| Hotline: 0983.970.780

Nát bét một cung đường tiền tỷ vừa quyết toán xong được 8 tháng

Thứ Năm 04/01/2018 , 09:30 (GMT+7)

Về thăm rừng nghiến cổ thụ ở xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai), chúng tôi có dịp đi trên cung đường bê tông ngoằn ngoèo. Cảnh thì đẹp, nhưng đường đi nhiều đoạn mặt bê tông đã bong tróc, lộ ra lớp đá lởm chởm. 

Một số vị trí, chỉ cần lấy tay hoặc thanh que nhỏ có thể cạy lên, tơi như miếng bánh khảo. 

Cung đường này mới chỉ được quyết toán vào tháng 4/2017. Thật ngạc nhiên!

13-09-24_2
Dùng một thanh que cào nhẹ bật cả lớp đất nền


Người dân phản đối

Cung đường kể trên, nối từ trung tâm xã Cốc Ly vào hai thôn Nậm Ké và Cốc Sâm - nơi có rừng nghiến cổ thụ nghìn năm tuổi. Con đường ra đời một phần cũng nhằm thu hút du lịch, nâng cao đời sống người dân vốn bị cái đói nghèo bám riết.

Theo thiết kế, con đường này có chiều dài 4.810m, rộng 3m, chiều dày phải đảm bảo 16cm. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 5,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ yếu là ngân sách của tỉnh Lào Cai, một phần do các hộ dân đóng góp, mỗi hộ 2 triệu đồng. Con đường bắt đầu khởi công từ đầu năm 2014 do UBND xã Cốc Ly làm chủ đầu tư.

Ông Bàn Văn Bình, trưởng thôn Cốc Sâm cho biết, ngay trong lúc xây dựng, giữa đơn vị thi công và đội ngũ người dân giám sát đã xảy ra mâu thuẫn. Người dân cho rằng, việc thi công không đảm bảo kỹ thuật như không đủ độ dày, không đầm nền hay trải cấp phối. Do nền đất không đảm bảo, ngay trong lúc đổ bê tông, nhiều đoạn đã bị sụt lún.

13-09-24_1
Người dân bức xúc trước việc phải đóng góp làm một con đường vừa xong đã hỏng

Sau khi người dân phản ánh, đơn vị thi công đã bỏ dở chừng. Người dân thôn Cốc Sâm tự nhận công trình, thuê máy trộn bê tông về làm nốt. “Chính vì vậy mới có chuyện cùng một con đường, chất lượng hai đoạn do hai đội làm khác nhau. Đoạn bên ngoài thì vừa làm xong đã hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn bên trong người dân tự làm thì tốt hơn, chưa thấy hỏng hóc gì nhưng mãi đến đầu 2016 mới xong”, ông Bình kể.

Ông Bàn Văn Quyết, người dân thôn Cốc Sâm thì cho biết, khi đó được tín nhiệm bầu làm thành viên ban giám sát công trình. Ông Quyết khẳng định, công trình này không đảm bảo chất lượng. Đơn vị thi công không thực hiện trải cấp phối hay đầm nền. Khi ban giám sát yêu cầu làm đúng hồ sơ thiết kế thì bị gạt đi. Cũng theo ông Quyết, theo thiết kế, bê tông phải dày đúng 16cm. Tuy nhiên, trên thực tế có những đoạn chỉ dày 5 - 10cm.

Để minh chứng, ông Bình và Quyết dẫn chúng tôi đi từng đoạn đường bị xuống cấp. Lấy một thanh que nhỏ, ông Quyết dễ dàng cạy từng mảng bê tông nham nhở. Tiếp tục dùng que cào cào thì lật ra lớp đất nền. Ông Quyết bảo, chỗ vừa cào, thậm chí bê tông dày chưa đến 5 cm.

13-09-24_3
Dùng tay cạy được cả tảng bê tông, dày chỉ 5cm

Trưởng thôn Cốc Sâm buồn rầu bảo, cả năm nay, người dân kiến nghị nhiều lần lên thôn, xã nhưng chưa có phản hồi. Buồn nhất là khi Cốc Sâm là thôn có tới 80% nghèo, nhiều hộ phải đi vay mượn mới đủ 2 triệu để nộp. Hơn chục hộ xin khất lại, nhưng khi thấy đường đang làm đã hỏng liền tuyên bố không đóng nữa…

Một số hộ được đơn vị thi công thuê đổ bể tông với giá 200 nghìn đồng/ngày. Đến nay, đường đã xong nhưng đa phần chưa lấy được tiền. Nhà thầu từ đó cũng một đi không trở lại, người dân chỉ biết than, thôi thì… chó cắn áo rách.
 

Đường hỏng do thời tiết!?

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly. Trước những gì chúng tôi ghi nhận về phản ánh của người dân, ông Tuấn thừa nhận là có. “Đúng là con đường có một số đoạn bị xuống cấp. Nhưng ở miền núi, nắng mưa, thiên tai nhiều thì không có gì là lạ. Trong quá trình sử dụng, có thể do mưa gió, một vài đoạn xuống cấp. Cái việc đấy là không tránh được”.

13-09-24_4
Nhiều đoạn bị vỡ nát

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do những lùm xùm như người dân phản ánh, mãi tới tháng 4/2017, công trình này mới có thể quyết toán. Khi đề nghị được cung cấp hồ sơ quyết toán, ông Tuấn cho biết, do xã mới thay đổi kế toán, việc lưu trữ hồ sơ cũng thay đổi nên chưa thể cung cấp được.

Làm việc với NNVN, ông Lê Doãn Hạnh, Phó Chánh thanh tra huyện Bắc Hà cho biết, ngay tại thời điểm làm đường, sau khi người dân kiến nghị, đơn vị đã vào cuộc xác minh. Theo đó, qua kiểm tra thực tế, hơn 2,6km được thi công dùng lớp móng bằng cấp phối tự nhiên, khai thác đá non tại chỗ. Điều này không đúng với hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật phê duyệt. Số tiền “vênh” với hồ sơ dự toán là trên 170 triệu đồng. Huyện Bắc Hà kết luận và yêu cầu chủ đầu tư là UBND xã Cốc Ly phải giảm trừ số tiền chênh lệch này khi quyết toán công trình.

13-09-24_5
Một hố sâu được tạo ra ngay giữa mặt đường

Cũng theo ông Hạnh, thực tế kiểm tra, nhiều đoạn đường cũng dày mỏng khác nhau, chưa đúng như hồ sơ thiết kế. Nhưng vì điều kiện là xã vùng khó khăn, đã làm rồi nên không xử lý. Nếu áp theo đúng thiết kế được phê duyệt thì công trình không thể quyết toán.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như Ruân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Bắc Hà thông tin, sau khi trao đổi với ông Tuấn thì được biết, xã này đã tiến hành giảm trừ số tiền 170 triệu đồng đúng như yêu cầu. Thậm chí, tổng số tiền giảm trừ toàn dự án cộng dồn vào khoảng 350 triệu. Câu hỏi đặt ra là, số tiền này giảm trừ cho những hạng mục gì? Tại sao lại giảm trừ? Việc giảm trừ so với thiết kế, dự toán ban đầu có phải là nguyên nhân khiến công trình tiền tỷ xuống cấp hay không?

Xin gửi lại câu hỏi này cho UBND xã Cốc Ly, UBND huyện Bắc Hà để trả lời kiến nghị của người dân!

13-09-24_6
Nhiều hộ nghèo phải đi vay mượn tiền đóng góp làm đường chỉ nhận lại thất vọng

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.