được rau màu thì hướng dẫn người dân các biện pháp xử lí tàn dư thực vật trên đồng ruộng, tranh thủ thời tiết thuận lợi cũng như mực nước trên đồng ruộng để làm đất, lên luống trồng các loại rau màu phù hợp.
Sau bão số 3, ngành nông nghiệp và nông dân Hải Phòng đã gấp rút bắt tay khôi phục sản xuất, tập trung sản xuất cây vụ đông. Theo đó, tổng diện tích cây vụ đông đã trồng của Thành phố ước khoảng hơn 6.212ha, trong đó ngô 297ha, ớt 369ha, dưa chuột hơn 86ha, cà chua 271ha, dưa lấy quả các loại 180ha, rau lấy lá (rau muống, mồng tơi, rau họ hoa thập tự) hơn 1.148ha và cây hoa 193,7ha... Các diện tích cây vụ đông đều sinh trưởng, phát triển tốt, giá bán cao nên bà con có thu nhập tốt để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.