Chợ chỉ mua bán một món hàng
Xã Mỹ Chánh nằm về phía đông nam của huyện Phù Mỹ (Bình Định), giáp ranh với cảng cá Đề Gi tấp nập tàu thuyền ra vào. Do đó ngày xưa ở trung tâm xã Mỹ Chánh tập trung dân cư đông đúc, thương nhân tấp nập mua bán.
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, vào đầu thế kỷ XIX, ở xã Mỹ Chánh có các chợ nổi tiếng khắp vùng như chợ An Hoan, chợ An Lương, chợ Thanh Xuân. Người dân địa phương có câu “Nhất chợ An Lương, nhì chợ Bình Dương”, bởi chợ An Lương là một trong 11 chợ lớn nhất tỉnh Bình Định thời ấy. Ngoài chợ An Lương, ở Mỹ Chánh còn có nhiều chợ nhỏ nằm rải rác ở các thôn như chợ Chạy ở An Hoan chuyên mua bán rau quả, chợ An Xuyên chuyên mua bán cá tươi, chợ tre Chánh Thiện chuyên mua bán tre phục vụ cho nghề đan lát.
Chợ tre Chánh Thiện hình thành từ khi nào không ai nhớ, chỉ biết chợ được hình thành từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu của người dân. Thế nên người dân địa phương mới có câu: “Chợ tre có từ bao đời, An Lương rộn rã nơi nơi ta về”. Từ bao đời nay, cứ 5 ngày chợ tre Chánh Thiện lại họp phiên một lần vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hàng tháng.
Để tận mắt mục sở thị hoạt động độc đáo của chợ tre, tôi cùng một bạn đồng nghiệp phải lọ mọ chạy xe máy xuống xã Mỹ Chánh từ đêm hôm trước phiên chợ. Bởi tre bán tại chợ không chỉ của người dân xã Mỹ Chánh mà chủ yếu là của người dân các xã lân cận như Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài, Mỹ Quang... Vì ở cách chợ khá xa nên từ chiều hôm trước phiên chợ, cây tre được người dân đưa về tập trung tại một vùng đất trống ở cuối thôn Chánh Thiện, để bắt đầu từ 5 giờ sáng hôm sau chợ bắt đầu hoạt động mua bán.
Tre được đưa đến chợ bằng nhiều cách, ít thì vác từng cây, chở bằng xe đạp, nhiều thì được vận chuyển bằng xe công nông. Tre được tập kết ở chợ xếp theo hàng ngay ngắn, trên thân tre có khắc tên chủ nhân nên dù để chung cũng không sợ lẫn lộn.
Mỗi phiên chợ, tre được tập kết cả nghìn cây, giá bán dao động từ 20.000 - 50.000đ/cây, tre gốc khoảng 10.000 - 30.000đ/gốc tùy lớn nhỏ, tre thẳng hoặc cong. Đúng 5 giờ sáng hôm sau chợ tre bắt đầu tấp nập, có người đi mua lẻ năm ba cây về đan lát, có người chuyên mua gom từ những người bán lẻ để bán lại cho những người mua sỉ.
Tùy nhu cầu, người mua chọn từng loại tre cho phù hợp. Trước đây, phần lớn tre được mua để đan thuyền thúng, sõng, rổ, rá, nia, trẹt, phên, vỉ… Người mua tre số lượng lớn chủ yếu để làm cọc be bờ hoặc làm chà, chắn bờ, làm bè nuôi thủy sản, đan sõng…
“Người mua tre đan sõng, thuyền thúng thường chọn nhiều loại tre, tre dày đặc ruột dùng làm vành; tre to, dài, thẳng, mỏng ruột dùng để đan mê. Người làm bè, chà nuôi thủy sản thì chọn mua tre già đã ngả màu ngà óng; người làm nhà thì chọn tre thẳng, đều”, ông Nguyễn Văn Tính ở thôn Mỹ Hậu, xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ) chuyên bán tre tại chợ tre Chánh Thiện mấy chục năm qua cho biết.
Sau 7 giờ sáng, việc mua bán hoàn tất, tre được xe công nông vận chuyển đến tận nơi người mua yêu cầu. Trước khi đưa lên xe, tre được đánh dấu, khắc tên người mua lên thân để tránh nhầm lẫn. Chủ xe công nông tùy vào địa điểm xa, gần của người mua mà chất tre theo thứ tự trên xuống dưới để khi lấy tre giao cho tiện lợi. Tan buổi chợ, nhìn chiếc xe công nông xếp dày đặc tre bên trên, người lái xe ngồi lọt thỏm bên dưới điều khiển chiếc xe lọc cọc chạy mới thấy hết sự cần cù của nông dân.
Theo ông Trần Quốc Vinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, trước đây, chợ tre được họp ở cuối thôn Chánh Thiện, nay khu ấy trở thành trung tâm xã Mỹ Chánh, nhà cửa mọc dày, mua bán sầm uất nên không còn thuận tiện cho việc vận chuyển những cây tre dài ngoằng. Đầu năm 2024, UBND xã Mỹ Chánh ủi khoảng đất trống rộng 1.800m2 ở đầu thôn Chánh Thiện để dời chợ tre lên đó hoạt động cho thuận lợi. “Tre thường được tiêu thụ mạnh trước những mùa mưa lũ để kè những bờ mương, bờ sông bị xói lở”, ông Vinh cho hay.
