| Hotline: 0983.970.780

“Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng”: Cuốn sách lỗi hoàn hảo

Thứ Năm 10/03/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ra đời đầu năm 2016, in lần thứ nhất tới 3.000 bản, cuốn sách “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng” của nữ tác giả Monique Brinson Demery, do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book hợp tác phát hành, Mai Sơn dịch, đã “cháy” hàng trong tuần đầu tiên. 

15-03-06_nh-1
Cuốn sách “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng” - nhiều sai sót

Bản dịch tiếng Việt không tốt, còn nhiều thiếu sót, khiến bạn đọc cảm thấy khó có thể hài lòng.

Ra đời đầu năm 2016, in lần thứ nhất tới 3.000 bản, cuốn sách “Madam Nhu Trần Lệ Xuân - Quyền lực Bà Rồng” của nữ tác giả Monique Brinson Demery, do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book hợp tác phát hành, Mai Sơn dịch, đã “cháy” hàng trong tuần đầu tiên. Phải chờ đến tuần đầu tháng 3/2016, thêm lần in nối bản với 7.000 cuốn.

Nhưng chỉ trong tuần đầu tiên, chiều ngày 8/3, nhiều bạn đọc đã không thể kiếm nổi sách dù đã hỏi tất cả các hiệu trên phố sách Đinh Lễ và Nguyễn Xí (Hà Nội).

Viết hấp dẫn, một phong cách viết về lịch sử hiện đang thịnh hành của phương Tây. Cũ người, mới ta. Giá trị thông tin và lịch sử của cuốn sách là cho bạn đọc hôm nay biết thêm những góc nhìn đa chiều về “Đệ nhất phu nhân” được báo chí phương Tây mệnh danh là “Rồng Cái”, “người phụ nữ quyết định vận mệnh gia đình họ Ngô”.... Tuy nhiên, bản dịch tiếng Việt không tốt, còn nhiều thiếu sót, khiến bạn đọc cảm thấy khó có thể hài lòng.

Văn phong tiếng Việt giả cầy

Đầu tiên là việc sử dụng tiếng Việt của dịch giả. Văn phong của dịch giả khiến cho người đọc thấy như đang giao tiếp với một người phương Tây nói tiếng Việt, thứ tiếng Việt giả cầy. Xin trích một vài ví dụ dưới đây:

Trang 92 viết về vua Bảo Đại “Đến thời điểm Bảo Đại trở lại Việt Nam, ông đã được sửa soạn thành một thanh niên Pháp hoàn hảo, hoàn toàn vui lòng làm những gì mà chính quyền thực dân sai bảo”. Cụm từ “sửa soạn thành” người Việt Nam sẽ không dùng cho con người, mà nó dùng với đồ vật, như sửa soạn hành lý.

Có những chỗ dịch máy móc khiến câu văn trở nên kỳ cục. Trang 55, nói về việc Thượng thư Ngô Đình Khả cho các con đi học, bản dịch như sau: “Ở trường, ông yêu cầu họ theo học chương trình Âu châu. Ở nhà, ông dạy họ học tiếng phổ thông kinh điển”.

Nếu hiểu máy móc “tiếng phổ thông kinh điển” là tiếng Việt, hẳn sẽ không ít người đặt câu hỏi: cha con, anh em ông Ngô Đình Nhu đều là người Kinh, lại sống ở kinh đô Huế, lẽ nào họ cần học lại... tiếng phổ thông?

Đối chiếu với nguyên bản tiếng Anh, đó là cụm từ “mandarin classsic”. Cụm từ này, có thể dịch là: giáo dục kiểu Nho giáo truyền thống. Nghĩa là, người cha dạy thêm ở gia đình cho các con những sách kinh điển của Nho gia như Tứ Thư (sách: Đại học, Luận ngữ, Trung dung và Mạnh Tử) và Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu). Cách dạy này để đối nghịch với lối học Châu Âu ở trường, mà tư duy người Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận nền giáo dục cai trị của nước Pháp.

