Biểu tượng của bản làng
“Hãy đến để nghe gió kể chuyện, nghe suối tỏ tình”, đó là câu nói thân thuộc của người dân xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) dành tặng mỗi khi có khách đến thăm. Ngọc Chiến mang vẻ đẹp thơ mộng và giàu bản sắc văn hóa. Những cánh rừng sơn tra trắng ngà hòa quyện cùng màu xanh thẳm của rừng nguyên sinh tạo nên bức tranh sống động giữa núi rừng Tây Bắc.
Ông Lò Văn Chinh, nguyên Chủ tịch xã Ngọc Chiến là người đặt nền móng cho ý tưởng phát triển mô hình homestay từ năm 2017. Thừa hưởng dòng suối nước nóng tự nhiên, ông Chinh nhận ra nơi đây cần một không gian nghỉ ngơi độc đáo, thân thiện với môi trường để đón du khách. Sau nhiều chuyến đi học hỏi và tham khảo ý tưởng, người đàn ông ngoài 70 tuổi đã quyết định sử dụng tre làm chất liệu chính cho công trình của mình.
Thời điểm đó, giá tre rất rẻ và dồi dào ở địa phương. Sau khi mua về, tre được ông Chinh ngâm vài tháng để làm mịn bề mặt và đồng màu. Những bức tường được xây dựng bằng bê tông, bên ngoài phủ tre để tạo vẻ mộc mạc. Với hai căn bungalow (nhà một tầng) rộng 40m², ông Chinh đã sử dụng khoảng 100 cây tre. Khu vực nhà ăn cũng được trang trí tinh tế, tre được chẻ nhỏ và đan kết xung quanh, tạo cảm giác ấm cúng và gần gũi.
Tắm suối khoáng nóng chỉ là một phần của trải nghiệm. Điều mà ông Chinh mong muốn là mỗi du khách khi rời đi đều mang theo ấn tượng về văn hóa và nét đẹp đời sống nơi đây. Với mong mỏi đó, ông đã kết hợp nghề mây tre đan vào homestay, tạo nên một không gian nghỉ dưỡng kết hợp khám phá văn hóa làng nghề thủ công.
Các sản phẩm mây tre đan như gùi, ghế, "ép khảu" (thúng nhỏ đựng xôi hay cơm) luôn thu hút sự chú ý của du khách. Tuy nhiên, việc hoàn thiện một sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian, trong khi hầu hết khách đến đây chỉ ở lại trong khoảng thời gian ngắn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc sản xuất đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ý tưởng mới được ông Chinh gợi mở là tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nơi du khách có thể tự tay đan những sản phẩm bằng chất liệu tre đơn giản để mang về làm quà. Đây không chỉ là cách giới thiệu nét văn hóa độc đáo mà còn giúp tạo giá trị kinh tế cho người dân trong bản.
Đối với các hộ dân xã Ngọc Chiến, suối khoáng nóng không chỉ là món quà thiên nhiên mà còn là nơi thư giãn sau một ngày dài lao động. Ngày qua ngày, những homestay bằng tre mộc mạc đã trở thành biểu tượng của bản Lướt, thu hút nhiều du khách. Trong làn sương khói mờ ảo, hình ảnh những ngôi nhà tre bên dòng suối nóng dần khắc sâu vào ký ức mỗi người ghé thăm, để lại dấu ấn khó quên về miền quê Ngọc Chiến, vùng đất của sự hòa quyện giữa thiên nhiên, văn hóa và con người.
Lưu giữ giá trị truyền thống
Điểm xuyết trong bức tranh thiên nhiên thơ mộng, nghề mây tre đan hiện lên như một biểu tượng của nét văn hóa độc đáo, lưu giữ giá trị truyền thống và những ký ức sâu sắc của cha ông.
Bản Nà Tâu (xã Ngọc Chiến) cách trung tâm UBND xã khoảng 20 phút di chuyển luôn rộn vang tiếng cười hòa quyện cùng âm thanh đan lát nhịp nhàng. Đường lên bản quanh co, uốn lượn như những đường đan khéo léo của các bậc cao niên nơi đây.
Từ trẻ đến già, người dân bản đều nắm vững kỹ thuật đan tre, nhưng không phải ai cũng chọn nghề này làm nguồn thu nhập chính. Nguồn nguyên liệu như tre, trúc ngày càng khan hiếm khiến việc duy trì nghề gặp nhiều khó khăn. Áp lực mưu sinh đè nặng buộc không ít người phải rời quê để tìm kế sinh nhai nơi thành phố. Những người ở lại đối mặt với khó khăn do đất canh tác ngày càng thu hẹp, trong khi chăn nuôi trâu bò không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề truyền thống dần mai một trong sự bám víu mong manh của một số ít người tâm huyết.
