| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại an sinh xã hội

Thứ Sáu 31/10/2014 , 08:18 (GMT+7)

Ngày 30/10, QH thảo luận về tình hình KT-XH. Nhiều ĐB lo ngại vì tình trạng bội chi ngân sách lớn, nợ công áp trần, nợ xấu cao, tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp…

ODA và gánh nặng nợ công

Thảo luận về tình hình KT-XH đất nước tại Hội trường QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu: “Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân - chủ thể phải đóng thuế và trả nợ cuối cùng gần như vẫn đứng ngoài quy trình ODA”. Theo bà, đây là điểm yếu cơ bản trong việc quản lý sử dụng vốn ODA.

ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, đến nay, ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ viện trợ không hoàn lại thì phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện. Qua hơn 20 năm, Việt Nam thu hút gần 78 tỷ USD, bình quân 3 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, hiện tượng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án ODA đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.

Điển hình như các vụ: PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Danida (Đan Mạch) năm 2012 và vụ JTC trong ngành đường sắt gần đây.

Trên quan điểm việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ODA là hết sức cấp bách, nhất là trong tình hình nợ công và tham nhũng hiện nay, bà Nga đã đi sâu phân tích nhiều vấn đề cụ thể về cả hàng lang pháp lý và trách nhiệm giám sát của Quốc hội, bởi tuy có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát, nhưng những vụ vi phạm lớn trong sử dụng vốn ODA lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài.

Các quy định điều chỉnh ODA hiện nay của Việt Nam theo bà Nga là phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp, lại vừa có khả năng thực hiện tùy nghi. Việc "đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình" trong nghị định của Chính phủ về ODA chỉ dừng ở nguyên tắc mang tính tuyên ngôn, chưa cụ thể hóa hết vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn tình trạng xin - cho, "cò dự án", tiêu cực, tham nhũng.

Thực tế là 20 năm qua, mặc dù đã xảy ra không ít vụ gây chấn động dư luận, nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA. Với tư cách là các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phụ trách về kinh tế, ngân sách nhưng Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chưa lần nào giám sát chuyên đề này, đại biểu Nga nêu rõ.

Các năm 1999 và 2003, Ủy ban Đối ngoại có hai lần giám sát, năm 2006 khi xảy ra vụ PMU 18, Ủy ban Đối ngoại một lần nữa báo cáo lại các kiến nghị giám sát của lần trước nhằm khắc phục những sai phạm trong ODA.

Bất cứ quốc gia nào, nếu phụ thuộc lâu dài vào ODA thì đó là thất bại của chiến lược phát triển. Với quan điểm này, ĐBQH Lê Thị Nga nhấn mạnh là Việt Nam cần  sử dụng ODA có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong tương lai gần.

Những kiến nghị rất sát thực này đến nay vẫn chưa được tiếp thu đầy đủ, được bà Nga nhấn mạnh là một nguyên nhân không nhỏ góp phần làm cho những bất cập, sai phạm trong dùng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn.

Đề nghị của đại biểu Nga là Quốc hội tiến hành giám sát ODA, chỉ ra những khiếm khuyết trong chính sách, những nhóm lợi ích liên quan đến ở cả trong nước và nước tài trợ, phân tích những mặt lợi và bất lợi của ODA, từ đó đề xuất chiến lược sử dụng có chọn lọc theo lộ trình giảm dần, tiến đến chấm dứt ODA.

Áp lực kinh tế

Lo ngại trước bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, nền kinh tế chúng ta đang bộc lộ những điểm yếu chết người, đó là tình trạng bội chi ngân sách lớn, nợ công áp trần, nợ xấu cao, tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, người lao động thất nghiệp và đâu đó nhen nhóm hiện tượng bần hàn sinh đạo tặc.

Với những vụ án hình sự cướp của, giết người tăng, tai nạn giao thông chưa giảm, y đức, giáo dục, đào tạo đều có những vấn đề nổi cộm khiến nhân dân lo lắng. Cỗ xe kinh tế của chúng ta dường như đang hụt hơi, gần như hết gia tốc để tiếp tục đường đua.

Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) khẳng định quyền lợi của người lao động sẽ bị tổn thương bởi những lý do sau: Một, thu nhập của người lao động khó tăng nhanh do nguyên tắc tiền lương phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và mức tăng thu nhập chậm hơn mức tăng năng suất lao động. Nếu ép tăng lương bằng biện pháp hành chính, duy ý chí sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, thậm chí làm tăng áp lực thất nghiệp.

Hai, áp lực thất nghiệp tăng cao khiến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế bị ảnh hưởng, doanh nghiệp dễ phá sản và giảm bớt lao động. Việc áp dụng công nghệ, máy móc thiết bị có năng suất hiệu quả cao cũng sẽ làm tăng số lao động phổ thông dư thừa, chờ việc, thất nghiệp và cần tái đào tạo.

Ba, áp lực an sinh xã hội tăng mạnh trong khi thu ngân sách nhà nước và quỹ phúc lợi của doanh nghiệp không cao, lợi nhuận thấp.