Dịch luôn là một việc khó, việc chuyển ngữ từ sinh ngữ nước này sang nước khác không dễ. Ở đây, người dịch đã hiện đại hóa ngôn ngữ quá mức cho phép. Ví dụ, trang 103 gọi quan lại chế độ phong kiến là “những cán bộ công chức”; trang 50, đã đưa bà Thân Thị Nam Trân tới “nhà hàng và vũ trường”; còn trước đó tại trang 35, dịch đoạn ông Trần Văn Chương được đề bạt làm việc ở Cà Mau, đã cho đơn vị hành chính này là “thành phố”.

Ngay trong câu kế tiếp, khi dịch: “Mặc dù được thăng chức có nghĩa là phải xa rời những thú vui trần thế ở Thủ đô Hà Nội, lên tới chức vụ cao như thế là một thành tựu nghề nghiệp phi thường đối với một người Việt bản địa”. Đây là một câu dịch tối nghĩa. Bởi vì bạn đọc không thể hiểu “chức vụ cao như thế” là ông Trần Văn Chương giữ chức vụ gì ở Cà Mau? Hay như trang 43, viết ông Trần Văn Chương được “bổ nhiệm vào luật sư đoàn Hà Nội” cũng là hiện đại hóa ngôn ngữ. Nếu người rành tư liệu về giai đoạn này, sẽ sử dụng thuật ngữ “Tòa Thượng thẩm Hà Nội”.

Trang 49 viết về trường Albert Sarraut: “Tòa nhà màu nghệ tây vẫn còn đến hôm nay nhưng được dùng làm văn phòng và phòng tiếp tân của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. Lẽ ra, viết rằng, nay là trụ sở của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thì thật dễ hiểu.

Trong tiêu chí của dịch thuật, từ cuối thế kỷ XIX, Nghiêm Phục đã nêu ba yếu tố “Tín, Đạt, Nhã”; nghĩa là một bản dịch vừa phải trung thành với nguyên bản, vừa phải dễ hiểu, lĩnh hội được nguyên ý của tác giả, vừa phải văn vẻ trôi chảy, lưu loát.

Ở đây, dịch giả phần nào đã đạt được chữ Tín, nghĩa là tôn trọng nguyên tác. Nhưng nếu dịch cứ bám sát vào nguyên tác với cách hiểu như vậy thì thật sự là dở ngô dở ngọng. Điều đó khác gì một người nước ngoài tự tin rằng đã sử dụng thành thạo toàn bộ tiếng Việt. Và cách sử dụng thành thạo đó là biết một mà chưa biết hai.

Rằng chỉ nói được con ngựa đen mà người Việt gọi “ngựa ô”; chỉ nói được con chó ô mà người Việt lại gọi “chó mực”; chỉ nói được con mèo mực mà không biết người Việt gọi là con “mèo mun”; chỉ nói được đôi mắt mun mà không biết đó là “đôi mắt nhung huyền”. “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” là thế.

Sai kiến thức lịch sử nghiêm trọng

Kiến thức về lịch sử trong cuốn sách này được dịch sai nghiêm trọng. Điều này thể hiện xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Không chỉ thiếu kiến thức về lịch sử trung đại, cận đại, mà dịch giả còn thiếu cả kiến thức về lịch sử hiện đại - cụ thể là dòng họ Ngô Đình.

Trang 19, cuốn sách viết Ngô Đình Cẩn là “người anh chồng của bà Nhu”. Đây là một sai sót lớn, vì ông Ngô Đình Cẩn là em của ông Ngô Đình Nhu. Ban đầu, tôi nghĩ rằng có thể dịch giả sơ suất chút khi chuyển ngữ từ “brother” (anh/ em trai). Song, tới trang 310, cuốn sách này lại đổi ngôi cho Ngô Đình Cẩn thành “Anh rể của bà, Ngô Đình Cẩn, vẫn còn ở Việt Nam sau đảo chính”. Ông Ngô Đình Cẩn là em trai của ông Ngô Đình Nhu, chỗ thì được nâng thành “anh trai”, chỗ lại thành “anh rể” của bà Trần Lệ Xuân thì thật nực cười.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.