| Hotline: 0983.970.780

Lúa Đài Thơm 8 chống chịu tốt

Thứ Hai 12/12/2016 , 14:05 (GMT+7)

Ưu điểm của giống lúa Đài Thơm 8 là có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90 - 95 ngày, cao 98 - 102cm. Cây lúa cứng, bông to, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi rộng...

09-40-18_p_20161202_092449
Nông dân tham quan ruộng lúa Đài Thơm 8 tại huyện Trảng Bàng
 

Vụ mùa 2016, tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh thời tiết mưa liên tục từ khi mới gieo sạ đến giai đoạn lúa trỗ, cây con bị ngập tưởng chừng như không thể phát triển được. Song nhờ khả năng chống chịu tốt, đẻ nhánh khỏe, năng suất cao, giống lúa Đài Thơm 8 đã chinh phục được bà con.

Nông dân Nguyễn Quốc Thọ ở ấp Phước Tân, xã Phước Lưu, huyện Trảng Bàng vừa là thầy giáo trường Tiểu học Phước Chỉ, vừa là nông dân tham gia sản xuất. Anh đã chịu khó tìm tòi, trao đổi, học hỏi từ tất cả các nguồn thông tin có thể. Qua báo mạng, anh biết đến giống Đài Thơm 8 có khả năng trồng được tại Tây Ninh. Từ đó, anh liên hệ Cy CP Giống cây trồng miền Nam (SSC) và xin làm mô hình trình diễn sản xuất thử giống Đài Thơm 8 trên diện tích 1ha, xuống giống ngày 2/9.

Ngày 2/12, SSC kết hợp với Trạm Khuyến nông Trảng Bàng tổ chức tham quan đánh giá giống Đài Thơm 8 tại ruộng của anh Thọ. Sau khi tham quan mô hình, nhiều nông dân đánh giá rất cao về giống lúa mới này, đặc biệt là giống có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày càng gay gắt.

Anh Thọ nhận xét: “Sau thời gian 3 tháng thực hiện mô hình, từ khi sạ cho đến khi lúa trỗ thời tiết liên tục mưa, tôi rất nản chí. Nhưng nhờ sự động viên của anh Cai Văn Tuội, cán bộ thị trường của SSC, tôi tiếp tục chăm sóc và kết quả thật bất ngờ. Khả năng đẻ nhánh của Đài Thơm 8 cực kỳ mạnh, ít nhiễm sâu bệnh, đặc biệt là không nhiễm rầy nâu và đạo ôn; cây lại cứng nên không bị đổ ngã, trong khi đó giống đối chứng là giống đại trà thì nhiễm nặng bệnh đạo ôn và dễ bị đổ ngã. Tôi dự tính năng suất sẽ đạt 6,5 tấn/ha và cao hơn đối chứng khoảng 0,5 tấn/ha”.

09-40-18_p_20161202_092440
 

Trong khi đó, ông Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trảng Bàng chia sẻ, Đài Thơm 8 là giống lúa mới, thích hợp vùng đất Trảng Bàng nhờ khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chống chịu thời tiết bất lợi nhất là thích nghi tốt trong mùa mưa.

Ưu điểm của giống lúa Đài Thơm 8 là có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90 - 95 ngày, cao 98 - 102cm. Cây lúa cứng, bông to, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi rộng trên các vùng sinh thái từ đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Năng suất trung bình từ 7 - 8 tấn/ha, tiềm năng từ 10 - 11 tấn/ha. Lúa Đài Thơm 8 cho hạt gạo dài, ít bạc bụng, cơm trắng bóng, mềm, dẻo và thơm nhẹ.

“Trăm nghe không bằng một thấy”, anh Thọ dù dự tính năng suất khoảng 6,5 tấn/ha nhưng vẫn còn hồi hộp vì chưa biết thực hư như thế nào. Ngày 7/12, anh thu hoạch, điều bất ngờ đã xảy ra, trên diện tích 1ha lúa Đài Thơm 8 thu được 125 bao, cân nặng mỗi bao biến động từ 54 - 58kg, tổng lượng lúa thu được là 7.025kg, vượt dự đoán năng suất 525kg.

Lý giải điều này, chị Bạch Thị Vững, Trưởng Bộ môn lúa của SSC giải thích: "Đài Thơm 8 là giống giấu bông nên nếu nhìn kiểu hình đồng ruộng để đánh giá rất dễ có cảm nhận không chính xác vì lượng bông hữu hiệu rất cao nhưng không “khoe” ra ngoài. Đặc tính nữa là lúa có vỏ mỏng, tỷ lệ xay xát đến 68% nên hạt rất nặng. Những giống bình thường mỗi bao nặng khoảng 53kg thì Đài Thơm 8 có thể đạt bình quân 56kg”.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...