| Hotline: 0983.970.780

Làng bánh tráng Thuận Hưng vào tết

Thứ Tư 13/12/2017 , 15:05 (GMT+7)

Vào những tháng giáp tết, làng bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) có trên trăm lò bánh hoạt động suốt ngày đêm.

Sản phẩm của làng nghề làm từ bột tươi, bánh ăn rất thơm ngon và hợp vệ sinh nên ngày càng được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Bánh tráng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

13-39-23_nh_1
13-39-23_nh_2
Làng tráng bánh tráng đang vào vụ tết

Các hộ làm bánh tập trung nhiều nhất ở các ấp Tân Lợi 3, Tân Phú, Tân Thạnh… với gần phân nửa số hộ ở phường Thuận Hưng làm nghề này. Theo nhiều bậc lão nông thì các lò bánh tráng đã ra đời gần 2 thế kỷ nay, lúc đầu chỉ có vài hộ, sau đó tăng dần lên và phát triển mạnh kể từ năm 2000. Tại Thuận Hưng hầu hết các hộ đều tham gia dịch vụ làm bánh, từ việc xay bột, tráng bánh, phơi bánh... thì khâu ATTP luôn được đặt lên lên hàng đầu…

Theo tìm hiểu, các lò làm bánh hoạt động quanh năm, kể cả mùa mưa vẫn làm hàng giao cho các mối quen. Nhất là dịp giáp tết, các lò bánh tráng hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm, gấp mười lần so với ngày thường. Làng bánh tráng Thuận Hưng sản xuất bốn loại bánh gồm bánh tráng mặn (bánh dịu, có pha muối); bánh tráng lạt (bánh xốp); bắng tráng nem (khổ nhỏ) và bánh tráng dừa (loại để nướng, có thêm dừa và mè). Loại nào cũng ngon, chiếc bánh mịn màng, tròn trịa, đều đặn và nguyên vẹn.

Bà Ngô Thị Hồng Giáo (Hai Giáo), một người đã gắn bó 33 năm với nghề, cho biết: Sở dĩ bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm trên 100 năm trước của ông bà truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy truyền thống làng nghề và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Muốn cho bánh thơm ngon, không dai, không bở, để được lâu... phải chọn cho được lúa cấy tại vùng Thốt Nốt, không được chọn lúa mới cắt, cũng không nên chọn lúa để quá lâu ngày.

Quá trình phơi bánh và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật. Muốn cho chiếc bánh còn nguyên vẹn, thẳng thớm, không cong vênh người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc. Sau đó xếp bánh lại thành từng chục rồi dằn cho bằng mặt trước khi giao hàng. Mỗi lò tráng bánh trong dịp tết cần ba bốn lao động cho nhiều công đoạn khác nhau, từ khâu xay bột, tráng bánh, phơi bánh, xếp bánh đến cột bánh vô bao bì…

Vào những ngày này, cả làng bánh tráng nhà nào lò cũng đỏ lửa, cháy rực suốt ngày đêm, người ngồi tráng bánh cặm cụi từ sáng đến chiều, làm việc luôn chân luôn tay nhưng vẫn không đủ hàng giao cho khách. Bà Trương Thị Sậm, ở ấp Tân Thạnh, hồ hởi cho biết còn khoảng 2 tháng nữa mới đến tết, nhưng thương lái từ khắp nơi như Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang... đã sang tận nhà bà đặt bánh trước, thậm chí họ bỏ tiền cọc để chắc ăn tết có bánh.

Mặc dù gia đình bà Sậm có 4 người, trong đó hai người ngồi lò thực hiện công đoạn tráng bánh còn hai người lo phơi nắng và xếp bánh, làm tối ngày vẫn không hết việc. Mỗi ngày bà Sậm tráng gần 3 thiên bánh tráng lạt (1 thiên 10.000 cái). Bà cho biết, năm nay hầu hết các loại bánh đều tăng giá 5 - 10% so với năm trước, vì mọi thứ từ gạo, củi lửa... đều tăng nên bánh cũng tăng theo. “Tuy năm nay giá cả có tăng so với năm rồi, nhưng khách vẫn đến đặt vẫn đông như ngày hội, không biết có đủ sức để tráng bánh giao cho khách không nữa”, bà Sậm nói.

13-39-23_nh_3-_phoi_bnh_trng_o_lng_bnh_thun_hung_thot_not
13-39-23_nh_4_-phoi_bnh_trng_o_lng_bnh_thun_hung_thot_not_tp_cn_tho
Phơi bánh tráng ở làng bánh Thuận Hưng

Tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, thu nhập bình quân mỗi người làm công cho các chủ lò từ 120.000 - 150.000 đồng. Còn các chủ lò bánh tính cả vợ chồng, con cháu cùng làm mỗi hộ cũng kiếm khoảng 700.000 - 1 triệu đồng/ngày tùy vào khả năng tay nghề tráng nhanh hay chậm. Số tiền đó đã giúp cho hàng trăm hộ trở nên khấm khá, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho không ít lao động nhàn rỗi tại địa phương với thu nhập ổn định.

Bánh tráng ở làng nghề Thuận Hưng làm ra được giao cho các bạn hàng đi bỏ mối hoặc thương lái đến tận nhà nhận về bán lại cho các chợ đầu mối. Thị trường bánh tráng Thuận Hưng rất rộng, lan toả ra các tỉnh ĐBSCL và sang tận Campuchia. Bánh tráng Thuận Hưng đã được UBND TP Cần Thơ công nhận làng nghề truyền thống và là một trong những sản phẩm du lịch làng nghề phục vụ khách đến tham quan. Trong tương lai, nếu xây dựng được thương hiệu, chắc chắn làng nghề bánh tráng Thuận Hưng sẽ mở ra triển vọng, đời sống bà con được nâng lên.

Ông Nguyễn Văn Phố, Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng cho biết, hiện có hơn 100 hộ dân tại Thuận Hưng tham gia làm bánh tráng, trong số đó có 45 hộ sản xuất theo thời vụ vào dịp Tết Nguyên đán. Hiện mới có 2 hộ đầu tư được máy móc hiện đại để làm bánh, còn lại chủ yếu làm thủ công. Vì vậy, chính quyền phường rất mong các cấp, ngành hỗ trợ để làng nghề phát triển, nhất là sớm xây dựng được nhãn hiệu và thương hiệu bánh tráng Thuận Hưng.

Theo ông Phố, Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt cần phối hợp Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP Cần Thơ, UBND phường Thuận Hưng tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu của bà con làng nghề. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ tín dụng để các hộ tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Nhà nước trong chiến lược phát triển làng nghề. Tạo điều kiện cho người dân tham gia các hội thảo, hội chợ để quảng bá sản phẩm, nắm và cập nhật kiến thức về thị trường.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.