May thay, những già làng vẫn âm thầm giữ nghề, như một ngọn lửa không bao giờ tắt. Họ truyền tai nhau câu nói quen thuộc: “Những đứa trẻ nơi đây lớn lên cùng từng cọc tre, cọc trúc”. Khi bố mẹ đi làm ăn xa, lũ trẻ sớm phải tự lập. Những buổi chiều yên bình, chúng tụm lại bên ông bà, chăm chú nhìn từng động tác khéo léo trong từng vòng đan. Ngày qua ngày, hình ảnh ấy thấm sâu vào tâm trí, trở thành ký ức tuổi thơ và nuôi dưỡng tình yêu với nghề truyền thống.
Bản Nà Tâu và các bản lân cận chủ yếu sản xuất các sản phẩm từ tre như gùi và ghế. Mỗi chiếc gùi mất cả ngày để hoàn thành, những sản phẩm cầu kỳ có thể mất đến 2 - 3 ngày. Kỹ thuật đan lát được truyền lại từ cha ông, gìn giữ qua bao thế hệ. Người dân nơi đây luôn ưu tiên chất lượng hơn số lượng, từng sản phẩm đều được chăm chút tỉ mỉ, đảm bảo độ bền đẹp và giá trị sử dụng.
Ông Lò Văn Bao năm nay đã gần 70 nhưng tuổi nghề chỉ mới 8 năm. Trước đây ông từng bôn ba khắp nơi dưới xuôi để kiếm tiền nuôi gia đình. Nay, khi tuổi cao sức yếu, ông trở về quê hương, tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Cùng với các bô lão trong bản, ông coi nghề đan không chỉ để kiếm thêm chút gạo, chút muối mà còn giữ lửa văn hóa cha ông. Điều đáng mừng, dù bắt đầu từ công việc nhỏ lẻ, nguồn thu nhập nghề đan đang tăng dần khi nhu cầu thị trường ngày càng mở rộng.
Những cánh rừng trúc từng phủ kín nay đã nhường chỗ cho nương ngô, nương sắn. Người dân phải đi xa đến tận Mù Cang Chải (Yên Bái) để mua nguyên liệu. Việc vận chuyển không dễ dàng khi những chuyến đi thường kéo dài, mỗi chuyến chỉ mang về được 20 - 30 cây trúc, đủ dùng cho 3 tuần.
Bà con dân bản tranh thủ những lúc nông nhàn hoặc thậm chí cả những đêm mất ngủ để làm nghề đan lát. Nghề này đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ qua khoảng 14 bước, từ chặt, ngâm nước, chẻ trúc đến đan chi tiết. Chiếc gùi hoàn chỉnh có giá bán khoảng 100.000 - 150.000 đồng, nếu làm đều đặn, cả hai vợ chồng có thể kiếm được từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. “Vào mùa gặt, nhu cầu gùi tăng cao, mỗi lần thương lái đến có thể mua hàng trăm chiếc, nhiều khi không đủ hàng để cung ứng”, ông Bao kể.
Nhiều vị khách ghé thăm khuyên: "Các bác làm vậy sao đủ cung ứng, mỗi ngày chỉ được một cái thì khó lắm”. Nhưng chính từ đó, người ta càng thấm thía sự kỳ công và tỉ mỉ của nghề đan nơi đây. Từng vòng đan, từng đường nét đều theo đúng kỹ thuật truyền đời, đảm bảo đủ 12 vòng cân đối, hài hòa. Chính sự cẩn thận, chỉn chu là "kim chỉ nam" đã giúp nghề tồn tại đến nay.
Nhằm gìn giữ và phát huy nghề mây tre đan, xã Ngọc Chiến đã thành lập câu lạc bộ chuyên biệt, quy tụ những người có tay nghề cao để chia sẻ kỹ thuật và mở rộng thị trường. Qua đó không chỉ tạo không gian lưu giữ văn hóa mà còn là sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, người già dạy nghề, người trẻ bù sức, cùng nhau thoát nghèo.
Bản Nà Tâu được chọn làm mô hình điểm để phát triển nghề, từ đó nhân rộng ra các bản khác trong xã. Hướng đi gắn nghề mây tre đan với du lịch cũng đang được đẩy mạnh. Khách du lịch đến Ngọc Chiến không chỉ được trải nghiệm quá trình đan lát mà còn có thể mua sản phẩm mang về làm quà. Hình ảnh của miền quê cổ tích và nghề mây tre đan sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, góp phần nâng tầm giá trị văn hóa và kinh tế của địa phương.