Nhộn nhịp chợ đồ tre
Cách chợ tre Chánh Thiện (cũ) khoảng vài trăm mét là chợ An Lương, ngôi chợ nổi tiếng trong hệ thống chợ tại Bình Định thuở xưa. Chợ phiên An Lương nhóm cùng ngày với phiên chợ tre Chánh Thiện. Rời chợ tre, chúng tôi đến chợ An Lương, thật thú vị khi được nhìn thấy muôn vật dụng được làm từ tre như: Nong, nia, rổ, thúng, gàu tát nước, giỏ chở rau, giỏ nhốt gà, chổi, lạt buộc, giường, đòn gánh, thang tre... được bày bán la liệt trên khoảng đất trống bên cạnh chợ. Những sản phẩm được làm từ tre bày bán tại chợ An Lương có sự gắn bó rất mật thiết với chợ tre Chánh Thiện.
Hỏi ra thì biết, những vật dụng đan lát bằng tre bày bán tại chợ An Lương không chỉ là của người dân xã Mỹ Chánh làm ra, mà còn là của người dân ở làng nghề đan lát Trung Chánh, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) mang sang bán. Theo ông Châu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Minh (huyện Phù Cát, Bình Định), trên địa bàn xã có làng nghề đan lát truyền thống thuộc thôn Trung Chánh.
“Làng nghề đan lát Trung Chánh đã hình thành từ xa xưa, tuổi đời chắc cũng không kém chợ tre Chánh Thiện ở xã Mỹ Chánh. Hầu hết người dân thôn Trung Chánh đều biết nghề đan lát, hiện làng nghề còn khoảng gần 400 hộ còn giữ nghề, làm ra những sản phẩm như thúng, rổ sảo, giỏ, dừng, nia, mủng..., chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ địa phương và các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Nẵng cũng như các tỉnh Tây Nguyên”, ông Hùng cho hay.
Theo các bậc cao niên ở làng đan lát Trung Chánh, trước đây, nhà nào ở làng Trung Chánh cũng tập trung con cháu đầy sân để đan lát, mỗi người mỗi việc, tay làm thoăn thoắt. Người thì vót tre, người đan mê, người uốn vành, người nứt mây. Người trẻ thì làm những việc cần sức lực, người khéo tay làm những công đoạn tinh tế, người cao tuổi làm công đoạn chỉnh, sửa lỗi cho các sản phẩm. Tiếng cười nói của người già, con trẻ râm ran khắp sân.
Đã sinh ra tại làng Trung Chánh thì ngay từ nhỏ ai cũng làm quen với cây tre và thuộc những cụm từ “ba dằn, ba lên”, “mặt trên, mặt lật” - những thuật ngữ trong nghề đan lát. Bây giờ, làng đan lát Trung Chánh không còn sôi nổi như xưa bởi thanh niên trai trẻ hầu hết đi làm ăn xa, chỉ lớp người cao niên và phụ nữ trong làng là còn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Người già sức khỏe giảm sút không còn làm được nhiều, phụ nữ thì bận rộn việc đồng áng nên chẳng còn mấy thời gian giành cho nghề đan lát. Những hậu duệ tiếp nối nghề đan lát của cha ông là những học sinh đang tuổi đến trường. Những ngày cuối tuần hoặc dịp nghỉ hè, các cháu quây quần trong sân nhà để được các cụ già dạy nghề đan lát nhằm kiếm tiền mua sách vở, quần áo đi học.
Theo bà Nguyễn Thị Hậu (64 tuổi), ngày xưa ở Trung Chánh cũng có chợ tre, giờ chợ tre chẳng còn nữa nên những người làm nghề đan lát trong làng phải lặn lội xuống tận chợ tre Chánh Thiện mua tre về đan.
“Mỗi chuyến đi phiên chợ tre Mỹ Chánh tôi mua khoảng 5 cây rồi tự vận chuyển về, khổ một chút nhưng tiền lời nằm ở đó hết, thuê người ta chở thì coi như làm cho vui chứ không có lãi”, bà Hậu chia sẻ.
“Ngày nay, tre hiện diện ít dần trong sinh hoạt của người dân bởi nhiều loại vật liệu mới đã thay thế dần những vật dụng được làm bằng tre. Nhưng với sức chịu đựng bền bỉ, cây tre vẫn được người nông dân sử dụng rất nhiều, nhất là vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như xã Mỹ Chánh”, ông Trần Quốc Vinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh chia sẻ.
“Trước đây, khi hệ thống đập bổi trên địa bàn còn nhiều, sau mỗi mùa bão lũ, ngành chức năng mua tre rất nhiều để tu bổ các đập bổi. Khi các đập bổi được thay thế bằng đập bê tông thì tre được dùng để đóng cọc, đan phên giữ các bờ kênh bị xói lở. Từ xưa đến nay, cây tre gắn bó rất mật thiết với ngành thủy lợi”, ông Nguyễn Văn Phú, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cho hay.