Trong bài này tác giả trình bày tóm lược những kết quả việc áp dụng Nano để xử lý trên cây ngô làm thức ăn gia súc và ngô lấy hạt dùng để ăn tươi để bạn đọc tham khảo.
Ruộng ngô đông bón Nano |
Báo cáo này trình bày 2 dạng xử lý:
1/Dùng Nano xử lý hạt trước khi gieo. Đây là khảo nghiệm trình diễn, thực hiện trên diện tích rộng, không nhắc lại, bao gồm 2 giống ngô do Cty TNHH Sinh Thái Xanh phối hợp với Bộ môn Khuyến nông, Viện Nghiên cứu Ngô thực hiện trong vụ thu đông 2015, tại Đan Phượng (Hà Nội), gieo ngày 28/9/2015. Có 2 giống ngô tham gia trình diễn:
Giống ngô lai VS71, trình diễn trên diện tích 5.000m2 bao gồm 3.000m2 có xử lý hạt bằng dung dịch Nano, liều pha 5ml/kg hạt giống ngâm trong 30 phút và lô 2.000m2 làm đối chứng.
Giống ngô thụ phấn tự do cũng thực hiện quy cách như giống VS71. Tất cả các biện pháp làm đất, phân bón, mật độ trồng và chăm sóc đều giống nhau, chỉ khác nhau là có xử lý Nano và không xử lý Nano. Mật độ trồng theo khoảng cách 60 x 25cm, tương đương 6,7 vạn cây/ha. Lượng phân sử dụng gồm 2.000kg phân vi sinh và phân khoáng được bón 350kg ure + 450kg super lân+ 140kg KCl/ha, tương đương 161kg N + 74kg P205 + 84kg K20/ha.
Kết quả theo dõi đo đếm tính toán được tóm tắt như sau: (a) Về đặc điểm sinh trưởng thì cả 2 giống ngô, ở công thức xử lý Nano đều có tỷ lệ nảy mầm, chiều cao cây, chiều ao đóng bắp, đường kính gốc và độ đồng đều của quần thể cao hơn lô đối chứng rất rõ.
(b) Về năng suất: Với giống bắp thụ phấn tự do làm thức ăn gia súc, sau 75 ngày thu hoạch cho năng suất sinh khối là 62,4 tạ/ha, còn lô đối chứng chỉ đạt 41,15 tạ/ha. Có xử lý Nano năng suất sinh khối tăng hơn đối chứng là 21,25 tạ/ha,hay 51,6%
Trường hợp giống ngô lai VS71, lô mô hình có xử lý Nano có chiều dài bắp, đường kính bắp, số hàng bắp, số hạt trên hàng và trọng lượng 100 hạt đều cao hơn lô đối chứng rất rõ. Năng suất hạt ở lô xử lý Nano đạt 96,06 tạ, còn lô đối chứng chỉ đạt 84,70 tạ/ha, kém lô mô hình 11,36 tạ/ha hay lô mô hình có năng suất cao hơn đối chứng 13,4%
2/ Trường hợp phối trộn Nano với phân khoáng để bón: Đây là thí nghiệm chính quy, ô có diện tích 20m2, nhắc lại 3 lần và Nano MIX được phối trộn vào phân NPK Đầu Trâu theo tỷ lệ ‰, do Công ty Bình Điền Ninh Bình phối hợp với Viện Nông hóa thổ nhưỡng, thực hiện trên vùng đất xám bạc màu Bắc Ninh.
Thí nghiệm thực hiện vào vụ thu đông năm 2016, gieo ngô bầu ngày 6/8/2016, trồng ra ruộng ngày 11/8/2016. Đối chứng sử dụng 2 loại phân Đầu Trâu NPK 16-10-6 và 15-5-15. Kết quả thu hoạch, đo đếm tính toán cho thấy: Công thức đối chứng cho năng suất thực thu 113,8 tạ tươi/ha. Còn công thức NPK kết hợp Nano cho năng suất 136,7 tạ tươi/ha, cao hơn đối chứng 22,9 tạ/ha, tăng 20,1% so với đối chứng. Tính hiệu quả kinh tế cũng cho thấy có bổ sung 1 lượng Nano rất ít vào phân NPK để bón cho ngô mang lại tiền lời cao hơn đối chứng là 9.136.000 đồng/ha/vụ, với giá ngô tươi là 4.000đ/kg.
Nhận xét rằng trong trường hợp đất bạc màu, phân có trộn Nano nếu giảm lượng phân đa lượng xuống 20 - 30% thì chưa thấy có hiệu quả. Nghĩa là cây ngô cần nhiều phân hơn, và mức bón trong thí nghiệm là phù hợp, do đó nếu giảm lượng phân đa lượng xuống thì một lượng Nano nhỏ chưa có khả năng bù đắp lại số lượng phân khoáng bị giảm.
Do đó, với kết quả này, trên đất xám chỉ nên phối trộng Nano với phân khoáng để bón thì có thể làm tăng hiệu lực nông học và cả hiệu quả kinh tế của cây ngô rất rõ. Giá trị thặng dư 9 triệu đồng/ha ngang với tiền lời thu được 1 vụ lúa được mùa và được giá. Do vậy số tiền lợi nhuận này rất có ý nghĩa.