| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 05/05/2016 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 05/05/2016

Mua sắm công và nợ công

Mỗi năm, ngân sách Nhà nước chi khoảng 200.000 tỷ đồng để mua sắm tài sản công, bao gồm ô tô, máy photocopy, máy tính, máy in.

Thông tin trên được ông Nguyễn Tấn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, đưa ra tại cuộc họp báo về mua sắm tài sản tập trung do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Con số này khiến dư luận bàng hoàng. Chỉ có mấy thứ đó, mà sao phải chi một số tiền khổng lồ như vậy? 200.000 tỷ đồng, tương đương với gần 10 tỷ USD, trong khi trước đó, theo thống kê được Ngân hàng Thế giới công bố tại buổi họp báo công bố báo cáo kinh tế cập nhật Đông Á-Thái Bình dương ngày 11/4, thì năm 2015, tổng sản phẩm GDP của Việt Nam mới đạt hơn 188 tỷ USD, tương đương với 4.192.900 tỷ đồng.

Nhưng đó là Tổng sản phẩm trong nước, nghĩa là thượng vàng hạ cám từ tất cả những gì làm ra, cho đến cả tiền đi vay, tiền viện trợ của nước ngoài. Còn số thu ngân sách thì ít hơn nhiều, chưa nổi 1 triệu tỷ đồng mỗi năm.

Thế mà chỉ riêng việc mua sắm mấy thứ tài sản công đó, đã chiếm hết hơn một phần năm số thu ngân sách rồi. Lại thêm 400.000 tỷ trả lương cho bộ máy hành chính, và không biết bao nhiêu thứ chi khác, chẳng hạn 13.000 tỷ để “nuôi” trên 4 vạn chiếc xe công hiện có...

Thế nên năm nào ngân sách cũng bội chi, đến mức phải tính đến chuyện vay của Ngân hàng Nhà nước để bù đắp cho khoản bội chi đó. Và thêm tỷ lệ nợ công 63,8% GDP (năm 2015), con số tuyệt đối là 120 tỷ USD, tương đương với 2.675.070 tỷ đồng, nữa.

Tính bình quân, mỗi người Việt Nam, từ trẻ sơ sinh cho đến ông bà già sắp từ giã cõi đời, mỗi người đang phải gánh trên vai 29 triệu đồng nợ công (năm 2015). Và số nợ đó sẽ còn tăng lên nữa vào năm 2016 này, bởi theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới, thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam trong năm 2016 này sẽ tăng từ con số 63,8% của năm 2015 lên 64,4%.

Hàng năm, số nợ phải trả nước ngoài rất lớn. Nếu vậy, thì còn lại bao nhiêu để đầu tư phát triển? Và một câu hỏi nữa được đặt ra, là việc mua sắm tài sản công quá nhiều, quá lãng phí đó và tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ nợ nước ngoài ngày một tăng, có quan hệ với nhau không?

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Thịnh, thì việc mua sắm hiện nay vẫn chủ yếu được thực hiện bằng hình thức phân tán, nhỏ lẻ với hơn 100.000 đầu mối. Tất cả đều cùng thực hiện một quy trình đấu thầu mua sắm với cùng một số loại tài sản như nhau, gây lãng phí và dễ thất thoát, tham nhũng.

Vì thế, để tránh tình trạng trên, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ áp dụng cơ chế mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung. Việc triển khai biện pháp này được kỳ vọng là sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời góp phần tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước mỗi năm từ 20.000 đến 27.000 tỷ đồng.

Vấn đề là: Thời gian tới là thời gian nào?

Bao giờ mới bắt tay vào hành động, bởi xã hội đã quá bức xúc với những con số trên rồi.