Cần tăng đầu tư phát triển

Phân tích thêm về “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nước, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) khẳng định hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước rất thấp, biểu hiện ở chỗ 9 tháng đầu năm có hơn 53.000 doanh nghiệp thành lập mới thì có đến hơn 48.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, 2/3 số doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm báo lỗ, không có lợi nhuận, tình trạng đổ vỡ của doanh nghiệp, khó khăn của doanh nghiệp rất lớn.

 Bên cạnh đó, xét về kim ngạch xuất khẩu, nếu năm 2014 kim ngạch xuất khẩu khoảng 148 tỷ đô la thì đến 2/3 của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ 1/3 là của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Điều đáng chú ý là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó xuất siêu đến 12 tỷ đô la, nếu loại trừ dầu thô thì cũng xuất siêu 8-9 tỷ đô la. Như vậy doanh nghiệp trong nước xuất khẩu thấp và vẫn ở tình trạng nhập siêu.

 “Với tỷ lệ tiết kiệm nội địa gần 30%, nếu như cộng với giao dịch vãng lai, kiều hối của nước ngoài gửi về khoảng 12 tỷ đô la, đầu tư nước ngoài thực hiện hơn 10 tỷ đô la và cộng với nguồn ODA, phải nói rằng mức độ động viên tổng sản phẩm xã hội vào ngân sách nhà nước ở mức 30% là quá thấp. Cho thấy nguồn lực trong nước có thể khai thác được còn rất lớn”,  ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu).

Dư nợ công đã tiến sát đến trần, với mức 64% GDP, nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng ở mức cao. Chính vì khó khăn như vậy dẫn đến nhiều mục tiêu như vấn đề tăng lương, vấn đề bố trí chi trả nợ, bố trí chi đầu tư phát triển hết sức khó khăn.

Từ những số liệu của nền kinh tế, ông Thụ cho rằng lạm phát tuy được kiềm chế, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn còn hiện hữu vì trong nhiều năm đổ lại đây, tổng phương tiện thanh toán tăng liên tục từ 16-18%, gấp khoảng 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Thụ đề xuất Chính phủ cần tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên trên 30% bằng cách tập trung huy động các nguồn lực, phải đặt việc thu hút đầu tư nước ngoài thành chủ trương lớn, tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế.

Tập trung phát triển nông nghiệp

Cụ thể hơn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho KT-XH, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp để tái cơ cấu nông nghiệp.

Ông đề nghị QH và Chính phủ cấp đủ kinh phí cho Bộ NN-PTNT và các viện nghiên cứu để nghiên cứu đủ giống cây trồng, vật nuôi, tránh lệ thuộc nước ngoài. Hỗ trợ liên kết bốn nhà để vừa sản xuất vừa tiêu thụ nông sản đồng thời tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái và phải có rào cản để bảo vệ các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.

ĐB Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) đề nghị Chính phủ tập trung khai thác thế mạnh của hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản bởi nhìn thấy còn quá nhiều dư địa với hàng chục triệu km2 bờ biển, nguồn tài nguyên lớn nhưng tốc độ phát triển lại thấp.

 “Đầu tư nguồn lực mạnh để khai thác, đánh bắt hải sản trên những vùng biển của Tổ quốc, không chỉ nhằm mục tiêu phát triển kinh tế mà còn là việc duy trì sự hiện diện của ta để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo, một yêu cầu cấp thiết, sống còn của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

 Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp, chính sách đồng bộ hơn với sự đầu tư đủ mạnh để lĩnh vực này phát triển đúng với tiềm năng của nó”, ông Niễn nói.

Tiếp ý, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng khẳng định Chính phủ cần quan tâm hơn đến hoạt động khai thác thủy sản bởi thực trạng ngư dân của ta còn yếu kém. Tàu cá của VN hoạt động trên vùng chung chỉ chiếm 17% trên hơn 22 ngàn tàu cá. Ngư dân VN sử dụng tàu gỗ, công suất nhỏ nên thiệt thòi hơn so với tàu cá các nước. Hiện tượng ngư dân bị bắt bớ và bị tàu lạ đâm chìm vẫn thường xuyên xảy ra.

“Chính phủ cần báo cáo việc triển khai thực hiện nghị quyết QH về việc dành 16 ngàn tỉ cho ngư dân”, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) phát biểu.

Mặc dù QH đã kịp thời có chính sách hỗ trợ dành cho ngư dân nhưng thời gian qua chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống và có vẻ chìm lắng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc rút đi. Báo cáo Chính phủ đã không đề cập đến vấn đề này.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thừa nắng, thiếu mưa, cả nước chuẩn bị đón mùa hè rực lửa

Nhiệt độ và nắng nóng thời điểm tháng 5/2024 trên phạm vi toàn quốc trung bình phổ biến cao hơn từ 1-2 độ C; tháng 6/2024, cao hơn từ 0,5-1,5 độ C.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm